2.1.Những nhân tố mới dẫn đến sự giúp đỡ của Nghệ An đối với cách mạng Lào trong thời kì chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975).
2.3.2 Các hoạt động giúp đỡ về quân sự của Nghệ An đối với cách mạng Lào giai đoạn 1969 1973.
đoạn 1969- 1973.
Bước sang năm 1969, Mỹ chấm dứt ném bom phá hoại ở Miền Bắc, Quân khu IV có điều kiện phát triển kinh tế- văn hoá…tiếp tục chi viện cho Miền Nam và bạn. Trong lúc đó, vùng Trung - Hạ Lào và Xiêng Khoảng chiến sự diễn ra ác liệt. Để giúp đỡ bạn bảo vệ vùng giải phóng, đánh bại mọi âm mưu của địch cũng như truy quét phỉ bảo vệ biên giới phía tây, quân khu và Nghệ An đẩy mạnh hoạt động mùa khô 1968 – 1969 ở tuyến đường 7 thuộc huyện Mường Mộc.
Tại đây, sau hoạt động của ta và bạn năm 1968, một bộ phận địch đã bị đánh tan, bạn đã giải phóng được Mường Ngàn ( sát phía nam đường 7B, Đông Bắc huyện Mường Mộc). Nhưng quân phỉ vùng cao nguyên này còn chiếm cứ nhiều đất đai và vùng dân cư rẻo cao mà trung tâm sào huyệt của chúng ở huyện lỵ Mường Mộc với các tuyến phòng thủ ngoại vi áp sát với biên giới các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương của Nghệ An, dọc theo thượng nguồn sông Nậm Mộ. Lực lượng chiếm đóng chủ yếu ở vùng Mường Mộc là các tiểu đoàn phần lớn là lính Mẹo thuộc lực lượng đặc biệt Vàng Pao. Ngoài ra chúng còn mua chuộc, cưỡng ép dân trong vùng bị chiếm lập ra các đại đội địa phương ( AC) và lực lượng phỉ phân tán trong các bản làng ( Maki).Ở trung tâm Mường Mộc, địch xây dựng sân bay, kho tàng, doanh trại và công sự tương đối kiên cố, còn ở các tuyến ngoại vi thì chúng lợi dụng các điểm cao xung yếu, thung lũng đông dân lập thành các cứ điểm nhỏ với công sự dã chiến kết hợp với các bản làng. Chúng khống chế, mua chuộc làm vệ tinh, tai mắt phát hiện quấy rối ngăn chặn từ xa. Do vậy, mỗi khi địch còn chiếm đóng vùng Mường Mộc thì không những nơi đây sẽ trở thành một căn cứ phản động nguy hiểm như Sảm Thông – Long Chẹng ở Bắc Lào mà biên giới phía Tây Nghệ An cũng thường xuyên bị uy hiếp, thế liên hoàn giữa Bắc và Trung Lào, giữa hai tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay bị phá vỡ, bị chia cắt.
Với ý nghĩa đó, đồng thời với việc giúp nhân dân Xiêng Khoảng phát triển kinh tế- xã hội, Tỉnh Uỷ chỉ đạo, Đảng Uỷ- Ban chỉ huy tỉnh đội phối hợp với quân và dân bạn mở đợt hoạt động mùa khô năm 1969, mở đầu cho việc thực hiên ý định chung là tiến công đánh phá toàn bộ sào huyệt của địch, giải phóng huyện Mường Mộc, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của địch đối với khu vực này. Chiến dich này
thực chất là chiến dịch tiểu phỉ, mang tên “ Chiến dịch Mường Ngạt” nhằm phối hợp lực lượng hai tỉnh quét sạch quân phỉ trên khu vực áp sát biên giới ta về phía sông Nậm Mộ ( còn gọi là Khu 10B), làm chủ các vùng rừng núi sát biên giới như Tham Tạt, Mường Ngạt, Phùng Mái, mở ra vùng giải phóng mới đẩy địch ra xa biên giới tỉnh ta, nối thông hai tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlikhămxay.
