Động Đào Nguyên

Một phần của tài liệu Tài liệu Điển hay tích lạ ppt (Trang 35 - 38)

Đào Nguyên còn gọi là động Bích. Đây là chỗ tiên ở.

Tương truyền đời nhà Tấn (265-419), có người chài cá ở huyện Vũ Lăng, một hôm chèo thuyền đi ngược ven theo bờ suối. Càng đi xa chừng nào thì thấy có nhiều hoa đào trôi theo dòng nước đổ xuống. Đến một quãng, bỗng thấy trước mặt hiện ra một rừng đào. Hoa đào đỏ rực rỡ làm cho ngư phủ càng thấy say sưa thích thú. Định co người ở gần đấy nên bỏ thuyền, lên bờ. Vượt qua rừng đào, đến một ngọn núi. Dưới chân núi có một cửa hang nhỏ hẹp, vừa chui được một người. Bên trong thấp thoáng có ánh sáng. Gợi tính tò mò, chàng lách mình vào cửa hang. Lúc đầu, cửa hang còn hẹp, sau rộng dần, rồi cả một thế giới hiện ra: ruộng vườn tươi tốt, nhà cửa thôn ấp liên tiếp nhau; tiếng gà, tiếng chó nghe rõ mồn một; thanh niên thiếu nữ đều say sưa công việc đồng áng. Trên mặt mọi người hiện nét vui tươi chất phác hồn nhiên. Người già, con trẻ đều có vẻ ung dung thanh thản.

Những người ở đây thấy chàng ngư phủ thì lấy làm kinh ngạc hỏi: làm sao đến được chốn này? Ngư phủ trình bày sự thực. Các bực phụ lão đem vợ con ra chào mừng khách lạ, dọn cơm rượu đãi khách. Ngư phủ ăn uống lấy làm ngon lạ, vì tuy cơm rượu mà tính chất khác thường.

Những bực phụ lão lại nói:

- Tổ tiên chúng tôi tránh loạn đời Tần, đem cả gia đình vào ở đây, từ đó cách biệt với bên ngoài. Hiện nay, chúng tôi không còn biết nhà Hán, huống hồ là nhà Ngụy, và nhà Tấn.

Cuối cùng, họ lại dặn ngư phủ: sau khi ra khỏi chốn này, xin đừng cho ai biết có họ ở đây. Người đánh cá ở chơi một hôm rồi xin cáo biệt.

Từ đời nhà Tần (221 trước D.L.) đến nhà Tấn (419 sau Dương lịch) mà họ đến đây tránh nạn kể ra có trên sáu trăm năm. Người đánh cá cho mình may mắn đã được gặp tiên. Nên khi trở về, nhiều người đến thăm hỏi, trước còn tìm cách giấu nhưng cuối cùng chuyện thấu đến quan Thái Thú sở tại, ngư phủ đành phải thuật cả việc lại.

Có tính hiếu kỳ, viên Thái Thú sai người đi theo chàng ngư phủ tìm lại động Đào Nguyên, nhưng hai người bị lạc đường đành phải trở về.

Trong truyện "Hoa tiên" của Nguyễn Huy Tự có câu: "Nào hay là khách Đào Nguyên đã về".

Trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du đoạn thuật lại lời Thúy Kiều nói với Kim Trọng trong khi nhà vắng, nàng lén sang chỗ ở của chàng, có câu: "Xắn tay mở khóa động Đào".

"Động Đào" là động Đào Nguyên, Kiều dùng lối thậm xưng, đề cao chỗ ở của tình nhân như một cõi tiên; và nàng cũng vinh hạnh được vào... cõi tiên ấy.

Trong "Tần cung nữ oán Bái Công văn" của Nguyễn Hữu Chỉnh (?) có câu: "Nếu tuổi xanh chẳng nhuốm bụi hồng, chiếc ngư phủ đã đưa vào động Bích".

"Động Đào", "Đào Nguyên", "động Bích" đều do điển tích trên.

Mười bài thơ đoạn trường

Thúy Kiều, con của viên ngoại họ Vương, người ở Bắc Kinh. Nàng yêu kiều diễm lệ, có một thái độ phong lưu, tính thích hào hoa, thích âm luật, sở trường về hồ cầm. Vốn đa cảm, giàu tình, nàng sáng tác bài "Bạc mệnh oán" để hát theo khúc hồ cầm, khi gảy lên nghe rất não nùng, ai cũng sa nước mắt.

Một hôm, nhân tiết Thanh Minh, Thúy Kiều cùng hai em đi tảo mộ và nhân tiện xem hội Đạp Thanh. Lúc trở vê, Kiều nhìn bên dòng nước có một nấm mồ hoang cô lạnh, hỏi ra mới biết đó là mồ của nàng ca nhi

tên Lưu Đạm Tiên. Trước sống mua vui cho khách làng chơi, chết làm ma không chồng trong nấm mồ vô chủ.

Kiều cảm động, rơi nước mắt, khóc cho kiếp hồng nhan.

Về nhà, đêm khuya vắng vẻ, nàng cảm thấy một nỗi buồn man mác xâm chiếm cõi lòng. Nghĩ phận người lại nghĩ phận mình, hay kiếp hồng nhan rồi phải chung mạng bạc!

Nàng tựa ghế thiu thiu, rồi ngủ say lúc nào không biết. Giữa lúc ấy, thấy một thiếu nữ tiến đến chào và hỏi rằng:

- Này chị Thúy Kiều, đương lúc ngày xuân phơi phới sao không hỏi liễu tìm hoa, mà lại chịu ngủ ở nhà như vậy?

Kiều nghe nói, vội vàng đứng dậy, sửa áo đón mời, nhìn thấy thiếu nữ má đào, môi hạnh, dáng điệu như tiên. Sau khi hai bên cùng ngồi, Kiều vội hỏi:

- Chẳng hay nương tử ở tại cung nào mà xe loan thình lình hạ cố đến đây? Thiếu nữ tươi cười đáp:

- Thiếp đây nào phải ai đâu xa lạ, nhà thiếp ở phía tây cầu bên dòng nước chảy. Chiều nay chị đã vãng qua, sao mà mau quên như thế? Hôm nay, thiếp ở trong "Hội đoạn trường", trước mặt Giáo Chủ, thiếp có khen đến tài hoa của chị. Giáo Chủ rất vui mừng và cho biết rằng chị cũng có chân trong hội ấy. Rồi người trao cho thiếp mười cái đầu đề đoạn trường, bảo đem lại cho chị vịnh. Vậy yêu cầu chị thảo ngay để cho thiếp xếp vào tập "Đoạn trường sách".

Kiều hỏi:

- Em xin lãnh ý, nhưng xin chị cho biết Đoạn Trường Giáo Chủ là ai? Có thể đưa em đến yết kiến được không?

Thiếu nữ mỉm cười đáp:

- Lúc này chị không cần hỏi kỹ, một ngày khác, chị sẽ hiểu rõ đấy mà.

Đoạn, nàng trao tập đầu đề. Kiều tiếp lấy, mở ra xem. Đây là mười đầu đề: Tích đa tài, Liên bạc mạng, Bi kỳ lộ, Ức cố nhân, Niệm nô kiều, Ai thanh xuân, Ta kiển lộ, Khổ linh lạc, Mộng cố viên, Khốc tương tư. Kiều xem xong, vui vẻ nói:

- Đầu đề rất hay, vậy em xin thảo ngay. May bài của em chiếm khôi nguyên trong tập, thì khỏi phải phụ công chị giới thiệu.

Vừa nói vừa viết thao thao bất tuyệt. Chỉ trong giây lát, đủ cả mười bài từ khúc theo lối hồi văn: I

Tích đa tài

Tờ oanh nỡ bỏ hoài,

Hợp hoan ngày tháng phổ cho ai? Tương tư mình gác để ngày mai. Để ngày mai!

