Giao tiếp không chỉ là quá trình trao đổi thông tin, nhận thức, đánh giá về nhau, mà còn là quá trình tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các chủ thể giao tiếp. Trong quá trình này, con người tác động gây ảnh hưởng đến đối tác giao tiếp, đồng thời cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng của đối tác. Quá trình tác động, ảnh hưởng lẫn nhau trong giao tiếp được diễn ra dưới nhiều hình thức như: lây lan, ám thị, bắt chước, thuyết phục, áp lực nhóm…
- Sự lây lan tâm lí: lây lan tâm lí là sự lan truyền từ người này sang người khác về thái độ, hành vi và đôi khi cả quan niệm, cách đánh giá… Lây lan tâm lí là hiện tượng tâm lí xã hội phổ biến diễn ra với tính chất, mức độ, phạm vi khác nhau, phụ thuộc vào những tình huống xã hội và tình huống tâm lí cụ thể.
- Ám thị: là tác động tâm lí tới cá nhân hoặc một nhóm người nhằm làm cho họ tiếp thu thông tin mà không có sự phê phán. Đó là sự chi phối, làm biến đổi cách suy nghĩ, thái
độ, hành vi của các cá nhân, các nhóm người một cách vô thức bởi sức ép của một sức mạnh tinh thần vô hình nhưng có thật.
- Thuyết phục: là sự thông báo, giải thích nhằm mục đích hình thành hay làm thay đổi các quan niệm, thái độ nào đó. Đây là cách thức quan trọng để hình thành các quan điểm và thế giới quan của cá nhân. Khác với ám thị, người được thuyết phục ở trạng thái có ý thức, có sự trao đổi, phê phán. Thuyết phục được xây dựng trên cơ sở những luận điểm có căn cứ, được chứng minh theo một cơ cấu logic để có thể đạt được sự đồng tình của người nhận thông tin. Do đo, lập luận và chứng mình là hai đặc trưng của thuyết phục.
- Bắt chước: là sự mô phỏng, tái tạo, lập lại các cử chỉ, hành động, tâm trạng, cách suy nghĩ, ứng xử của một người hoặc một nhóm người khác. Có nhiều hình thức bắt chước, từ mô phỏng, tái tạo các biểu hiện, dáng vẻ bên ngoài cho đến các phẩm chất, tính cách bên trong. Bắt chước thể hiện chức năng thích nghi của cá nhân và của nhóm đối với các chuẩn mực và giá trị đang chiếm ưu thế trong nhóm hoặc trong xã hội.
- Áp lực nhóm: trong giao tiếp tập thể, phản ứng của một thành viên thường bị chi phối bởi phản ứng của số đông. Khi đại đa số thành viên trong nhóm đã thống nhất với nhau về một phản ứng tâm lí nào đó, thì những thành viên còn lại cũng có xu hướng chấp nhận theo phản ứng đó. Có nghĩa là phản ứng của đa số đã tạo nên áp lực đối với phản ứng của thiểu số. Biểu hiện đặc biệt của áp lực nhóm tới cá nhân là tính a dua.
Phần 3: Truyền thông trong tổ chức (Trao đổi thông tin trong tổ chức)
Để giao tiếp trong quản trị được tốt, ngoài việc tìm hiểu quá trình trao đổi thông tin giữa các cá nhân, chúng ta cũng cần lưu ý phân tích và hoàn thiện quá trình trao đổi thông tin trong tổ chức.
Các tổ chức khác nhau có cơ cấu tổ chức và văn hóa tổ chức khác nhau. Sự khác biệt này sẽ dẫn đến các truyền thông trong tổ chức cũng khác nhau. Để giao tiếp hiệu quả khi làm việc trong một tổ chức, chúng ta cần tìm hiểu và thích nghi với hệ thống truyền thông của tổ chức đó. Cách truyền thôn trong tổ chức được thể hiện ở mạng truyền thông và kênh truyền thông