Cơ quan chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội Nghệ An được thành lập, một tuyến hậu cần chiến dịch được triển khai theo quốc lộ số 7 lên Mường Xén bằng cơ giới để xuyên rừng đến các vị trí xuất phát tiến công ở biên giới, bằng dân công gùi thồ. Lực lượng của bạn lúc này tập trung được 30 cán bộ, chiến sỹ và cán bộ lãnh đạo huyện Mường Mộc. Ban chỉ huy Tỉnh đội Nghệ An đưa vào chiến đấu tiểu đoàn 42 bộ binh, đại đội 18 đặc công của tỉnh và phối thuộc cho ban chỉ huy tiền phương đại đội 211 của Tương Dương làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, huy động 170 dân công phục vụ hoả tuyến. Các huyện uỷ và huyện đội Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, các đồn biên phòng trong khu vực tác chiến được chỉ thị phối hợp chặt chẽ. Là hậu phương trực tiếp của chiến dịch, biên giới phía tây thực sự trở thành tiền tuyến trực tiếp của tỉnh.
Chỉ sau 3 ngày nhận lệnh, đến ngày 10/1/1969 các đơn vị tham gia chiến dịch của ta và bạn đều tập kết đủ tại Mường Xén lần lượt hành quân đến các vị trí tạm dừng sát biên giới ở Kô Mì, Huội Phong, Bản Phong hoàn thành tiếp mọi công tác chuẩn bị tiến công. Trước kẻ địch xảo quyệt, thạo rừng núi, quen đánh lẻ, sử dụng nhiều mìn bẫy, thường trà trộn lẫn lộn vào dân, tránh chiến đấu để bảo toàn lực lượng, dùng không quân chỉ viện hoả lực và tiếp tế là chính nên Ban chỉ huy tiền phương đã tổ chức giáo dục truyền thống, động viên ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần quốc tế cho cán bộ chiến sỹ và dân công.
Trên hướng đông Nậm Mộ ( Khu vực 10B) địch có 1 tiểu đoàn lực lượng đặc biệt đóng chốt ở Tham Nong, Phùng Mái, Tham Tạt, Mường Ngạt, Phu Ba Lang. Khoảng 80 lính địa phương phân tán trong dân các bản, các nương rẫy ở rải rác trong khu vực. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng địa hình rừng núi, đảnh lẻ, cài mìn phối hợp với lực lượng không quân yểm trợ, tiếp tế.
Ngày 16/2/1969, ta nổ súng tiêu diệt hai cứ điểm ở Mường Ngạt và tham tạt nhổ được hai ổ phỉ quan trọng.
Trong lúc chiến dịch đang giành thắng lợi bước đầu, ngày 10 – 15/3/1969 đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai đoàn đại biểu lãnh đạo của hai tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng tại Nghệ An. Hai bên đã nhất trí đánh giá kết quả năm 1968 và thống nhất mọi phương hướng, kế hoạch hợp tác toàn diện kể từ năm 1969 cả kinh tế, xã hội và an ninh quân sự trên tinh thần kết nghĩa anh em được phát triển lên một bước mới. Theo đó, Nghệ An giúp Xiêng Khoảng các mặt nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp, y tế, giáo dục và một số vấn đề khác tạo điều kiện giúp vùng giải phóng Xiêng Khoảng phát triển toàn diện [12; 170].
Về quân sự- an ninh, hai bên hoàn toàn nhất trí với nhau về mọi phương án chiến đấu, xây dựng cơ sở, củng cố hành lang, mở rộng vùng giải phóng, cải thiện biên giới hữu nghị giữa hai tỉnh, tích cực chủ động tạo chuyển biến mới trên hướng Xiêng Khoảng – Bôlikhămxay.
