Dựa vào phần thảo luận tổng quan nghiên cứu ở trên thì luận án chỉ ra những khoảng trống nghiên cứu cho đề tài nghiên cứu này như sau. Thứ nhất, mặc dù hiện nay đã có nhiều nghiên cứu kiểm tra tác động của tính thanh khoản cổ phiếu đến lợi suất cổ phiếu, tuy nhiên các nghiên cứu về các tác động của thanh khoản cổ phiếu tới lợi suất cổ phiếu, giá trị doanh nghiệp và cơ cấu vốn chưa được đề cập.
Thứ hai, các nghiên cứu về tính thanh khoản cổ phiếu, lợi suất cổ phiếu, giá trị doanh nghiệp và cơ cấu vốn doanh nghiệp tại Việt Nam chưa nhiều. Các nghiên cứu này hoặc là sử dụng một mẫu nghiên cứu còn bị hạn chế về số lượng công ty (Uyên (2020) chỉ đề cập tới một số doanh nghiệp chế tạo hoặc một khoảng thời gian đặc biệt (giai đoạn khủng hoảng tài chính) như của Batten và Vo (2014). Luận án này sử dụng một mẫu nghiên cứu lớn hơn và bao gồm khoảng thời gian dài hơn so với các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khác với nghiên cứu của Batten và Vo (2014); Uyên (2020) nội dung của luận án bao gồm rất nhiều phương pháp kiểm tra tính vững để kiểm tra kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa tính thanh khoản cổ phiếu và lợi suất cổ phiếu. Các phương pháp kiểm tra tính vững này bao gồm cả phương pháp kiểm tra tính vững trực tiếp bằng việc áp dụng các mô hình hồi quy khác nhau cũng như phương pháp kiểm tra tính vững gián tiếp bằng việc kiểm tra mối quan hệ giữa tính thanh khoản cổ phiếu và giá trị và cơ cấu vốn doanh nghiệp.
Cuối cùng, hiện nay chưa có một công trình nào nghiên cứu cả tác động trực tiếp và gián tiếp tính thanh khoản cổ phiếu đến giá trị doanh nghiệp trong cùng một nghiên cứu. Việc sử dụng cùng một mẫu nghiên cứu trong cùng một khoảng thời gian sẽ giúp luận án thực hiện được việc này. Luận án đã chỉ ra rằng tính thanh khoản cổ phiếu đã
tác động trực tiếp đến giá trị doanh nghiệp và tác động gián tiếp đến giá trị doanh nghiệp thông qua tác động đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp.