biện pháp kiểm dịch đối với du khách đến từ nước này
TTXVN (Bắc Kinh) - Theo Thời báo Hoàn cầu, cùng với việc tình hình dịch COVID-19 ngày càng xấu đi ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát tương ứng và bắt đầu thống nhất thực hiện cách ly 14 ngày đối với khách du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản nhập cảnh vào Trung Quốc, nhằm ngăn chặn SARS-CoV-2 xâm nhập ngược vào Trung Quốc.
Mặc dù quy định này không phụ thuộc vào quốc tịch, nhưng Hãng thông tấn
Yonhap (Hàn Quốc) đã ý kiến về cách tiếp cận của Trung Quốc và bày tỏ sự không hài lòng trước việc Chính phủ Hàn Quốc đã không bày tỏ thái độ với Trung Quốc về việc này. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha Jinghe cũng tuyên bố rằng biện pháp phòng chống dịch bệnh của một số chính quyền địa phương tại Trung Quốc là “quá đáng”.
Đối với vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc đã lập tức có phản hồi.
Thứ nhất, đối với việc truyền thông và Ngoại trưởng Hàn Quốc nhận định biện pháp cách ly của Trung Quốc đối với khách du lịch đến từ nước này là “phản ứng quá mức”, trong cuộc họp báo ngày 26/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ hiện nay Trung-Nhật-Hàn đều đang ở vào giai đoạn then chốt trong việc đối phó với dịch COVID-19, phía Trung Quốc chia sẻ đối với hoàn cảnh bùng phát dịch bệnh trong nước của Hàn Quốc, Nhật Bản, đồng thời bày tỏ sự thăm hỏi chân thành đến nhân dân hai nước này.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đến nay, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân Hàn Quốc, Nhật Bản đã giúp đỡ, hỗ trợ mạnh mẽ cho Trung Quốc và Trung Quốc rất biết ơn về điều này. Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc để cùng nhau vượt qua khó khăn; đồng thời sẵn sàng cung cấp trợ giúp Nhật Bản, Hàn Quốc trong khả năng có thể. Trung Quốc tin rằng những nỗ lực đối phó dịch bệnh của cả 3 nước sẽ chuyển thành động lực to lớn để tăng cường tình hữu nghị và thúc đẩy hợp tác Trung-Nhật-Hàn.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên khẳng định dịch bệnh không phân biên giới, gần đây, một số quốc gia đã thực hiện một số biện pháp cần thiết đối với người xuất, nhập cảnh để tăng cường phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Nguyên nhân của điều này là nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân bản địa cũng như công dân nước ngoài, đồng thời để duy trì an ninh y tế công cộng trong khu vực và trên toàn cầu. Nếu các biện pháp đó là khoa học, chuyên nghiệp và phù hợp, thì dư luận nên hiểu và chấp nhận.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên nhấn mạnh một trong những kinh nghiệm quan trọng của Trung Quốc về phòng chống dịch bệnh này là hạn chế đi ra ngoài và không tụ tập đông người để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản để thực hiện phòng ngừa và kiểm soát chung, tăng cường biện pháp kiểm soát tại các cửa khẩu và giảm việc đi lại, du lịch không cần thiết.
Thứ hai, theo hãng Yonhap, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Hình Hải Minh ngày 26/2 cũng đã giải thích với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về các biện pháp liên quan của Trung Quốc. Hãng Yonhap đưa tin rằng Đại sứ Hình Hải Minh khẳng định các biện pháp cách ly được áp dụng ở một số vùng của Trung Quốc để ngăn chặn SARS-CoV-2 xâm nhập ngược vào Trung Quốc không chỉ nhắm vào công dân Hàn Quốc, mà còn bao gồm nhiều công dân Trung Quốc. Do đó, Đại sứ Hình Hải Minh mong muốn phía Hàn Quốc thông hiểu về điều này.
Hãng Yonhap cũng cho biết, khi được hỏi liệu chính sách cách ly của chính quyền địa phương Trung Quốc có thể bị hủy bỏ hay không, Đại sứ Hình Hải Minh trả lời rằng ông sẽ cố gắng đàm phán, thu xếp ổn thỏa. Dịch COVID-19 là kẻ thù chung của thế giới, để đối phó với dịch bệnh này cần đến sự phối hợp chung, và các quốc gia khác sẽ tiếp tục cố gắng triển khai hợp tác phòng chống dịch bệnh với Hàn Quốc.
