3. Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp
3.4. Sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ cao.
Đây là đặc tính điển hình nhất của sản xuất nông nghiệp. Vì trong sản xuất nông nghiệp, quá trình tái tạo sản xuất tự nhiên và quá trình tái sản xuất xã hội kinh tế xoắn xuýt vào nhau nhưng lại không hoàn toàn trùng hợp nhau. Do đó sinh ra tính thời vụ. Vì vậy, tính thời vụ trong nông nghiệp là vĩnh cửu và không xóa bỏ được, là khách quan. Đặc điểm này yêu cầu sản xuất nông nghiệp một mặt phải tôn trọng tính thời vụ để đảm bảo đúng thời vụ đem lại hiệu quả cao, mặt khác phải tìm cách giảm bớt tính thời vụ bằng các giải pháp sau:
- Sản xuất theo hướng chuyên môn hóa kết hợp với đa dạng hóa sản xuất.
- Đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất trước hết là công nghệ sinh học.
- Phát triển mạnh ngành nghề phi nông nghiệp trong nông thôn. - Bố trí cây trồng, mùa vụ hợp lý.
Ngoài các đặc điểm chung của ngành nông nghiệp thế giới, nông nghiệp Việt Nam có một số đặc điểm riêng cần chú ý trong quản lý và phát triển nông nghiệp. Đó là:
●Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển từ nền nông nghiệp lạc hậu lên phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo định hướng XHCN không qua giai đoạn phát triển CNTB.
Đặc điểm này cho thấy xuất phát điểm của nền nông nghiệp nước ta khi chuyển sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường là rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Đó là khó khăn, thách thức của nông nghiệp nước ta trong quá trình hội nhập.
Ở các nước phát triển, trình độ sản xuất hàng hóa cao, nhiều khâu sản xuất được cơ giới hóa, hiện đại hóa, năng suất lao động và năng suất sản xuất cao đã góp phần đẩy mạnh phân công lao động trong nông nghiệp và trong nền kinh tế, lao động nông nghiệp giảm cả tương đối và tuyệt đối, sự phát triển của nông thôn và thành thị xích lại gần nhau.
Ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhỏ bé và trình độ thấp, cơ cấu kinh tế và trình độ sản xuất hàng hóa chưa phát triển, phân công lao động chưa phát triển: 2/3 dân số làm nông nghiệp, tình trạng lao động thiếu việc làm cao.
Vì vậy, vấn đề đặt ra để đẩy nhanh nông nghiệp nước ta sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước cần:
- Đẩy mạnh tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng nó vào phát triển nông nghiệp nông thôn, chính là thực hiện chiến lược “đi tắt đón đầu”.
- Tăng cường đầu tư nâng cấp xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp nông thôn.
- Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và hướng mạnh vào xuất khẩu.
- Tạo lập và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường cả thị trường đầu vào và đầu ra. - Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cán bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn.
●Nông nghiệp nước ta là nền nông nghiệp nhiệt đới có pha trộn tính chất ôn đới, nhất là ở miền Bắc.
Đặc điểm này mang lại cho nền nông nghiệp nước ta nhiều thuận lợi: nguồn ánh sáng dư thừa, nguồn nước ngọt phong phú, có thể phát triển nông nghiệp quanh năm, có thể tạo ra những năng lượng lớn, cho phép sản xuất ra nhiều sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và ôn đới có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu lớn nhưng mới ở dạng tiềm năng.
Thuận lợi đó không phải nền nông nghiệp nước nào cũng có, ngay cả những nước ASEAN. Đó là thuận lợi lớn cho nền nông nghiệp nước ta tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên thì những khó khăn, thách thức về tự nhiên đối với nông nghiệp nước ta không hề nhỏ: địa hình 70% là đồi núi trải dài, kề sát biển, mùa mưa thường có lũ lụt, lở đất; mùa khô thiếu nước, hạn hán nghiêm trọng, khí hậu nóng ẩm làm dịch bệnh bùng phát nhanh…
Vì vậy, trong quá trình phát triển đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa đòi hỏi phải luôn chủ động tìm cách phát huy, nâng cao thuận lợi và hạn chế khó khăn đến mức thấp nhất để đảm bảo cho nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
4.Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong quá trình gia nhập WTO:
Qúa trình hội nhập với thế giới của Việt Nam được đánh dấu bằng những mốc thời gian: Mở cửa nền kinh tế năm 1987; gia nhập ASEAN tháng 7/1995 và tham gia vào AFTA; trở thành thành viên chính thức của APEC tháng 11/1998 ; chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO - World Trade Organization vào ngày 7/11/2006. Đây là bước tiến quan
trọng đối với quá trình hội nhập và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Là một quốc gia có nền kinh tế đi lên từ nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và nông thôn luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Việc gia nhập WTO mở ra cho nông nghiệp Việt Nam những cơ hội cũng như thách thức, từ đó tác động rất lớn đến quá trình phát triển của nông thôn.
Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của nông nghiệp Việt Nam từ 4- 5% năm, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 75% lực lượng lao động, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP chiếm 26%, giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu, chỉ số xuất khẩu ròng trong nông nghiệp là 0,49. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu cà phê. Ngoài ra, 2/3 trong số 15 mặt hàng xuất khẩu chính là các sản phẩm nông nghiệp: cà phê, thủy sản, gạo, chè, cao su, hạt tiêu, hạt điều, lạc nhân, rau, quả. Trên thế giới và khu vực thì ngành nông nghiệp Việt Nam có lợi thế so sánh cao cùng một số ngành khác như: dệt may, khai thác.
Việc gia nhập vào WTO mở ra một triển vọng xuất khẩu to lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Thứ nhất, được đối xử bình đẳng thông qua nguyên tắc tối huệ quốc MFN (Most Favoured Nation) và đối xử quốc gia NT (National Treatment). Trong đó, nguyên tắc MFN quy định việc đối xử với các nước thành viên khác trong WTO bình đẳng với nhau như là bạn hàng được ưu đãi nhất, nguyên tắc NT quy định khi hàng hóa của các nước thành viên thâm nhập vào một thị trường thì phải được đối xử không kém ưu đãi hơn so với hàng hóa tương tự ở trong nước (liên quan đến chính sách bảo hộ và xuất xứ hàng hóa). Như vậy, đối với các thị trường truyền thống: Bắc Mỹ, EU, Nhật… thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ được ưu đãi như đối với các quốc gia được hưởng MFN khác như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… được giảm thuế, bãi bỏ hạn ngạch. Tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngay cả đối với sản phẩm nội địa của những thị trường này. Thứ hai, gia nhập vào WTO, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có cơ hội để thâm nhập, mở rộng ra các thị trường khác như Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi, Châu Á…là thành viên của WTO. Thứ ba, Việt Nam có thể cải thiện được hệ thống giải quyết tranh chấp với các nước thông qua tổ chức WTO và nâng cao vị trí của quốc gia khi tham gia đàm phán với các cường quốc thương mại bằng các nguyên tắc công bằng, hiệu quả. Ngoài ra, gia nhập WTO
với tư cách là một quốc gia đang phát triển Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi và giúp đỡ dành cho các quốc gia đang phát triển trong quá trình hội nhập, tự do hóa, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đặc biệt khi Việt Nam chuyển hướng từ xuất khẩu sản phẩm thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ có những đột biến về giá trị sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu và Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với những quốc gia đang được hưởn hệ thống ưu đãi chung GSP của Mỹ hay ưu đãi của EU.
Tuy nhiên, việc gia nhập WTO và tự do hóa theo những Hiệp định của tổ chức này thì ngành nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải gặp những thách thức: Yêu cầu cắt giảm thuế, loại bỏ các hàng rào phi thuế quan chuyển sang hàng rào thuế quan theo lịch trình dành cho các nước đang phát triển. Đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao được khả năng cạnh tranh quốc tế nhờ những chính sách về thị trường, sản phẩm và những chính sách hỗ trợ do quá trình thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiêp. Duy trì sự ổn định giá cả có lợi đối với người nông dân, phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư nguồn nhân lực cho vùng nông thôn, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, đầu tư cho ngành chế biến lâm sản xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng tạo cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế. Có được như vậy thì “cơ hội” gia nhập WTO sẽ tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Việt Nam góp phần vào việc thúc đẩy và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao. Mở rộng các ngành chế biến nông sản xuất khẩu, phát triển các ngành kinh doanh nông sản, dịch vụ tạo cơ hội tăng thu nhập cho người nông dân và các hộ gia đình khu vực nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam sẽ tăng cường được khả năng sản xuất lương thực, đảm bảo an ninh lương thực và tăng cường xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội tạo ra nhiều công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, phân phối thu nhập công bằng hơn, đặc biệt với những chính sách phát triển nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thực thu thuế từ việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Chính phủ sẽ tăng lên nhờ vào khối lượng trao đổi buôn bán tăng, các hàng rào phi thuế quan được chuyển thành thuế quan cho dù Việt Nam có phải cắt giảm thuế suất, thực hiện quá trình tự do hóa.
Việt Nam đã đạt được những thỏa thuận đối xử MFN với hơn 60 nước trên thế giới và gần đây nhất là với Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tham gia đàm phán song phương, đa phương với nhiều quốc gia và khu vực đặc biệt với Mỹ, Canada và EU… khi đưa cả một số Hiệp định về quyên sở hữu trí tuệ TRIPs, nhãn sinh thái của sản phẩm… Việt Nam
cũng có những thuận lợi khi đang tham gia vào AFTA và các chương trình hành động chung của APEC. Và đây là những bước đà giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.