Cuộc gặp gỡ giữa hai đoàn đại biểu hai tỉnh đã mở ra một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai tỉnh. Kết quả đàm phàn đã được thực hiện ngay sau đó. Ban Miền Tây C của tỉnh được tăng cường để giúp uỷ ban hành chính tỉnh triển khai các nhiệm vụ giúp bạn về kinh tế - xã hội. Hàng trăm cán bộ các ngành, giáo viên, y bác sỹ, kỹ thuật viên có kinh nghiệm được điều động, giao nhiệm vụ vượt Trường Sơn giúp nhân dân các bộ tộc Xiêng Khoảng, xuống đến từng bản nhỏ, từng trạm, trại, từng cánh đồng nương rẫy. Cùng với đội ngũ chuyên gia là các đoàn xe cơ giới, thô sơ, thuyền mảng, gùi thồ chuyển sang Xiêng Khoảng các trang thiết bị, vật tư, hàng hoá, nhu yếu phẩm, lương thực, muối ăn, dầu thắp,…Tuy từ lâu giữa Nghệ An và Xiêng Khoảng đã có mối quan hệ hữu nghị anh em truyền thống nhưng kể từ năm 1969 trở đi mối quan hệ đó ngày càng phát triển về chất lượng, toàn diện hơn, đặc biệt sự giúp đỡ của Nghệ An về mặt quân sự đối với Xiêng Khoảng càng được đẩy mạnh. Trên đà thắng lợi chiến dịch Mường Ngạt và nội dung cam kết của đoàn đại biểu Xiêng Khoảng và Nghệ An (10 – 15/3/1969), lực lượng vũ trang của Nghệ An vẫn đẩy mạnh tác chiến ở Mường Ngạt, bẻ gãy các đợt phản công của địch bằng cả lực
lượng đặc biệt và không quân. Khi mùa mưa đến, chúng phải co về giữ khu vực Tây sông Nậm Mộ.
Đợt hoạt động mùa khô 1968 – 1969, quân và dân Nghệ An phối hợp với quân dân Xiêng Khoảng mở từ tháng 2 đến hết tháng 5 năm 1969 đã giành thắng lợi nhất định: 43 tên phỉ bị diệt, 22 tên khác bị thương, bắt 9 tên, thu phục 32 tên khác. Ta và bạn thu được 65 súng các loại, hơn 900 lựu đạn và mìn, giải phóng 500 dân khỏi ách kìm kẹp của địch. Trong đợt này, về yêu cầu tiêu diệt sinh lực địch thì còn thấp vì chưa bảo đảm được bí mật, bất ngờ, chưa đủ đảm bảo hậu cần để liên tục chiến đấu dài ngày trong rừng sâu núi thẳm, chưa có nhiều kinh nghiệm về cách đánh…Nhưng quan trọng nhất là ta và bạn đã phấn đấu xoá bỏ được một bộ phận sào huyệt phỉ ở đông Nậm Mộ.
Nhằm phát huy thắng lợi với quyết tâm tích cực, chủ động tiến công ta và bạn thống nhất mở tiếp các hoạt động quân sự vào mùa mưa năm 1960 “ không cho địch ngóc đầu dậy, đập tan ý định lấn chiếm lại của chúng, tích cực chuẩn bị chiến trường về mọi mặt cho mùa khô 1969 – 1970 [ 12;182].
Khu vực phía Tây sông Nậm Mộ cũng là vùng rừng núi bên tả ngạn sông, dân cư thưa thớt chủ yếu là người H’Mông, có một số bản người Lào Bùm ở ven sông. Nhưng ở đây có vùng Nậm Xoóng, Nậm Kiểu vốn là nơi tập trung đông dân hơn cả, lại là cửa ngõ đi sâu vào trung tâm huyện Mường Mộc, hang ổ đầu não của địch. Tại đây, qua nhiều năm chiếm đóng địch đã xây dựng được lực lượng phỉ khá mạnh, lập sân bay Nậm Kiểu, đặt một số kho tàng. Lực lượng chiếm đóng gồm có lính đặc biệt ( 1 tiểu đoàn BS), lính địa phương ( khoảng 3 đại đội AC) và lính bản ( khoảng 60 tên Maki). Dân bị xuyên tạc, mua chuộc theo địch, số cảm tình với cách mạng bị kìm kẹp nặng nề.
Chấp hành chỉ thị của trên, bạn và ta giao nhiệm vụ cho các lực lượng hiện có ở khu 10B “ vừa truy quét làm trong sạch địa bàn khu đông Nậm Mộ, vừa lợi dụng bất ngờ trong mùa mưa đánh phá cụm phỉ ở Nậm Kiểu, Nậm Xoóng là tiêủ đoàn 42(thuộc đại đội 1)(D42/C1), đại đội 211(C211) ( Tương Dương) và 15 chiến sỹ cán bộ của bạn, mang theo đủ súng đạn chiến đấu trong 10 ngày và lương khô, tự giải quyết
mọi công tác bảo đảm chiến đấu. C1/D42 và đại đội 18(C18) đặc công làm lực lượng chủ yếu bảo vệ khu 10B và tuyến hậu cần tiền phương.
