II- CƠ SỞ THỰC TIỄN
6. Thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức vào phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam
nghiệp, nông thôn Việt Nam
ODA (Official Development Assistance) là nguồn hỗ trợ của các nước phát triển, các tổ chức phi chính phủ dành cho các nước đang và chậm phát triển nhằm giúp các nước này tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Trong một số trường hợp, ODA giúp các nước vượt qua khủng hoảng kinh tế hoặc tái xây dựng lại đất nước do chiến tranh…
Theo các đánh giá mới đây của Ủy ban hỗ trợ phát triển (DAC), ODA được phân bổ rộng khắp ở các khu vực trên thế giới, tập trung chủ yếu ở khu vực có nhiều quốc gia chậm phát triển và đang phát triển như Đông Nam Á chiếm 33,5%, Châu Phi 36,7% ODA của khối OECD. Trong khi đó, nguồn ODA vào Châu Âu chỉ có 4,2%, khu vực Bắc và Trung Mỹ 6,4% và khu vực Nam Mỹ là 7,0%. Nếu xét theo trình độ phát triển kinh tế của các nước tiếp
nhận ODA, thì sự phân bổ ODA của thế giới như sau: 53,8% ODA vào các nước có thu nhập quốc dân bình quân đầu người dưới 765 USD; 35,7% vào quốc gia có thu nhập từ 765 USD đến 3035 USD; còn lại chỉ có 10,4% ODA đổ vào khu vực các quốc gia có thu nhập bình quân trên 3035 USD. ODA thường tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế chiếm 16,8%, cung cấp nước và vệ sinh chiếm 6,6%, vận tải và công nghiệp chiếm 24,5%, nông nghiệp chiếm 9,5%, còn lại ODA được tập trung vào việc giảm nợ (5,7%), viện trợ khẩn cấp (5,1%), hỗ trợ chương trình (4,7%), và một số lĩnh vực khác.
Đối với Việt Nam, ODA có tầm quan trọng đặc biệt, giúp chúng ta giải quyết tình trạng cơ sở hạ tầng lạc hậu, và phân bố không đều, xóa bỏ bớt sự cách biệt về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng lãnh thổ trong cả nước, giữa thành thị và nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH và HĐH đất nước. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng đã khẳng định: “ Tranh thủ thu hút nguồn tài trợ phát triển chính thức (ODA) đa phương và song phương, tập trung chủ yếu cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ và quản lý, đồng thời dành một phần vốn tín dụng đầu tư cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng. Ưu tiên dành viện trợ không hoàn lại cho những vùng chậm phát triển…”
Thời gian qua, số các dự án ODA trong nông nghiệp, nông thôn còn ít lại chưa được quan tâm khai thác và sử dụng có hiệu quả. Vì vậy, việc đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả ODA vào phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang là đòi hỏi hết sức cấp bách.
Quá trình thu hút ODA vào phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam vẫn bộc lộ một số nhược điểm sau:
- Quy mô thu hút các dự án ODA trong phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ chưa đáp ứng được sự mong đợi của nông dân ở các vùng này.
- Chưa có quy hoạch phân bổ và sử dụng ODA. Cơ cấu thu hút ODA còn bất hợp lý, chưa thu hút vào những vùng sâu, vùng xa của đất nước, đặc biệt là miền núi. Ngược lại, ODA chỉ tập trung vào giao thông thủy lợi, nông thôn của các tỉnh có đông dân cư.
- Thiếu những quy định mang tính pháp lý về quyền hạn và chức năng của các cơ quan, dẫn đến thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương. Quy trình thủ tục, xét duyệt, thẩm định còn rườm rà, chồng chéo mất nhiều thời gian, đôi khi bỏ lỡ mất nhiều dự án.
- Công tác quản lý dự án còn bị buông lỏng, chưa có sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng.
- Trình độ cán bộ quản lý dự án của Nhà nước và các địa phương còn yếu kém về chuyên môn, ngoại ngữ và luật pháp.
- Mặc dù có sự ưu tiên cho các địa phương khó khăn, nhưng ngân sách các địa phương vẫn không đảm bảo nhu cầu vốn đối ứng cho các dự án, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân dự án.
Vì vậy, một số biện pháp nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả ODA vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong thời gian tới:
- Nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch thu hút và sử dụng ODA, xác định thứ tự ưu tiên phân bổ ODA theo từng ngành và từng địa phương. Các ngành, các địa phương và các đơn vị xin sử dụng vốn ODA cần tính toán chính xác hiệu quả và xác định đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, chịu trách nhiệm chính trong quá trình sử dụng vốn có chọn lọc và phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
- Hoàn thiện các quy định về quy trình và thủ tục đầu tư. Đơn giản hóa các quy trình ra quyết định và có quy chế cụ thể với các nhà tài trợ. Trong khâu tổ chức thực hiện cần đổi mới cơ chế quản lý và năng lực điều hành của các cơ quan quản lý và sử dụng vốn ODA, đặc bịêt là các địa phương nơi có dự án sử dụng ODA. Tất cả các dự án sự dụng vốn ODA phải thực hiện tốt quy trình đầu tư xây dựng trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Ưu tiên và phân bổ vốn đối ứng cho các dự án, đề ra các biện pháp chống tham nhũng để một mặt đảm bảo chất lượng công trình, mặt khác giữ được uy tín với các đối tác cung cấp ODA của nước ngoài.
- Có các biện pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu và chuẩn bị thực hiện dự án, thẩm định và xét duyệt dự án, hướng dẫn đấu thầu và xét chọn nhà thầu; có chính sách và biện pháp hữu hiệu đối với công tác di dân và tái định cư, giải phóng mặt bằng kịp thời cho thực hiện dự án…
- Chú trọng công tác đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ ở tất cả các cấp, cả trung ương và địa phương nơi có dự án. Nâng cao năng lực quản lý và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như Bộ Kế hoach và đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các địa phương…, kịp thời xử lý các
vấn đề phát sinh, bổ sung và điều chỉnh chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án đầu tư, đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát kiểm tra và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn.