Hà Đông sư tử

Một phần của tài liệu Tài liệu Điển hay tích lạ ppt (Trang 31 - 35)

Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia. Vợ của Trần họ Liễu vốn có tính ghen dữ ghê gớm. Quý Thường rất sợ vợ nhưng rất có lòng tôn sùng đạo Phật. Hằng ngày ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om sòm, nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám cự một tiếng.

Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều, nên ở nhà thường có yến tiệc. Để tăng phần hứng thú, long trọng của buổi tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu Thị trong phòng mượn điều này, điều nọ, quát tháo om sòm. Trần có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay bỏ rơi mất gậy. Bạn thân của Trần là Tô Đông Pha, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt:

Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền, Đàm không thuyết pháp dạ bất miên. Hốt văn Hà Đông sư tử hống,

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.

Tạm dịch:

Ai hiền bằng thầy đồ Long Khâu, Đọc kinh thuyết pháp suốt đêm thâu, Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,

Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu.

"Hà Đông sư tử" chỉ người đàn bà ghen dữ tợn.

Tô Đông Pha dùng hai tiếng "Hà Đông" là mượn câu thơ của Đỗ Phủ: "Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu" (cô gái Hà Đông người họ Liễu) vì vợ của Quý Thường cũng họ Liễu. Và tiếng "Sư tử" do lời trong kinh Phật: sư tử là chúa loài thú, mỗi khi rống lên thì các thú vật đều khiếp đảm để vừa chỉ tính ghen dữ của Liễu Thị, vừa chỉ Quý Thường là một tín đồ đạo Phật.

Tú Xương trong bài thơ vịnh cảnh lấy lẽ, có câu: Hậu hạ đã cam phiền cát lũy,

Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông.

Lá thắm đưa duyên

Triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước được tuyển vào cung để làm cung nữ. Họ là những giai nhân bạc mạng, đi chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn tủi, sầu đau trong chốn thâm cung.

Nhà vua có cả tam cung, lục viện, hàng ngàn cung nữ phi tần toàn bực diễm kiều, tài sắc cả. Mỗi đêm ngủ ở cung nào, nhà vua phải nhờ xe dê đưa đến. Xe dừng trước cung nào thì nhà vua vào cung ấy. Có những nàng hằng năm không được đoái hoài, đành chịu cảnh cô phòng giá lạnh.

Đời Đường (618-907), đời vua Hy Tông có nàng cung nữ tuyệt sắc tên Hàn Thúy Tần sống cảnh lẻ loi buồn bực trong thâm cung, nên thường nhặt những chiếc lá đỏ (hồng diệp) rồi đề thơ lên trên lá, thả xuống ngòi nước:

Nước chảy sao mà vội? Cung sâu suốt buổi nhàn. Ân cần nhờ lá thắm Trôi tuốt đến nhân gian.

Nguyên văn:

Lưu thủy hà thái cấp Cung trung tận nhật nhàn. Ân cần tạ hồng diệp. Hảo khứ đáo nhân gian.

Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể Tướng Hàn Vinh tên Vưu Hựu vốn kẻ phong lưu tài tử, thơ hay, chữ tốt, chỉ hiềm một nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể Tướng họ Hàn. Đương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Hàn bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ mới vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng bẻ một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung.

Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương, Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường. Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước,

Gởi cho ai đó nói không tường. (Bản dịch của Phan Như Xuyên)

Người cung nữ họ Hàn thường ngồi nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá trở vào của người không quen biết, mới đem cất vào rương son phấn.

Ba năm sau, nhà vua sa thải một số cung nữ, trong đó có Thúy Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể Tướng họ Hàn để chờ thuyền trở về quê cũ, bỗng gặp Vưu Hựu. Hai người trò chuyện, ý hợp tâm đầu. Tể Tướng họ Hàn thấy cả hai đều xứng đôi vừa lứa nên làm mối thành duyên giai ngẫu.

Đêm tân hôn, Hựu chợt mở rương của vợ thấy chiếc lá của mình ngày xưa. Lấy làm lạ lùng, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được cho vợ xem. Thì ra cả hai lại giữ hai chiếc lá của nhau. Cho là thật duyên trời định.

Cổ thi có bài: (*)

Một đôi thi cú theo dòng nước Mười mấy năm qua nhớ dẫy đầy. Mừng bấy ngày nay loan sánh phụng Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai.

Nhất liên giai cú tùy lưu thủy, Thập tải ưu tư mãn tố hoài.

Kim nhật khước thành loan phượng lữ, Phương tri hồng diệp thị lương môi.

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, có câu:

Thâm nghiêm kín cổng cao tường,

Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.

hay:

Dù khi lá thắm chỉ hồng,

và:

Nàng rằng hồng diệp xích thằng, Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

"Lá thắm", "Hồng diệp" đều do điển tích trên.

Lam Kiều

Lam Kiều là một cái cầu bắc trên sông Lam, thuộc tỉnh Thiểm Tây bên Tàu, tương truyền là nơi tiên ở. Đời nhà Đường, triều Mục Tông (821-825), có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, lều chõng đi thi bao lần đều hỏng. Một hôm, Bùi thuê đò đi Tương Hán định sang ghé Ngọc Kinh để xem phong cảnh. Cùng đáp một chuyến đò có một mỹ nhân tên Vân Kiều, sắc nước hương trời, con người đoan trang, thùy mị. Bùi sinh cảm mến, mong được giao duyên, mới mượn thơ thay lời, nhờ con nữ tỳ của giai nhân đưa hộ:

Kẻ Hồ, người Việt còn thương nhớ, Huống cách người tiên chỉ bức mành. Ví được Ngọc Kinh cùng nối gót, Xin theo loan hạc đến mây xanh. (Bản dịch của Phan Như Xuyên)

Nguyên văn:

Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng, Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình. Thắng nhược Ngọc Kinh triều hội khứ, Nguyện tùy loan hạc nhập thành vân.

Vân Kiều xem thơ, vui vẻ mỉm cười.

Nhưng thơ đi mà tin chẳng lại, Bùi rất lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi đò sắp ghé bến, Bùi bỗng tiếp được thơ do con nữ tỳ của giai nhân đưa đến:

Uống rượu Quỳnh Tương trăm cảnh sinh, Huyền Sương giã thuốc thấy Vân Anh. Lam Kiều vốn thật nơi tiên ở,

Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc Kinh.

Nguyên văn:

Nhất ẩm Quỳnh Tương bách cảnh sinh, Huyền Sương đảo tận kiến Vân Anh. Lam Kiều tự hữu thần tiên quật, Hà tất khí khu thượng Ngọc Kinh.

Bùi không hiểu ý nghĩa ra sao, định hỏi; nhưng thuyền vừa ghé bến thì Vân Kiều đã thoáng mất. Nghiền ngẫm hai câu thơ cuối, Bùi không đến Ngọc Kinh, mà hỏi dò người, tìm đến Lam Kiều.

Trời trưa nắng gắt, Bùi mệt mỏi, mồ hôi nhuễ nhoại. Ghé vào hàng nước, nghỉ chân, hỏi nước uống. Bà lão chủ quán bảo người con gái đem nước ra. Nàng rất đẹp, trông dáng vẻ tựa Vân Kiều. Bùi hỏi, thì ra nàng là em của Vân Kiều, tên Vân Anh.

Bùi Hàng mừng rỡ, cho là gặp duyên trời định, mới thuật lại cả hai bài thơ. Bà lão cười, bảo: - Hẳn là con Vân Kiều muốn xe duyên em nó cho cậu đó.

Bùi nghe nói lấy làm hớn hở. Nhưng bà lão cho biết là hiện bà có cái cối, song thiếu chiếc chày ngọc để giã thuốc Huyền Sương, nếu Bùi tìm được chày thì bà sẽ gả Vân Anh cho.

Bùi Hàng bằng lòng. Nhưng đi tìm mãi khắp nơi mà không biết ở đâu có chày ngọc. Lòng buồn tha thiết. Tưởng hoàn toàn thất vọng, chàng đi lang thang. May mắn, một hôm, chàng gặp được tiên cho chiếc chày ngọc. Thế là duyên thành.

Sau cả hai vợ chồng Bùi Hàng đều tu thành tiên cả.

Những tác phẩm cổ văn của ta có nhiều đoạn dùng điển tích này:

Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều,

Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang. (Đoạn trường tân thanh)

Chầy sương chưa nên cầu Lam, Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng? (Đoạn trường tân thanh)

Chốn Lam Kiều cách nước mây, Bùi Hàng chưa dễ biết đây chốn nào?

"Lam Kiều" chỉ chỗ tiên ở hay người đẹp ở, hoặc chỉ gặp duyên tốt đẹp... như gặp duyên với tiên.

Đào yêu

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn thuật cảnh Thúy Kiều sang thư phòng người yêu là Kim Trọng, khi chàng này sắp sửa không còn giữ vẻ đứng đắn, Kiều mới khuyên ý trung nhân, có câu: Rẽ cho thưa hết một lời đã nao!

Vẻ chi một đóa yêu đào!

Vườn hồng khi dám ngăn rào chim xanh. Đã cho vào bực bố kinh,

Đạo tùng phu lấy chữ trinh làm đầu." Thưa rằng: "Đừng lấy làm chơi,

"Yêu đào" nguyên lấy chữ "Đào yêu" trong kinh Thi. Thơ "Đào yêu" gồm ba chương:

I

Đào chi yêu yêu, Thước thước kỳ hoa. Chi tử vu qui, Nghi kỳ thất gia. II

Đào chi yêu yêu, Hữu phần kỳ thật. Chi tử vu qui. Nghi kỳ gia thất. III

Đào chi yêu yêu, Kỳ điệp trăn trăn. Chi tử vu qui. Nghi kỳ gia nhân. Tạm dịch:

I

Mơn mởn đào non, Rực rỡ nở hoa. Cô ấy lấy chồng, Êm ấm cửa nhà. II

Mơn mởn đào non, Lúc lỉu quả sai. Cô ấy lấy chồng, Êm ấm nhà ai. III

Mơn mởn đào non, Lá xanh rườm rà. Cô ấy lấy chồng, Thuận với người nhà. (Bản dịch của Lê Văn Hòe)

"Yêu đào" tức là cây đào non mơn mởn. Người ta ví một người con gái dậy thì đến tuổi lấy chồng với "Yêu đào".

Trong "Đoạn trường tân thanh", đoạn Kim Trọng và Thúy Kiều tái hợp, Thúy Vân khuyên chị kết duyên lại cùng Kim Trọng, cũng có câu: "Đào non, sớm liệu, xe tơ kịp thì"

Một phần của tài liệu Tài liệu Điển hay tích lạ ppt (Trang 31 - 35)