CHƯƠNG 2: ĐẢNG BỘ HUYỆN CHỢ MỚI LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỪ NĂM 1996 ĐẾN NAY
2.1.2 Đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chợ Mới là huyện đông dân số nhất tỉnh An giang với 368.477 người, mật độ dân số: 998 người/km2 ( 2006) . Dân tộc kinh chiếm 99,78%; dân tộc Hoa chiếm 0,16%; còn lại là các dân tộc khác.
Trên địa bàn huyện có 5 tôn giáo. Phật giáo Hòa hảo chiếm 49,7%, đạo Phật chiếm 26%; đạo Công giáo chiếm 4,2%, đạo Cao đài 5%, còn lại là đạo Tin lành.
Dân số trong độ tuổi lao động của huyện là 236.906 người, chiếm 64,29% dân số toàn huyện. Trong đó, lao động trong nông nghiệp là 107.714 người, có 7.614 người trong độ tuổi lao động không có việc làm hoặc làm nội trợ. Cán bộ viên chức nhà nước có trình độ cao đẳng, đại học là 2.681 người. Trong đó có 7 thạc sĩ (số liệu năm 2006).
Toàn Huyện có 18 xã, thị trấn với 138 ấp, 78.251 hộ, trong đó có 5.259 hộ nghèo, chiếm 6,98%. Năm 2006, giải quyết việc làm cho 21.744 lao động, trong đó lao động tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh là 9000 người, tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động cho 1719 người. Tổng sản phẩm GDP là 3.668,7 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng 13,7%, trong đó cơ cấu khu vực I là 27,4%, khu vực II là 24,1%, khu vực III là 48,5%. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 2006 là 9.950.000 đồng.
Chợ Mới là cái nôi cách mạng của tỉnh An Giang. Vào tháng 4/ 1930, chi bộ Đảng đầu tiên của Long Xuyên – Châu Đốc được thành lập tại xã Long Điền, huyện Chợ Mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân
Chợ Mới đã diễn ra liên tục, dai dẳng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ quê hương đất nước. “Cùng với Mỹ Tho, Đức Hòa, vùng Chợ Mới là một trong những lò lửa nóng bỏng của phong trào nông dân ở Nam Kỳ”. Truyền thống cách mạng trong những năm kháng chiến tiếp tục được nhân dân Chợ Mới kế thừa và phát triển trong sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và Chợ Mới nói riêng.