Hàng năm, làng gốm Bát Tràng tổ chức lễ hội làng từ 14 đến 16 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội làng gốm Bát Tràng còn có sự tham gia của 3 làng xung quanh: Nam Dư thượng, Nam Dư hạ, Thủy Lĩnh. Lễ hội gồm có phần lễ và phần hội với rất nhiều các nghi lễ và trò chơi dân gian độc đáo.
Phần lễ gồm các nghi thức tế lễ theo phong tục truyền thống như lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị ra đình. Theo nghi thức này thì nước được rước từ giữa sông Hồng về đền Mẫu ở ven sông để làm lễ Mộc Dục cho các bài vị đặt tại đền, sau đó mới rước bài vị về sân đình tế lễ. Ngoài ra, còn có nghi lễ dâng cúng thành hoàng một con trâu tơ béo, thui vàng, đặt cả con lên chiếc bàn lớn, kèm theo sáu mâm cỗ và bốn mâm xôi. Sau khi lễ xong, phẩm vật được hạ xuống chia đều cho các họ cùng hưởng lộc.
Sau khi phần lễ kết thúc sẽ đến phần hội, làng sẽ tổ chức đua tài bằng những sản phẩm tinh xảo do các thợ trong làng chế tác ra. Giải thưởng tuy không lớn nhưng đã động viên mọi người khiến ai cũng cố gắng hết mình để tạo ra những sản phẩm có giá trị vĩnh hằng. Ai cũng háo hức tham gia và họ có niềm tin rằng, người được giải chính là đã được Tổ nghề ban lộc, làm ăn sẽ khá giả, nghề nghiệp tiến triển suốt năm. Đây cũng là một vinh dự vô giá, là cơ hội để mỗi người thợ tự nâng
cao tay nghề hơn đến năm sau lại có dịp đua tài. Sau đó là các trò chơi dân gian vô cùng vui nhộn và đầy ý nghĩa như cờ người, chọi gà.... Đặc biệt, là trong đêm 15/2 có phần thả đèn hoa đăng trên sông rất đông vui, náo nhiệt.
Đây là dịp để những người con xa quê về thăm lại quê hương, họ hàng, làng xóm, thể hiện tình cảm của mình với mảnh đất quê hương. Đồng thời, đây cũng là một dịp để du khách thập phương, đặc biệt là nhưng du khách quốc tế có dịp được tham dự, hòa mình vào không khí buổi lễ hội để phần nào hiểu được những nét độc đáo, đặc sắc trong lễ hội truyền thống Việt Nam nói chung và trong lễ hội làng nghề Việt Nam nói riêng.