I. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
b. Quan niệm của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền
- Theo các nhà chính trị học “đảng cầm quyền” là khái niệm dùng để chỉ một đảng chính trị đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước nhằm thực hiện lợi ích của giai cấp mình.
- Trong tư tưởng Hồ Chí Minh Đảng cầm quyền là Đảng tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong điều kiện Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân giành được quyền lực nhà nước và Đảng trực tiếp lãnh đạo bộ máy nhà nước đó để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
- Mục đích, lý tưởng của Đảng cầm quyền.
Theo Hồ Chí Minh, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân. Đó là mục đích, lý tưởng cao cả không bao giờ thay đổi trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, mục đích, lý tưởng đó không những không thay đổi mà còn có thêm những điều kiện và sức mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng đó.
- Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
+ Trong tư tưởng Hồ Chí Minh khi xác định “người lãnh đạo” là xác định quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với toàn xã hội, khi đã có chính quyền thì Đảng lãnh đạo chính quyền.
+ Với tư cách là “người lãnh đạo” Đảng phải giáo dục, thuyết phục, nghĩa là Đảng phải làm cho dân tin, dân phục để dân theo. Đảng lãnh đạo nhưng quyền hành và lực lượng ở nhân dân cho nên Đảng “phải đi đường lối quần chúng, không được quan liêu mệnh lệnh gò ép nhân dân” mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng để thức tỉnh họ. Đảng phải sâu sát gắn bó mật thiết với nhân dân lắng nghe ý kiến của nhân dân, khiêm tốn học hỏi nhân dân và phải chịu sự kiểm soát của nhân dân.
+ Với tư cách là người lãnh đạo, theo Hồ Chí Minh Đảng cũng có nghĩa bao hàm trách nhiệm của “người đầy tớ” của dân. Đảng phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân nhằm đem lại các quyền và lợi ích cho nhân dân. Muốn làm “đầy tớ” tốt của nhân dân, theo Hồ Chí Minh đảng viên và cán bộ phải có tri thức khoa học, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng “cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
+ Tóm lại, Hồ Chí Minh đã sử dụng phương pháp biện chứng để nói lên vị trí, vai trò của Đảng cầm quyền trong việc lãnh đạo nhân dân.
- Đảng cầm quyền dân là chủ.
Theo Hồ Chí Minh, khi cách mạng thành công thì quyền lực phải thuộc về nhân dân, nhà nước đó phải của dân, do dân và vì dân. Đảng lãnh đạo cách mạng là để thiết lập và củng cố quyền làm chủ của nhân dân. Quyền lực thuộc về nhân dân là bản chất, là nguyên tắc của chế độ mới, một khi xa rời nguyên tắc này, Đảng sẽ trở thành đối lập với nhân dân.