I- Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ
3. Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn phong phú của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cơ bản sau:
Một là, Mọi hoạt động của Đoàn phải thiết thực, hướng tới mục tiêu tập hợp, giáo dục, chăm lo lợi ích của thanh niên, khơi
dậy và phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, tinh thần xung phong, tình nguyện của thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên tự khẳng định và phát triển.
Hai là, Kiên trì thực hiện chủ trương tập trung cho cơ sở, coi trọng công tác cán bộ và mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết
thanh niên là những điều kiện có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tổ chức Đoàn.
Ba là, Chủ động tham mưu cho Đảng lãnh đạo toàn diện công tác thanh niên; tận dụng mọi cơ hội và phát huy tốt vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn trong phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể tiến hành công tác thanh niên, từng bước xã hội hoá
công tác thanh niên.
Bốn là, Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; coi trọng kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện các chủ
trương công tác của Đoàn; thường xuyên, kịp thời phát hiện, tôn vinh và nhân rộng các sáng kiến, điển hình tiên tiến, nhân tố mới của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
II– Tình hình thanh niên, mục tiêu, phương hướng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2007 – 2012 1- Thanh niên Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu phát triển bền vững
Cùng với sự phát triển của đất nước, của công tác Đoàn và phong trào thanh niên, thái độ và ý thức chính trị của thanh niên
có chuyển biến tích cực; thanh niên quan tâm hơn và có trách nhiệm hơn với những vấn đề của quê hương, đất nước, các vấn đề trong khu vực và quốc tế; tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức; số thanh niên vào Đoàn, số đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên có xu hướng tăng. ý thức lập thân, lập nghiệp của thanh niên cao hơn trước, thanh niên có nhu cầu và khả năng tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và quản lý hiện đại, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, chủ động vươn lên tiếp cận với cái mới. Lòng nhân ái, nhân văn, tính tích cực chính trị - xã hội và tinh thần xung phong, tình nguyện, ý thức chia sẻ, tương thân, tương ái của thanh thiếu nhi ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ hơn. Tâm thế, năng lực hội nhập quốc tế của thanh niên tự tin và chủ động hơn. Vai trò, vị trí của thanh niên trong xã hội tiếp tục được đề cao và nhận
được sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước và các lực lượng xã hội.
Tuy nhiên, cùng với sự chuyển đổi nhanh của cơ cấu kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế, thanh niên đứng trước nhiều khó
khăn, thách thức, đó là: trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật và ý
thức chấp hành pháp luật của thanh niên nhìn chung còn thấp; xu hướng chạy theo bằng cấp, nhận thức lệch lạc về học nghề,
chọn nghề, định hướng nghề nghiệp còn khá phổ biến trong thanh niên. Lao động chưa qua đào tạo, tình trạng thất nghiệp,
thiếu việc làm, hoặc việc làm không ổn định và thu nhập thấp vẫn là vấn đề bức xúc của thanh niên; không ít thanh niên thụ
động, ỷ lại, chưa tích cực vươn lên tự tạo việc làm, còn ngại khó, ngại khổ, ngại về nông thôn, miền núi công tác. Sức khỏe thể chất của thanh niên còn thấp so với khu vực và thế giới; tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý và tình trạng lây nhiễm HIV
trong thanh niên đang diễn ra phức tạp. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thực dụng, thụ động, thờ ơ, ngại tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, vi phạm pháp luật, tin vào những điều mê tín dị đoan.
Bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội cho nước ta đi tắt, đón đầu, trong đó thanh niên là lực lượng có thế mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hơn lúc nào hết, thanh niên rất cần được định hướng, hỗ trợ để vươn lên lập thân, lập nghiệp. Thanh niên trong các trường học mong muốn được học tập, rèn luyện trong một môi trường giáo dục lành mạnh, hiện đại, chất lượng cao; được định hướng nghề nghiệp và tạo việc làm phù hợp sau đào tạo. Thanh niên trong công nghiệp và dịch vụ mong muốn được hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có việc làm và thu nhập phù
hợp với giá trị sức lao động; được hỗ trợ pháp lý, chăm lo nhiều hơn về đời sống tinh thần. Thanh niên trong khu vực hành chính mong muốn được khẳng định về chuyên môn, nghiệp vụ, được ghi nhận công bằng và tạo cơ hội tiến bộ, trưởng thành. Thanh niên khu vực đô thị mong muốn có việc làm và tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, lành mạnh. Thanh niên trong
khu vực nông nghiệp và nông thôn, miền núi, hải đảo, thanh niên dân tộc ít người mong muốn được chăm lo bảo vệ quyền lợi, được học tập, nâng cao trình độ học vấn, được hỗ trợ thông tin, kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, được đào tạo nghề và hỗ trợ tham gia lao động trong các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động. Thanh niên trong lực lượng vũ trang mong muốn được hỗ trợ nâng cao trình độ nghiệp vụ, học sỹ quan để phục vụ lâu dài trong quân đội, được học nghề và có việc làm sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Thanh niên các vùng tôn giáo mong muốn được giao lưu, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, được quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng hợp pháp, sống tốt đời, đẹp đạo. Thanh niên đang học tập, công tác, định cư ở nước ngoài mong muốn được cung cấp thông tin về đất nước, hỗ trợ pháp lý trong học tập, công tác và sinh sống, tham gia hoạt động hướng về Tổ quốc. Nữ thanh niên mong muốn được gia đình, xã hội quan tâm, tạo điều kiện học tập, làm việc, cống hiến bình đẳng.
Trong những năm tới, sự chuyển dịch cơ cấu xã hội của thanh niên sẽ diễn ra mạnh mẽ theo sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế; tiếp tục có sự phân hoá về học vấn, thu nhập, điều kiện hưởng thụ văn hoá và mức sống trong thanh niên; nhu cầu mọi mặt của thanh niên tiếp tục phát triển đa dạng; tư tưởng, nhận thức chính trị của thanh niên chịu sự tác động nhiều chiều của các nhân tố có cả mặt tích cực và tiêu cực đan xen nhau, trong đó tích cực là cơ bản, quyết định chiều hướng phát triển của tình hình thanh niên.