II. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh ngân hàng
2. Kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
2.2. Tăng cường việc kiểm tra, thanh tra hoạt động ngân hàng
Thực trạng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động NHNN đối với NHTM trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể như : khuôn khổ pháp lý về thanh tra giám, giám sát ngân hàng ngày càng được nâng cao; từng bước xây dựng được nội dung giám sát theo kịp với sự phát triển của hoạt động ngân hàng thương mại và các yêu cầu của thông lệ quốc tế; tổ chức giam sát được thực hiện trên cả hai nội dung là giám sát từ xa và giám sát tại chỗ. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng còn một số những hạn chế nhất định như :
- Hoạt động giám sát của NHNN vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu trong 25 nguyên tắc giám sát của Basel. Các nguyên tắc giám sát của Basel hiện nay vẫn đang coi là tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của ngân hàng quốc gia.
- Các quyết định liên quan đến hoạt động giám sát ngân hàng còn nhiều hạn chế. Trong số các quyết định liên quan đến hoạt động giám sát thì NHNN mới chỉ được các tổ chức quốc tế đánh giá thực hiện tốt và có quy định rõ ràng cách tính tỷ lệ giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro; đồng thời quy định mức tỷ lệ tối thiểu đối với một NHTM là 8% theo như thông lệ quốc tế[57]. Ngoài ra, các yêu cầu khác liên quan đến việc giám sát khả năng quản trị các loại rủi ro của NHTM thì NHNN vẫn chưa xây dựng được những văn bản pháp lý phản ánh được những yêu cầu này.
[57] ThS. Nguyễn Thị Minh Huệ, “ Thực trạng hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ngân hàng thương mại”, Tạp chí Ngân hàng số 10/2006.
- NHNN chưa chuẩn hoá nội dung hướng dẫn cho các NHTM trong công tác hoạt động giám sát và quản trị rủi ro nội bộ trong ngân hàng.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế nêu trên là do :
- Nội dung giám sát chưa đầy đủ và toàn diện: Với yêu cầu trong giám sát hoạt động của NHTM ngày nay không chỉ dừng lại ở giám sát và đánh giá các loại rủi ro ngân hàng đang đối mặt, mà phải giám sát và đánh giá được khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng đó thì nội dung giám sát của Thanh tra NHNN hiện tại vẫn chưa đầy đủ.
- Phương pháp giám sát chưa rõ ràng: NHNN thực hiện chủ yếu là thanh tra và kiểm tra tính tuân thủ của các NHTM đối với các quy định pháp lý về hoạt động ngân hàng thông qua các đoàn thanh tra trực tiếp đến ngân hàng. Tuy nhiên, phương pháp này hiện nay tỏ ra không còn hiệu quả đối với một hệ thống ngân hàng đã gia tăng cả về số lượng, quy mô và loại hình.
- Tổ chức giám sát chưa có sự phối hợp chặt chẽ: Việc tổ chức thực hiện giám sát là theo hai cấp gồm: Thanh tra NHNN và Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Tại Thanh tra NHNN, thành lập Phòng Giám sát phân tích chuyên thực hiện công tác giám sát từ xa. Tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, công tác giám sát từ xa chủ yếu là kiêm nhiệm. Tổ chức công tác giám sát theo hai cấp, thực hiện giám sát đối với cả các chi nhánh của TCTD là không phù hợp do các chi nhánh của TCTD không phải là đơn vị hạch toán độc lập, các chỉ số tuân theo Luật ngân hàng không áp dụng đối với chi nhánh, kết quả hoạt động ở các chi nhánh chịu sự điều hành của ngân hàng mẹ.
- Quy trình giám sát chưa thống nhất: Quy trình giám sát của NHNN chưa tạo được sự phối hợp giữa công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, các bước trong quy trình vẫn chỉ chú trọng đến hoạt động thanh tra tại chỗ và cụ thể đối với các NHTM mà chưa xây dựng được các báo cáo tổng thể mang tính cảnh báo trong hoạt động của NHTM.
- Trình độ cán bộ giám sát chưa chuyên nghiệp: Các cán bộ thanh tra, giám sát của NHNN chủ yếu được đào tạo các nghiệp vụ thanh tra tại chỗ, do giai đoạn trước yêu cầu của thanh tra là thanh tra tính tuân thủ của các NHTM. Do vậy, các kiến thức chuyên môn về hoạt động giám sát từ xa liên quan đến tổng hợp phân tích dữ liệu tổng thể, dự đoán và
cảnh bảo tình hình chưa được phổ biến và đào tạo có tính chuyên nghiệp đối với các cán bộ thanh tra.
