Như vậy, dựa vào các lý thuyết cũng như các nghiên cứu trước có thể thấy giới tính của người quản lý có thể ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực tới kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Phụ nữ thường có cách nhìn toàn diện hơn với nhiều khía cạnh hơn của vấn đề nên với tư cách là người quản lý, phụ nữ có thể giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với bản tính lo ngại rủi ro của mình, phụ nữ có thể sẽ làm mất đi nhiều cơ hội trong kinh doanh, và từ đó lại làm ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
2.4. Phát triển giả thuyết nghiên cứu
Các nghiên cứu trước đây về ảnh hưởng của giới tính giám đốc đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự lo ngại rủi ro cho nhiều kết quả khác nhau. Nguyên nhân dẫn đến kết quả khác nhau có thể là do các nghiên cứu đó khác nhau về cách chọn mẫu, về dạng dữ liệu, về phương pháp nghiên cứu, về các phương pháp hay các thang đo để đo lường kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự khác nhau về kết quả đó cũng có thể giải thích bởi các nghiên cứu trước đây được thực hiện trên nhiều quốc gia với những hệ thống pháp luật khác nhau, cách thức tác động đến giới tính của mỗi quốc gia là khác nhau, giai đoạn nghiên cứu khác nhau. Tất cả những lý do trên dẫn đến sự trái ngược, không đồng nhất về kết quả nghiên cứu.
Dựa trên những nghiên cứu trước đây đã được trình bày ở chương Tổng quan, dựa vào các lý thuyết nền tảng, cũng như dựa vào tình hình đặc điểm của Việt Nam, tác giả xây dựng và phát triển một số giả thuyết như sau:
2.4.1. Về ảnh hưởng của giới tính giám đốc đến kết quả kinh doanh củadoanh nghiệp doanh nghiệp
Cho đến nay, các nghiên cứu về vấn đề ảnh hưởng của nữ giám đốc đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều chưa thống nhất. Tuy có nhiều kết quả khác nhau nhưng không thể phủ nhận một thực tế là nữ giới đang ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong vị trí quản lý, đặc biệt là quản lý ttrong lĩnh vực kinh tế. Số lượng nhà quản lý nữ vẫn chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với số lượng nhà quản lý nam, tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp được điều hành bởi các nhà quản lý là nữ đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Đây được xem là một tín hiệu tốt cho mục tiêu bình đẳng giới – một trong những mục tiêu phát
triển thiên niên kỷ quan trọng cũng như các mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới và mong muốn đạt được. Bình đẳng giới đang là xu hướng tất yếu và phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội và động lực để tự khẳng định bản thân (Ngân hàng thế giới, 2012). Hỗ trợ phụ nữ để thăng tiến trong sự nghiệp không chỉ là câu chuyện bình đẳng giới mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Thúc đẩy sự đa dạng trong quản lý bằng việc có thêm nữ giới đảm nhận các vị trí cao nhất là chìa khóa để tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và nắm bắt được các lợi ích về kinh tế và xã hội .
Để đưa ra giả thuyết thứ nhất, tác giả đã dựa vào 3 căn cứ:
Thứ nhất, dựa trên cơ sở là lý thuyết phụ thuộc các nguồn lực và lý thuyết người đại diện và lý thuyết cấp trên - cả ba lý thuyết này đều đánh giá cao về vai trò của các nhà quản lý nữ. Theo lý thuyết này thì các nữ quản lý (nữ giám đốc) sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, dựa vào số liệu các doanh nhân nữ tại Việt nam. Việt nam sở hữu tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động của nữ giới luôn luôn ở mức cao. Khoảng 73% phụ nữ Việt nam tham gia vào lực lượng lao động (một trong những tỷ lệ cao nhất toàn cầu) so với 82% nam giới. Sự chênh lệch (9%) này tương đối thấp so với mức trung bình của thế giới (khoảng 25%). Nếu xét theo vị trí quản lý thì Việt nam có 23% phụ nữ đảm nhận vai trò quản lý tại các doanh nghiệp (ILO, 2015). Bên cạnh đó, Grant Thorton đã có nghiên cứu về các doanh nhân nữ và họ thấy rằng, không giống như ở nhiều nước châu Á khác, nơi mà phụ nữ không được coi trọng thì ở Việt nam, phụ nữ có vị trí và vai trò không nhỏ, họ làm việc chăm chỉ, thông minh, đáng tin cậy, làm việc thân thiện và cởi mở.
Thứ ba, dựa vào kết quả nghiên cứu của những nhà nghiên cứu trước đây về vấn đề này tại Việt nam như Duc Vo & Thuy Phan (2013), Tuan Nguyen & cộng sự
(2014), Nguyễn Quang Khải (2015) đều cho rằng các doanh nghiệp được điều hành bởi nữ giám đốc sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với các doanh nghiệp được điều hành bởi nam giới.
