Các yếu tố tác động đến việc quản trị công ty cổ phần

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN THEO PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY (Trang 29 - 31)

Để QTCT có hiệu quả, điều đó phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính sách kinh tế vĩ mô, mức độ cạnh tranh trong thị trường sản phẩm và thị trường tư liệu sản xuất… Việc QTCT cũng phụ thuộc vào môi trường chính trị, pháp lý hiện tại ở mỗi quốc gia cũng như các mối quan hệ giữa quốc gia đó với các quốc gia khác ở trong và ngoài khu vực. QTCT chỉ là một phần của bối cảnh kinh tế rộng lớn trong đó công ty hoạt động, bao gồm các chính sách kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, khuôn khổ QTCT cũng phụ thuộc vào môi trường pháp lý, quản lý của nhà nước.

Một cách khái quát, có thể cho rằng việc quản trị CTCP chịu sự tác động, chi phối của các yêu tố sau đây:

Thứ nhất, yếu tố pháp luật.

Lý luận về Nhà nước và pháp luật đã khẳng định rằng Nhà nước sử dụng công cụ pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng của mình. Pháp luật về đầu tư kinh doanh nói chung và đặc biệt là pháp luật về công ty nói riêng điều chỉnh các quan hệ xã hội về quản trị nội bộ công ty, mối quan hệ giữa các cơ quan trong công ty theo định hướng của Nhà nước, thể hiện bằng các quy định pháp luật. Vấn đề QTCT hiệu quả phụ thuộc vào chất lượng và hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật liên quan đến công ty. Do vậy, muốn nâng cao hiệu quả QTCT thì chắc chắn một trong những việc làm quan trọng nhất là phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật có liên quan, đặc biệt là pháp luật về công ty. Đây sẽ là tiền đề để cho các công ty xây dựng quy chế quản trị riêng cho mình.

Ngoài ra, việc thi hành, áp dụng pháp luật, thực hiện pháp luật cũng có những ảnh hưởng nhất định đến kết quả quản trị CTCP. Điều đó thể hiện ở chỗ: Năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là tòa án và các cơ quan thi hành án giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư. Bên cạnh việc giải quyết tranh chấp trong công ty tại các cơ quan tài phán, việc tổ chức thi hành đúng và hiệu quả các quyết định, bản án về kinh doanh, thương mại cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo việc thực thi pháp luật. Song thực tiễn cho thấy, rất nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại chưa được thi hành trong thực tiễn do nhiều lý do, từ sự thiếu trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, đến sự chây lì, thủ đoạn của người phải thi hành án. Pháp luật sẽ chỉ là hình thức, không có tác dụng và chỉ là trên giấy nếu

nó không được thực thi trong thực tiễn hoặc các bản án, quyết định của tòa án hay trọng tài không được thi hành nghiêm túc. Vì thế việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của cổ đông một nội dung quan trọng trong quản trị CTCP có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc vào hoạt động của các cơ quan tòa án, thi hành án dân sự và trọng tài thương mại.

Thứ hai, yếu tố văn hóa kinh doanh và yếu tố tâm lý truyền thống của xã

hội phương Đông nói chung và của xã hội Việt Nam nói riêng.

Dù không phải là yếu tố mang tính quyết định nhưng rõ ràng truyền thống văn hóa kinh doanh của người Việt có tầm ảnh hưởng nhất định đến cách thức quản trị điều hành công ty nói chung và CTCP nói riêng. Ngoài ra, đặc thù về tâm lý của người Việt dựa trên nền sản xuất nông nghiệp lâu đời cũng có những ảnh hưởng nhất định đến cách thức quản trị CTCP, trong đó tư tưởng và tâm lý của người “tiểu nông” là một tác nhân khiến cho những mô hình QTCT tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển khó “xâm nhập” hơn vào xã hội Việt Nam.

Thứ ba, yếu tố hội nhập quốc tế.

Hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nói chung và QTCT nói riêng luôn bị ảnh hưởng bởi tiến trình hội nhập và xu hướng toàn cầu hóa. Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, sự hội nhập đặt ra thách thức lớn cho hệ thống pháp luật Việt Nam, phải thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng nền tảng pháp lý cho sự xuất hiện và bảo vệ các nhân tố của nền kinh tế thị trường và phải hài hòa hệ thống pháp luật nhất là pháp luật về đầu tư kinh doanh thương mại theo chuẩn mực quốc tế, theo những cam kết quốc tế của Việt Nam. Là thành viên của WTO, về nguyên tắc Việt Nam phải mở cửa thị trường về đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu cho nhà đầu tư nước ngoài. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong việc thu hút vốn nước ngoài chúng ta phải xây dựng môi trường pháp lý hiệu quả và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi họ đầu tư vào Việt Nam, nói cách khác đó là cam kết về bảo đảm đầu tư, là các cơ chế pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Do đó khung pháp lý về QTCT của Việt Nam ngày càng gần và phù hợp các nguyên tắc QTCT trên thế giới.

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN THEO PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY (Trang 29 - 31)