Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng mô hình WRF phiên bản 3.2 với 28 mực
thẳng đứng. Mô hình WRF được lựa chọn với hai miền tính lồng ghép, độ phân giải lần lượt là 30km và 10km, toạ độ tâm là 16,0° vĩ Bắc và 108,0° kinh Đông. Miền ngoài bao trùm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, còn miền trong bao trùm khu vực Trung Bộ (Hình 2.6). Tất cả các mô phỏng trong nghiên cứu này đều lựa chọn các sơ đồ tham số hóa cho cả 2
miền tính là như nhau: sơ đồ tham số hoá đối lưu Kain – Fritsch, sơ đồ lớp biên hành tinh YSU, Sơ đồ phát xạ sóng ngắn: Dudhia, Sơ đồ cho lớp sát đất: Monin-Obukhov, sơ đồ đất bề mặt Noah Land-Surface Model, và sơ đồ bức xạ sóng dài RRTM.
Mô hình tính toán với hai trường hợp khác nhau: Trường hợp thứ nhất không cập
nhật số liệu địa phương (KCN) sử dụng trường phân tích và dự báo toàn cầu NCEP-GFS
làm điều kiện ban đầu và điều kiện biên. Trường hợp thứ hai sử dụng trường phân tích và dự báo toàn cầu NCEP-GFS làm điều kiện ban đầu và điều kiện biên, có cập nhật (CN) số liệu địa phương vào mô hình. Thời gian bắt đầu thực hiện mô phỏng được xét như
nhau trong cả hai trường hợp CN và KCN. Mô phỏng được thực hiện với hạn dự báo
72h với bước thời gian sai phân 180s. Sản phẩm mưa từ mô hình được so sánh với lượng mưa đo tại các trạm quan trắc bề mặt.
Hình 2.6: Các miền tính của mô hình WRF được lựa chọn cho Việt Nam và khu vực Trung Trung Bộ