Dựa vào các lý thuyết nền tảng. cũng như thống nhất quan điểm với một số nhà nghiên cứu trước, đặc biệt là những nhà nghiên cứu tại thị trường Việt nam, tác giả đề xuất một mối tương quan cùng chiều giữa nữ giám đốc và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, được cụ thể hóa bằng các giả thuyết sau:
Giả thuyết H1: Các doanh nghiệp có giám đốc là nữ sẽ có kết quả hoạt động tài chính tốt hơn so với các doanh nghiệp có giám đốc là nam.
Cũng căn cứ vào lý thuyết phụ thuộc các nguồn lực, lý thuyết người đại diện và lý thuyết cấp trên, cả ba lý thuyết này ngoài việc đánh giá rằng các nữ quản lý (nữ giám đốc) không những chỉ đem lại nhiều lợi ích kinh tế nhiều hơn cho doanh nghiệp mà còn xây dựng môi trường làm việc thân thiện hơn, chi trả lương thưởng công bằng hơn và đặc biệt họ hành xử mang tính đạo đức hơn so với các nam quản lý (nam giám đốc).
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều nghiên cứu thực chứng cho kết luận trên. Đặc biệt có Ford & Richardson (1994) cho rằng các nữ quản lý đã tiến hành nhiều quyết định mang tính vì xã hội, vì cộng đồng hơn, họ tuân thủ pháp luật hơn so với các nam quản lý. Nam giới thường được tìm thấy là sẵn sàng trong việc chấp nhận các hành vi trái đạo đức để đạt được mục tiêu của họ nhiều hơn là nữ giới, họ trốn thuế, không đóng BHXH cho người lao động, …. Nam giới thường là thủ phạm chính của gian lận trong tổ chức (Zahra et al, 200&)
Giả thuyết H2: Các doanh nghiệp có giám đốc là nữ sẽ có kết quả hoạt động về
mặt kinh tế - xã hội tốt hơn so với các doanh nghiệp có giám đốc là nam
2.4.2. Về ảnh hưởng của giới tính giám đốc đến rủi ro của doanh nghiệp
Tương tự như giả thuyết thứ nhất và giả thuyết thứ hai, để xây dựng giả thuyết thứ ba, tác giả cũng dựa trên cơ sở lý thuyết và những nghiên cứu thực nghiệm đã có trước đây. Cụ thể:
Thứ nhất, dựa trên cơ sở một số lý thuyết, đặc biệt là lý thuyết triển vọng. Lý thuyết triển vọng là cơ sở để giải thích cho cơ chế tác động của thái độ, suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, cách đánh giá những cơ hội và thách thức, từ đó sẽ ảnh hưởng đến chiến lược, hành động, đến các quyết định của chủ doanh nghiệp, và từ đó dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Lý thuyết triển vọng đưa ra mô hình ra quyết định dưới điều kiện rủi ro và sự kết hợp với hành vi. Một trong 3 khía cạnh quan trọng trong hành vi quan sát được đó là thái độ đối với rủi ro (lo ngại rủi ro và tìm kiếm rủi ro).
Thứ hai, khi giám đốc là nữ thì mức độ rủi ro của doanh nghiệp sẽ ít hơn so với khi giám đốc là nam (Khan & Vieito, 2013). Trong thái độ đối với rủi ro thì sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới có xu hướng tăng cùng với sự gia tăng của đầu tư tài chính không chắc chắn. Trong khi các chủ doanh nghiệp nam có xu hướng đầu tư vào một lĩnh vực chuyên sâu thì phụ nữ có xu hướng đa dạng hóa. So với nam giới thì phụ nữ có nhiều hạn chế về tín dụng hơn, việc tiếp cận đến các nguồn tài trợ còn nhiều khó khăn (Huang và Kisgen, 2013) .
Những nhà nghiên cứu tại thị trường Việt nam cũng cho kết quả tương tự. Trần Trọng Phong và các cộng sự (2015), Hoàng Thị Phương Thảo và cộng sự (2015) đều nhận thấy rằng các doanh nghiệp có giám đốc là nữ sẽ có xu hướng chấp nhận ít rủi ro hơn so với cá doanh nghiệp có giám đốc là nam.
Thống nhất với kết quả nghiên cứu của các tác giả trên thế giới cũng như các tác giả nghiên cứu về tình hình trong nước, tác giả đề xuất giả thuyết sau đây:
Giả thuyết H3. Các doanh nghiệp có giám đốc là nữ có mức độ rủi ro thấp hơn các doanh nghiệp có giám đốc là nam.
Dựa trên những hiểu biết về phong cách lãnh đạo của phụ nữ phát triển trong các nghiên cứu trước, tác giả mong đợi rằng các giám đốc nữ sẽ đưa ra quyết định thận trọng hơn nam giới, và do đó, mức độ rủi ro của doanh nghiệp có giám đốc là nữ sẽ nhỏ hơn các doanh nghiệp có giám đốc là nam, dẫn đến có sự khác biệt về kết quả hoạt động của doanh nghiệp.