Vụ hè thu năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Bình Định phối hợp với một số HTXNN ở các huyện Hoài Ân và Phù Mỹ sản xuất thử nghiệm sống lúa thuần TP5 nhằm đánh giá tiềm năng năng suất và khả năng thích nghi của giống lúa này tại địa phương. Qua thực hiện mô hình, kết quả mang lại rất khả quan.
Theo Trung tâm KN-KN tỉnh Bình Định, hiện nay nông dân trong tỉnh đã đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới như lúa lai Nhị ưu 838, lúa thuần TBR-1, ĐB5, ĐB6… tuy có năng suất cao, song gạo không ngon, giá lúa thấp, tiêu thụ khó khăn. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu Trung tâm KN-KN tiến hành khảo nghiệm các giống lúa mới vừa có tiềm năng năng suất, vừa có chất lượng gạo thơm ngon để bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh.
Trong vụ hè thu 2009, Trung tâm KN-KN đã thực hiện khảo nghiệm giống lúa thuần TP5 với diện tích 6.000m2 trên địa bàn HTXNN1 Ân Hữu (Hoài Ân) và HTXNN1 Mỹ Hiệp (Phù Mỹ). Kết quả cho thấy giống lúa TP5 phù hợp với nhiều chân ruộng, điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương; khả năng chống chịu các đối tượng sâu bệnh khá tốt; năng suất lúa đạt khá cao, xấp xỉ 60 tạ/ha; chất lượng gạo thơm ngon, hạt trong.
Ông Trần Minh Phúc, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN tỉnh, cho biết: Giống lúa thuần TP5 được Viện Phát triển nông nghiệp thuộc Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, lai ghép từ 2 dòng bố mẹ là giống Jasmin và giống cao sản Úc. Sau khi lai ghép thành công, Viện đã chuyển giao công nghệ sản xuất cho Nông trường Cờ Đỏ (Cần Thơ) để nhân giống và cung ứng cho các địa phương có nhu cầu sản xuất giống.
Tại mô hình sản xuất giống lúa TP5 vừa được thực hiện trên cánh đồng thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp, diện tích 1.000 m2, với các quy trình kỹ thuật canh tác được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện khá chặt chẽ. Mật độ gieo sạ 5 kg/500m2, phương thức sạ lan, trước khi sạ bón lót phân chuồng và phân kali, lúa phát triển 10 ngày tiếp tục bón thúc phân. Sau 3 lần bón thúc đến khi lúa trỗ lác đác thì sử dụng phân KNO3 kết hợp phun Tilt Super. Ưu điểm của giống lúa này là cứng cây, khó đổ ngã, đẻ nhánh nhiều, tỉ lệ hạt lép thấp. Năng suất lý
thuyết của giống lúa TP5 là 73 tạ/ha, sau khi thu hoạch năng suất thực tế gần 60 tạ/ha, tăng hơn 6 tạ so với các giống lúa thuần trên cùng đồng ruộng. Còn tại mô hình khảo nhiệm lúa TP5 tại cánh đồng Lò Gạch xã Ân Hữu (Hoài Ân) cũng với quy trình kỹ thuật và canh tác như ở HTXNN1 Mỹ Hiệp, nhưng năng suất ở đây cao hơn, đạt 64 tạ/ha.
Ông Đỗ Thành Phương, một nông dân tham gia mô hình, cho biết: Trước đây, tôi thường sử dụng giống lúa lai để sản xuất, về năng suất thì giống lúa lai đạt rất cao, nhưng nghịch nỗi là chất lượng gạo thấp, khó tiêu thụ. Kết quả từ việc khảo nghiệm giống lúa TP5 là rất đáng mừng; trong thời gian tới tôi và một số bà con nông dân ở địa phương sẽ chọn giống lúa này để đưa vào sản xuất.
Ông Đỗ Tấn Tiên, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN Bình Định, cho biết: Với những kết quả vừa được khảo nghiệm, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho Sở NN-PTNT bổ sung giống lúa TP5 vào bộ giống lúa của tỉnh. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, nếu đưa giống lúa TP5 vào sản xuất ở vụ Đông Xuân và vụ Mùa thì khả năng năng suất lúa sẽ đạt từ 75 đến 80 tạ/ha.