Gợi ý chính sách

Một phần của tài liệu Các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam (Trang 41 - 44)

Không thể phủ nhận hiệu quả của các chương trình can thiệp vào dinh dưỡng cộng đồng của chính phủ Việt Nam cũng như ở tất cả các nước đang phát triển trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, những can thiệp này chỉ góp phần làm giảm trẻ SDD ở cấp độ những nguyên nhân trực tiếp (hình 2.1) như: khuyến khích trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, chương trình cung cấp vi chất cho trẻ, chương trình viện trợ lương thực. Do vậy, tác động của những can thiệp này từ phía chính phủ chỉ có tính chất ngắn hạn, và không tận gốc.

Đề tài đã chỉ ra được những nguyên nhân gốc rễ hơn ở cấp độ hộ gia đình và cộng đồng có khả năng ảnh hưởng đến chiến lược giảm thiểu trẻ SDD, góp phần đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Trước mắt, giúp hoàn thành kế hoạch từ năm 2011 đến năm 2020 (Bộ

Y Tế, 2011): giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc xuống 26% vào năm 2015 và dưới 23% vào năm 2020 (hiện nay tỷ lệ này đang ở mức 29,3%); giảm tỷ lệ SDD thể nhẹ cân xuống 15% vào năm 2015 và dưới 12% vào năm 2020 (hiện nay tỷ lệ này đang ở mức 17,5%).

Gợi ý chính sách 1: Chính phủ nên đầu tư nhiều hơn nữa vào các công trình cộng đồng bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Căn cứ vào phân tích bên trên, ta thấy hệ thống vệ sinh công cộng, hệ thống nước sinh hoạt, hệ thống hạ tầng thông tin có tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe của trẻ em. Việc cải thiện hạ tầng là nhiệm cụ của nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia. Do vậy, đầu tư đúng mức và kịp thời những yếu tố trên sẽ giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng, giải quyết được vòng luẩn quẩn giữa SDD và nghèo đói (hình 1.1).

Gợi ý chính sách 2: Phổ cập giáo dục, nâng cao ý thức chăm sóc bà mẹ trẻ em.

Kết quả thực nghiệm cho thấy giáo dục của người mẹ có tác động trực tiếp đến việc giảm tỷ lệ SDD trẻ em. Bên cạnh đó, trình độ giáo dục của người mẹ còn có tác động thay thế và bổ sung với các yếu tố trong cộng đồng như hệ thống hạ tầng địa phương (hệ thống vệ sinh, hệ thống thông tin) và ngược lại. Do vậy chính phủ nên đầu tư vào công tác phổ cập giáo dục cho người dân, đặc biệt nên tập trung nhiều hơn nữa đến nữ giới trước độ tuổi sinh đẻ. Trình độ tối thiểu cho người dân ở vùng đồng bằng là phải tốt nghiệp lớp 9. Chính sách này có thể thực hiện được khi chính quyền địa phương phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn nhằm tạo ra nguồn lao động cho chính họ. Hơn nữa, ngân hàng chính sách xã hội địa phương cũng có thể cho vay ưu đãi cho những gia đình khó khăn, giúp con em họ đến trường và sẽ hoàn trả bằng tiền lương lao động khi các em đi làm. Bên cạnh đó, các trung tâm Y tế Tỉnh nên yêu cầu các đơn vị trực thuộc của mình tăng cường công tác phổ cập kiến thức làm mẹ cho các phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Huy động các bệnh viện tư tham gia vào công tác này, vì khi người dân có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản thì chính họ sẽ đem lại nguồn thu nhập cho các bệnh viện. Đây là chính sách hoàn toàn khả thi vì cả hai bên cùng có lợi. Chính phủ nên cấp cho những hộ nghèo mà người mẹ chỉ có trình độ giáo dục ở cấp THCS một chiếc TV để họ cập nhật thông tin dinh dưỡng thay vì phổ cập giáo dục cấp THPT.

Gợi ý chính sách 3: Tập trung nguồn lực vào những vùng kém phát triển.

Nhà nước cũng nên tiếp tục tổ chức đầu tư phát triển cân bằng giữa khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt chú trọng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân ở nông thôn (vệ sinh công cộng, hệ thống nước sinh hoạt, hạ tầng thông tin). Những vùng nông thôn, có nhiều hộ nghèo và trình độ giáo dục của người mẹ còn thấp thì ưu tiên trước tiên là chính phủ nên đầu tư vào hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân. Đối tượng là người nghèo sống trọ trong thành thị phải chịu nhiều áp lực về mưu sinh, về giá cả sinh hoạt, cũng như điều kiện sinh sống, thì chính phủ nên xây những khu tập thể hợp vệ sinh có đầy đủ những điều kiện sống tối thiểu, và cho họ thuê với giá ưu đãi.

Tổ chức phụ nữ địa phương nên thường xuyên tổ chức sinh hoạt, giúp các chị em phụ nữ nắm được những kiến thức về nguyền và nghĩa vụ của người phụ nữ, cũng như về bình đẳng giới để chị em có thể tự tin trong cuộc sống và có thể thay đổi được vị thế của họ trong gia đình và vì thế có thể chăm sóc con cái tốt hơn.

Tổ chức công ăn việc làm giúp người dân cải thiện thu nhập cũng là một cách giúp giảm thiểu tình trạng trẻ SDD và cũng phù hợp với mục tiêu chung là rút ngắn khoảng cách giàu nghèo nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng thu nhập của người dân.

Gợi ý chính sách 4: Tập trung nguồn lực vào các nhóm tuổi có nguy cơ cao về SDD.

Bộ Y tế nên chỉ thị các bệnh viện, trung tâm dinh dưỡng các Tỉnh tập trung giải quyết vấn đề SDD cho các em theo từng nhóm tuổi cụ thể. Nên tập trung nhiều vào các em ở độ tuổi từ 12 đến 47 tháng. Một cách làm thực tế và khả thi là các bệnh viện phụ sản nên khuyến cáo các bà mẹ khi sinh em bé tại bệnh viện của mình khám định kỳ cho các em trong giai đoạn trên. Để thuyết phục được các bà mẹ, bệnh viện phụ sản nên tổ chức một tổ chuyên trách về tuyên truyền, vận động bằng những tư liệu, hình ảnh cụ thể về sự nguy hiểm cũng như những tác hại của vấn đề SDD trẻ em ở giai đoạn quan trọng này. Ngoài ra, chăm sóc tiền sinh sản cũng hết sức quan trọng cho sức khỏe của bé khi sinh. Các bác sỹ phải thường xuyên theo dõi vấn đề tăng cân cũng như tiêm chủng cho các bà mẹ trong thời kỳ mang thai. Vận động gia đình người mang thai vệ sinh khu vực sinh sống, ăn uống hợp vệ sinh. Tiếp tục vận động kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con, nhằm có điều kiện tập trung chăm sóc các em tốt hơn.

Một phần của tài liệu Các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)