Tiếc cho tài! II

Thương bạc mạng Đêm đêm một mình lạnh, Nhà vàng nghe nói để A Kiều Một mặt nghe chừng khó hân hạnh. Khó hân hạnh!

Thương bạc mạng! III

Thương kỳ lộ

Khúc đường quanh co thật khó đi, Đường khổ chưa bằng tâm em khổ! Một bước sai thời ngàn bước lỡ! Ngàn bước lỡ!

Thương kỳ lộ. IV

Nhớ cố nhân

Tóc bạc nhưng tình vẫn chưa thân! Cần gì trước phải lên tận mây xanh! Cưỡi xe đội nón mới là chân

Nhớ cố nhân! V

Nhớ cô hầu!

Soi gương hồn biến đâu? Ta thấy ai vẫn còn than thở! Son phấn thôi đừng giễu cợt nhau. Giễu cợt nhau.

Nhớ cô hầu! VI

Xót thanh xuân

Cành hoa giống mỹ nhân, Xuân sắc núi rừng, ôi đẹp đẽ!

Muốn mượn mưa xuân tưới hoa thần. Tưới hoa thần!

Xót thanh xuân! VII

Than cảnh ngộ Giấc mơ tỉnh rồi đó,

Đâu phải gặp ai cũng kêu thương. Chỉ vì lầu son lối cũ chưa tỏ. Lối cũ chưa tỏ!

Than cảnh ngộ! VIII

Khổ linh lạc

Thân nầy hết đường bước,

Lìa cành hoa rụng khắp đông tây. Nhạn lạc đàn bay quanh hiên trước. Quanh hiên trước!

Khổ linh lạc! IX

Mơ vườn xưa Hồn về cậy ai đưa?

Cảnh cũ cúc tùng không thấy nữa. Bạch vân phương thảo lặng như tờ. Lặng như tờ!

Mơ vườn xưa! X

Khóc tương tư

Nghẹn ngào đã nhiều khi,

Lòng đau không giữ nổi tiếng khóc. Đất cũ tình thâm luống sầu bi. Luống sầu bi!

Khóc tương tư!

Thúy Kiều viết xong 10 bài, trao lại thiếu nữ. Xem qua, thiếu nữ tấm tắc khen rằng:

- Quả thực mỗi chữ khác gì ôm mối hận. Nếu đem vào tập "Đoạn trường", chắc rằng sẽ đoạt giải nhất. Đoạn thiếu nữ đứng dậy, từ giã. Kiều nói:

- Hôm nay chị đã có lòng chiếu cố, đôi ta ắt có tiền duyên, sao lại nỡ vội vàng như vậy? Vả lại lần này ly biệt, biết bao giờ lại được gặp nhau.

Thiếu nữ nói:

- Nếu chị tình thâm mà thiếp cũng không tình bạc, thì sông Tiền Đường đó, ta sẽ hẹn về sau. Nói xong đi thẳng.

Kiều chạy theo giữ lại thì bỗng có trận gió làm khua động bức mành. Nàng sực tỉnh, mới hay là giấc chiêm bao.

Về sau, Kiều phải 15 năm lưu lạc, thân thế lắm nỗi đoạn trường. Cuối cùng trầm mình dưới sông Tiền Đường, ứng như điềm mộng.

Truyện trên viết theo Thanh Tâm Tài Nhân. Cụ Nguyễn Du dựa theo, viết thành quyển "Đoạn trường tân thanh" bằng thể lục bát. Đoạn này, Nguyễn Du diễn tả:

Này mười bài mới, mới ra,

Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời. Kiều vâng lĩnh ý đề bài,

Tay tiên vẩy đủ mười khúc ngâm.

"Mười khúc ngâm" tức 10 bài "đoạn trường" đó.

Một phần của tài liệu Tài liệu Điển hay tích lạ ppt (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w