Các vấn đề cơ bản về lợi suất cổ phiếu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối quan hệ giữa lợi suất cổ phiếu và thanh khoản thị trường trường hợp các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 39 - 40)

2.2.1. Khái nim

Cổ phiếu là giấy chứng nhận một khoản tiền mà nhà đầu tư đóng góp vào công ty phát hành cổ phiếu đó. Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu của người nắm giữ nó đối với công ty phát hành. Người nắm giữ cổ phiếu do đó là chủ sở hữu của công ty và được gọi là cổ đông của công ty này. Lợi suất cổ phiếu được định nghĩa là thu nhập mà cổ phiếu đó mang lại cho nhà đầu tư. Trong quá trình nắm giữ cổ phiếu, cổ đông của công ty có thể có được thu nhập từ cổ phiếu công ty dưới hai dạng là cổ tức và sự chênh lệch giá.

Lợi suất cổ phiếu, do vậy, có thể phản ánh mức độ hấp dẫn của công ty đối với nhà đầu tư trên thị trường. Mọi nhà đầu tư trên thị trường đều ưa thích một công ty mà có thể mang lại khoản lợi suất lớn, hoặc là dưới dạng trả cổ tức nhiều hoặc là dưới dạng tăng giá cổ phiếu. Chính vì vậy, các công ty luôn cố gắng tìm cách gia tăng hiệu quả hoạt động của mình nhằm tối đa hóa lợi suất cổ phiếu để sự giàu có của cổ đông tăng lên tối đa.

2.2.2. Đo lường

Lợi suất cổ phiếu có thể được đo lường bằng cách tuyệt đối hoặc tương đối. Nếu đo lường lợi suất cổ phiếu bằng cách tuyệt đối thì lợi suất cổ phiếu chỉ đơn giản là thu nhập có được từ khoản đầu tư vào cổ phiếu đấy. Nếu ký hiệu Pt-1 là giá mua cổ phiếu tại thời điểm t-1, Pt là giá cổ phiếu tại thời điểm t, và Dt là lượng cổ tức mà cổ đông nhận được trong khoảng thời gian từ t-1 đến t thì lợi suất tuyệt đối của cổ phiếu được tính như sau:

Lợi suất tuyệt đối = Dt + (Pt - Pt-1) (1.3)

Nhược điểm của lợi suất tuyệt đối là nó không tính đến tỷ lệ phần trăm giữa thu nhập và giá trị nhà đầu tư bỏ ra. Do đó, lợi suất tuyệt đối rất ít được sử dụng trong nghiên cứu. Đa phần các nghiên cứu đều sử dụng lợi suất tương đối, là lợi nhuận của cổ phiếu dưới tỷ lệ phần trăm giá trị nhà đầu tư bỏ ra. Công thức tính lợi suất tương đối như sau:

Lợi suất tương đối = [Dt + (Pt - Pt-1)]/Pt-1 (1.4)

Một điều chú ý là trong các cơ sở dữ liệu, ví dụ như từ website cophieu68.com, thì các cơ sở dữ liệu đều cung cấp giá đã điều chỉnh sau khi chi trả cổ tức. Như vậy, để tính lợi suất tương đối của một cổ phiếu, nhiều nghiên cứu sử dụng công thức sau đây:

Lợi suất tương đối = (Pt - P’t-1)/P’t-1 (1.5)

trong đó P’t-1 là giá cổ phiếu sau khi đã điều chỉnh việc chi trả cổ tức. Nghiên cứu sinh sẽ sử dụng lợi suất tương đối tính theo công thức (1.5) trong nghiên cứu này vì sự tiện lợi khi thu thập số liệu và vì đây là công thức được nhiều nghiên cứu trước đây áp dụng (ví dụ, Datar và cộng sự, 1998). Bên cạnh đó, khoảng thời gian tính lợi suất cổ phiếu sẽ là một năm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mối quan hệ giữa lợi suất cổ phiếu và thanh khoản thị trường trường hợp các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 39 - 40)