- Chế độ thông tin báo cáo còn thiếu và chưa đầy đủ: Thông tin từ trước đến nay mà bộ phận giám sát từ xa sử dụng để cập nhật và phân tích được khai thác trên cơ sở nguồn thông tin của Cục Công nghệ tin học ngân hàng. Thanh tra NHNN Trung ương chỉ nhận các báo cáo tài chính trực tiếp từ các Hội sở chính NHTM nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương. Còn lại, tất cả các NHTM cổ phần và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các quỹ tín dụng nhân dân cở sở, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh các NHTM nhà nước đều thực hiện báo cáo thông qua NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Từ đó, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố mới chuyển thông tin cho Cục Công nghệ tin học ngân hàng. Điều này đã phần nào làm giảm tính kịp thời và tính chính xác của thông tin khi bộ phận giám sát từ xa của Vụ Thanh tra sử dụng và khai thác thông tin.
Từ những thực trạng, vướng mắc nêu trên tác giả xin kiến nghị một số giải pháp sau :
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giám sát ngân hàng và hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ hoạt động giám sát ngân hàng. Xây dựng Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, bảo đảm để Cơ quan Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng có đủ quyền lực cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát an toàn hệ thống và việc chấp hành đúng các quy định pháp luật trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
- Hiện đại hóa và sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả phương pháp giám sát ngân hàng : Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiệp vụ giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, trong đó giám sát từ xa được coi là nghiệp vụ quan trọng , có chức năng cảnh báo sớm rủi ro trong hoạt động ngân hàng; Sử dụng kết quả và hoạt động kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập làm công cụ hỗ trợ cho quá trình giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ.
- NHNN cần ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn một cách thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ gây khó khăn cho cán bộ ngân hàng trong quá trình
áp dụng. Hoàn thiện hơn nữa quy chế bảo lãnh ngân hàng, tạo cơ hội cho các ngân hàng chủ động trong việc cạnh tranh trong xu thế hội nhập.
- Đào tạo đội ngũ giám sát có chuyên môn và đội ngũ kế cận. Để làm được việc này NHNN cần có một kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và kế hoạch đào tạo đội ngũ kế cận cụ thể, trong kế hoạch cần phải được xây dựng theo hướng :
(i). NHNN cần có một chuyên gia tư vấn thường trú có kinh nghiệm để hướng dẫn và đào tạo trực tiếp cho các cán bộ thanh tra tại chỗ và các cán bộ phân tích từ xa.
(ii). NHNN cần phát triển một chương trình chuẩn về đào tạo, cấp chứng chỉ và đánh giá cán bộ.
(iii). Việc đào tạo tại các chi nhánh cần nhận được sự chú ý đặc biệt ngay từ đầu. (iv). NHNN cần bố trí việc hợp tác đào tạo và đào tạo ở nước ngoài với mục tiêu xác đáng và rõ ràng.
Kế hoạch đội ngũ kế cận thông qua việc bố trí công việc để đảm bảo những cán bộ giỏi, dày dạn kinh nghiệm có thể hỗ trợ và hướng dẫn cho các cán bộ trẻ hoặc còn ít kinh nghiệm trong công việc. Điều này thường được thể hiện trong việc bố trí và lên kế hoạch nhân sự trong các cuộc thanh tra thực tế tại các NHTM. Trong đó, cán bộ lãnh đạo được phân công làm Trưởng đoàn thanh tra cần xây dựng nội dung về nhân sự của đoàn thanh tra trong báo cáo tiền thanh tra, đảm bảo (1) lựa chọn các cán bộ phù hợp với nội dung yêu cầu (như về thanh tra nợ, hoạt động ngân quỹ, vốn,…); và sau đó (2) sắp xếp những mức trình độ cần thiết cho từng nội dung thanh tra dựa trên những đánh giá của Trưởng đoàn thanh tra về rủi ro và mức độ phức tạp của nội dung này (ở mức cao, trung bình, thấp). Lãnh đạo thanh tra cũng sẽ (1) xác nhận mức độ năng lực theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra và danh sách những cán bộ được chỉ định và (2) phân công (bằng việc điền tên vào bảng phân công) những thanh tra viên cho từng nội dung thanh tra [58].
Ngoài ra cần phải đảm bảo chất lượng đào tạo, công tác đào tạo cán bộ thanh tra về ngân hàng cần phải được tiến hành thường xuyên, đảm bảo tính phù hợp. Để đáp ứng được yêu cầu này, thì NHNN cần phải xác định đúng đắn nội dung, chương trình đào tạo phải
[58 ] ThS. Nguyễn Thị Minh Huệ, “ Hoàn thiện hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ngân hàng thương mại”, Tạp chí Ngân hàng số 22/2009.
chú ý mục tiêu, nhiệm vụ , chức năng của thanh tra ngân hàng trong từng thời kỳ. Chương trình đào tạo phải đảm bảo các nguyên tắc sau : Kết hợp chặt chẽ giữa việc nâng cao kiến thức và chú trọng bồi dưỡng đạo đức công tác thanh tra ngân hàng; gắn đào tạo với sử dụng cán bộ.