QUAN HỆ MỸ - ẤN ĐỘTrump và “cái ôm” chiến lược của Modi Trump và “cái ôm” chiến lược của Modi
TTXVN (Singapore) - Theo phân tích của báo The Straits Times ngày 26/2, hơn một lần mối quan hệ đang phát triển giữa Mỹ và Ấn Độ được coi là mối quan hệ có thể xác định thế kỷ 21. Mối quan hệ này một phần được thúc đẩy bởi sự không yên lòng của hai nước đối với sự trỗi dậy ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước lớn với các xã hội mở cửa này đã lạnh nhạt trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh – khi New Delhi nghiêng về Moskva còn Washington hướng về Islamabad. Tuy nhiên, nó đã phát triển đầy ấn tượng kể từ khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thăm Ấn Độ vào năm 2000. Trước ông, chỉ có 3 tổng thống Mỹ đến thăm Ấn Độ khi còn đương nhiệm: Dwight Eisenhower, Richard Nixon và Jimmy Carter. Ngược lại, tất cả các tổng thống Mỹ sau ông đều đến thăm Ấn Độ và Tổng thống Barack Obama đã hai lần đến thăm nước này. Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump vẫn là một thành tích.
Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump, diễn ra khi ông bước gần đến giai đoạn căng thẳng trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ của mình, là điều đặc biệt đáng chú ý. Thủ tướng Narendra Modi, bằng việc tiếp nhà lãnh đạo Mỹ tại bang Gujarat quê hương của ông, nhằm đảm bảo chắc chắn rằng sẽ có rất đông người hoan nghênh chào đón Tổng thống Trump đứng kín hai bên tuyến đường ông Trump đến thành phố này để thăm nơi ở của người anh hùng đấu tranh vì độc lập dân tộc của Ấn Độ Mahatma Gandhi. Ông Trump đã được chào đón tại một sân vận động cricket mới được xây dựng, được quảng cáo là lớn nhất thế giới cho môn thể thao được ưa thích này của khu
vực Nam Á với sức chứa hơn 100.000 người. Ở Agra, ngôi đền Taj Mahal đã được đóng cửa để phục vụ cho gia đình ông Trump. Tại cuộc gặp lần thứ 8 trong vòng 4 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận “cái ôm thân mật” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Người Ấn Độ đã chào đón nồng nhiệt và sẵn sàng chấp nhận vũ khí của Mỹ - điểm nổi bật về con số của chuyến viếng thăm này là việc ký kết một thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD để mua vũ khí do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, New Dehli đã không đả động gì đến yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về một thỏa thuận thương mại có lợi. Dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ quay sang theo hướng bảo hộ hơn và việc Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer không tháp tùng Tổng thống Trump có ý nghĩa nào đó. Trong khi Trump đã khoe khoang rằng “thỏa thuận thương mại lớn nhất” với Ấn Độ đang dần được định hình, New Delhi rõ ràng muốn chờ đợi xem cơn gió bầu cử Mỹ sẽ thổi theo hướng nào trước khi quyết định ký kết. Trong suốt chuyến thăm, Trump cũng hết sức thận trọng, tránh đưa ra bất kỳ lời nhận xét quan trọng nào về Pakistan hay Trung Quốc - hai đối thủ chiến lược và là người hàng xóm ngay bên kia biên giới của Ấn Độ.
Điều dường như trở nên rõ ràng là mỗi khi có nhà lãnh đạo Mỹ đến thăm Ấn Độ đều xảy ra một cuộc tấn công khủng bố hay tình trạng hỗn loạn thu hút sự chú ý. Lần này, ở góc phía Đông thủ đô New Delhi đã chứng kiến cuộc bạo loạn giữa những người ủng hộ Dự luật công dân sửa đổi gần đây của Chính phủ Ấn Độ, được dư luận rộng rãi coi là bất lợi đối với người Hồi giáo, và những người phản đối đạo luật này. Điều khiến Trump xứng đáng được ca ngợi là trong khi ông bày tỏ lập trường ủng hộ mạnh mẽ Ấn Độ trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố, ông cũng nhắc nhở quốc gia này rằng truyền thống hòa bình và khoan dung của Ấn Độ là hàng triệu người Hindu, Hồi giáo, Sikh và Thiên chúa giáo thực hiện tín ngưỡng trong sự hòa hợp. Điều này đã được công nhận trên toàn cầu. Đây là thông điệp then chốt mà những người Hindu theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Ấn Độ và ở những nơi khác không nên phớt lờ.