GIẢI PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CHI NHÁNH NHNo&PTNT TP QUẢNG NGÃ
5.3.1. Kiến nghị với Nhà nước
Rủi ro ngân hàng là rủi ro có tính chất dây truyền và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, do đó hoạt động Ngân hàng rất được chính phủ quan tâm. Hơn nữa, mọi hoạt động của ngân hàng đều nằm trong khuôn khổ pháp lý chung của pháp luật, nhằm tăng cường hiệu quả của ngành ngân hàng nói chung và hoạt động quản lý RRTD nói riêng thì Chính phủ và các bộ ngành có liên quan cần:
- Hoàn thiện môi trường pháp lý nói chung.
Môi trường pháp lý ổn định và phù hợp là điều kiện quan trọng để cả ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động tốt. Nhất là đối với hoạt động của ngân hàng liên quan đến
nhiều ngành sản xuất kinh doanh với các sản phẩm dịch vụ đa dạng và không ngừng đổi mới, do đó nó chịu sự chi phối của nhiều luật khác nhau. Sự mâu thuẫn, không rõ ràng của Luật các tổ chức tín dụng, luật đất đai, luật đầu tư.. có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng và làm tăng rủi ro cho ngân hàng.
Đồng thời cần hoàn thiện pháp luật về mua bán nợ và xử lý TSĐB tạo điều kiện cho ngân hàng thanh lý nợ xấu. Hiện nay TSĐB là bất động sản (đất đai, nhà cửa…) luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng TSĐB của các ngân hàng nói chung và của ngân hàng No&PTNT nói riêng. Do vậy sự thiếu đồng bộ và không thống nhất trong những quy định của pháp luật về xử lý TSĐB sẽ gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ.
- Xây dựng hệ thống giám sát tài chính và ứng dụng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro.
Hiện nay hệ thống giám sát tài chính Việt Nam được xây dựng theo mô hình phân tán, việc kiểm tra, giám sát các định chế tài chính được phân chia cho các cơ quan khác nhau:
+ Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng.
+ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm thanh tra, quản lý và giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung.
+ Bên cạnh đó, hoạt động của các công ty bảo hiểm được giám sát bởi Bộ Tài chính.
Hơn nữa trong mô hình hiện tại, các cơ quan này vừa thực hiện chức năng cấp phép, ban hành cơ chế chính sách vừa thực hiện chức năng hướng dẫn, triển khai thực hiện và kiêm luôn vai trò kiểm tra, thanh tra và giám sát (theo sự phân cấp trên).
Mô hình này dẫn tới sự thiếu liên thông trong vấn đề thực hiện giám sát cả hệ thống tài chính. Các cơ quan chức năng khó phát hiện ra các mối liên hệ, các giao dịch bất minh giữa ba đối tượng trên. Từ đó có thể gây ra những rủi ro trong hoạt động của ngân hàng nói riêng và của cả hệ thống tài chính nói chung.
- Chính phủ cần tạo điều kiện để phát triển đồng bộ thị trường tài chính, do hoạt động ngân hàng gắn liền với hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… Khi các thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển thì chúng sẽ hỗ trợ, tương tác lẫn nhau giúp ngân hàng phát triển. Song cũng cần có các quy định phù hợp nhằm hạn chế tình trạng bong bóng bất động sản, gây nhiễu thị trường, từ đó tác động xấu đến nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng.
- Cần tăng cường việc thống kê tổng hợp số liệu tài chính của các ngành kinh tế; xây dựng kho dữ liệu công khai về tốc độ tăng trưởng, thị phần các ngành sản xuất và kinh doanh…. Hiện nay thông tin về tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế mới chỉ do Tổng cục thống kê Việt Nam tổng hợp. Song số liệu các ngành cũng chưa được đầy đủ và cập nhật nhanh chóng, gây khó khăn cho cán bộ ngân hàng trong việc đưa ra những nhận xét, đánh giá tổng quát về ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp vay vốn hoạt động.
- Tạo điều kiện kinh doanh ổn định, bình đẳng như có các chính sách hỗ trợ các ngành kém phát triển, đầu tư giao thông tại các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài… Một môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, đồng thời thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động sản xuất – tiêu dùng tăng trưởng, nhu cầu vay vốn tăng, đồng thời doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu RRTD cho ngân hàng.