2.2.1.1. Quy mô tăng trưởng xuất khẩu
Như phân tích tình hình xuất khẩu ở phần trên (Biểu đồ 2.1), lượng gạo xuất khẩu thỉnh thoảng có sự biến động nhưng nhìn chung là có xu hướng tăng,và đạt kỷ lục vào năm 2009. Như vậy không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà hàng năm nước ta còn xuất khẩu được khoảng 4 – 6 triệu tấn gạo.
Về kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2000 – 2008 là tăng đều đặn, duy chỉ đến năm 2009 kim ngạch xuất khẩu có giảm so với 2008. Nguyên nhân một phần là do giá gạo của năm 2008 có sự biến động tăng mạnh đẩy giá trị xuất khẩu năm 2008 lên cao hơn. Giai đoạn từ 2001 đến 2008, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng bình quân gần 28 %.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào biến động nhu cầu và giá cả thị trường mà Việt Nam chua chiếm thế chủ động trong
xuất khẩu gạo. Sở dĩ như vậy là do hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế và yếu kém sau:
Thứ nhất, nông dân nhỏ, phân tán, nên không có năng lực mặc cả, chịu thiệt
thòi. Điều này không chỉ do quy hoạch của các cấp ngành về việc sản xuất, thu gom và chế biến lúa xuất khẩu; mà còn do trình độ người nông dân còn thấp nên thường bị ép giá.
Thứ hai, tổ chức kênh hàng có nhiều trung gian và thiếu điều phối hiệu quả
do đó khả năng truyền thông tin kém. Việc thu mua lúa gạo ở các địa phương chủ yếu do các thương lái nhỏ lẻ thực hiện, các công ty xuất khẩu lớn trực tiếp mua từ nông dân là rất nhỏ nên việc mua bán thực hiện qua nhiều trung gian, việc điều phối khó có sự thống nhất và quản lý chặt chẽ.
Thứ ba, năng lực đàm phán ký kết hợp đồng còn yếu, trình độ năng lực đánh
giá và nghiên cứu thị trường chưa cao dẫn đến những kế hoạch xuất khẩu không hợp lý. Nhất là vào những thời điểm thị trường biến động phức tạp, việc chủ động để đưa ra các quyết định quản lý kịp thời và phù hợp gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư, còn kém trong xây dựng thương hiệu, đóng gói bao bì nhãn mác. Đây
là một yếu điểm lớn trong xuất khẩu gạo của Việt Nam, vì thế mà có những loại gạo của chúng ta chất lượng không kém so với với gạo của Thái Lan nhưng do bao bì đóng gói cũng như việc quảng bá kém mà không thu hút được người tiêu dùng.
2.2.1.2. Chất lượng tăng trưởng xuất khẩu
Trong những năm qua xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ tăng về quy mô mà cả chất lượng cũng đang được cải thiện dần để dần nâng cao giá trị xuất khẩu. Ở một số địa phương đã áp dụng được một số mô hình canh tác mới đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn như: mô hình lúa lai – tôm sú, 3 giảm 3 tăng, các chương trình khuyến nông sản xuất hạt giống lúa lai F1, phát triển
lúa lai thương phẩm, khuyến nông phát triển lúa chất lượng hay thực hiện kích cầu
nông nghiệp hỗ trợ về giống và phân bón cho người nông dân, cơ giới hóa cho sản xuất lúa… đã đạt được những kết quả đáng kể. Song những mô hình chưa được áp dụng rộng rãi nên chưa thấy được hiệu quả rõ ràng.
Từ khi tham gia xuất khẩu gạo chất lượng gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch nâng cao các sản phẩm chất lượng cao để cạnh tranh với gạo của Thái Lan, nhưng thực tế gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn chiếm đa số là gạo phẩm cấp thấp (gạo tỷ lệ 25% tấm chiếm khoảng 70 %). Cơ cấu thị trường cũng phản ánh chất lượng gạo của Việt Nam. Gạo của nước ta xuất sang các thị trường chủ yếu là châu Á, Trung Đông, châu Phi, …phần lớn là các khu vực có mức tiêu dùng thấp, khả năng thanh toán hạn chế. Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, sản xuất lúa chỉ quan tâm đến năng suất mà chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, nhiều địa phương sử dụng các loại giống lúa cũ thoái hóa, các giống lúa cao sản ngắn ngày nhưng chất lượng thấp. Trong khi hàng năm, cả nước ta vẫn phải nhập 70% giống lúa các loại cho sản xuất. Việc sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ của các hộ nông dân cũng làm cản trở cho việc sản xuất lúa chất lượng cao theo yêu cầu của xuất khẩu.
Thứ hai, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ chế biến, bảo quản lúa gạo xuất khẩu còn yếu kém, và phân bố không đồng đều. Có đến 80% lượng thóc được xay xát và chế biến tại các cơ sở nhỏ. Máy sấy và kho chứa còn hạn chế không được trang bị đầy dủ nên nếu vụ thu hoạch vào thời tiết không thuận lợi thóc thu hoạch được sẽ không được bảo quản khiến giảm chất lượng. Ở ĐBSCL hiện nay số lượng máy sấy chỉ đáp ứng được 40% sản lượng lúa hè – thu. Còn ở các vùng như đồng
bằng sông Hồng và duyên hải Nam Trung Bộ không có các nhà máy chế biến, hệ thống sấy và đánh bóng gạo hiện đại. Chính vì thế chất lượng gạo qua chế biến còn thấp, khâu chế biến gạo mới đóng góp khoảng 19 - 20% cho GTGT/tấn gạo trong khi của Thái Lan là 26%. Thất thoát sau thu hoạch (bao gồm cả thu hoạch, vận chuyển và chế biến) còn lớn, chiếm tỷ lệ khoảng 11 - 12%.
Thứ ba, các dịch vụ khuyến nông, dịch vụ khoa học công nghệ phục vụ sản
xuất lúa gạo cho nông dân ở cấp xã phát triển còn yếu, nông dân ở nhiều nơi còn thiếu thông tin về khoa học công nghệ và thông tin thị trường dẫn đến sản xuất lúa chậm được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất còn bị động, hiệu quả đạt thấp.
2.2.1.3. Mức độ đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế
Gạo là nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, hàng năm kim ngạch xuất khẩu gạo khoảng từ 1 – 3 triệu USD, đóng góp một phần đáng kể vào thu nhập quốc dân. Trong các sản phẩm nông – lâm – thủy sản xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng khá lớn khoảng 13 – 17 % tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâ – thủy sản, đặc biệt năm 2008 chiếm tới 17,86%. Dưới đây là bảng tỷ lệ đóng góp kim ngạch xuất khẩu gạo vào kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản và GDP.
Bảng 2.5: Đóng góp của kim ngạch xuất khẩu gạo vào GDP
Chỉ tiêu 2000 2005 2007 2008
GDP (triệu USD) 31170 52800 68640 90700
Kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản (triệu USD)
4197,5 7452,4 10963,4 14910,1
Kim ngạch xuất khẩu gạo
(triệu USD) 615,58 1279,27 1470 2663
Tỷ lệ % trong kim ngạch XK
nông – lâm – thủy sản 14,67 17,17 13,41 17,86
Tỷ lệ % trong GDP 1,97 2,42 2,14 2,94
(Nguồn: WB, www.worldbank.org.vn, Tổng cục thống kê 2009và VFA)
Mỗi năm xuất khẩu gạo đóng góp 2 – 3 % giá trị vào tổng thu nhập quốc dân, đây là một con số khá đáng kể đối với một sản phẩm nông nghiệp.