Trên cơ sở lực lượng hiện có đồng chí tiểu đoàn trưởng D2 lệnh cho C2/D42 được tăng cường C211(Tương Dương) làm lực lượng chủ yếu tiến công địch ở Nậm Kiểu, đại đội 3/ tiểu đoàn 42 đánh địch ở Nậm Xoóng, lực lượng của bạn được chia đều cho hai hướng, lấy ngày 8/6/1969 làm thời điểm nổ súng vào lúc 4h sáng.
Kết quả sau trận đánh ngày và đêm 8/6/1969, địch ở Nậm Kiểu và Nậm Xoóng bị tiêu hao, mất trận địa, tản ra rừng, không quân không chi viện được vì thời tiết xấu. Ta và bạn giữ điểm, lùng sục, truy quét làm binh vận và vận động quần chúng tuyên truyền ảnh hưởng cách mạng.
Tuy nhiên, khi lực lượng địch phục hồi trở lại, được không quân chi viện đã tổ chức phản công nhiều đợt liên tiếp từ 13 – 15/6 nhằm chiếm lại các cứ điểm đã mất. Các đơn vị D42 và C211 dũng cảm đánh trả phản kích của địch suốt 4 ngày đêm. Nhận thấy đợt hoạt động đã thành công các đơn vị được lệnh rời khỏi vị trí trở về căn cứ ở đông sông Nậm Mộ an toàn sau khi đã phá huỷ các kho tàng, công sự, lán trại, sân bay và những trang bị nặng không mang theo được.
Trong khi đó ở phía đông sông Nậm Mộ, nhiệm vụ làm trong sạch địa bàn đã được lực lượng vũ trang của ta thực hiện có hiệu quả. Ngày 9 tháng 6, một bộ phận của C1/ D42 phát hiện một toán địch đang di chuyển ở đông nam Mường Ngạt liền bố trí phục kích, đón đánh. Kết quả ta tiêu diệt được 7 tên, bắt sống 3 tên, thu toàn bộ vũ khí. Qua khai thác, chúng ta biết được đây là lực lượng thám báo số 102 được chỉ huy của chúng ở Mường Mộc phái đi trinh sát ở vùng giải phóng của ta. Ngày 11 tháng 6, một tổ đặc công C18 đi tuần tiễu gặp địch, ta tiến đánh buộc địch tháo chạy, thu được 3 súng.
Như vậy, đợt hoạt động mùa mưa 1969 đã hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra. Tuy không giành dân, không mở rộng vùng giải phóng mới nhưng đã diệt được một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, loại khỏi vùng chiến đấu 100 tên phỉ chủ yếu là lính đặc biệt Vàng Pao, thu nhiều đạn dược và quân dụng khác. Thành công nhất là ta đã bẻ gãy âm mưu lấn chiếm của địch sang khu 10B mới giải phóng, đánh trước
uy hiếp vùng Nậm Xoóng- Nậm Kiểu, phát động được quần chúng. Bạn rất phấn khởi, tin tưởng khi thấy hoạt động có kết quả mà lực lượng ta và bạn đều bảo đảm an toàn trong điều kiện mùa mưa, đánh sâu vào lòng địch.
Cuối tháng 6/1969, Ban chỉ huy tỉnh đội quyết định cho lực lượng D42 và C18 về hậu phương củng cố, giao nhiệm vụ cho C7/D43 và C211 cùng lực lượng bạn bảo vệ vùng mới giải phóng chuẩn bị cho mùa khô tới.
Khi mùa khô trở lại trên chiến trường miền Tây, Nghệ An và Xiêng Khoảng đang khẩn trương chuẩn bị tiến công vào sào huyệt địch ở vùng tạm chiếm huyện Mường Mộc. Nhưng địch lại lao vào cuộc phiêu lưu quân sự mới. Đế quốc Mỹ lôi kéo quân đội Thái Lan tham gia cùng quân nguỵ Lào và lực lượng đặc biệt Vàng Pao tập trung 19 tiểu đoàn gồm 12000 quân Lào và 5000 lính Thái, được 5 đại đội máy bay Mỹ yểm trợ, 100 trực thăng cơ động và tiếp tế, dưới quyền của CIA, thông qua bộ chỉ huy hỗn hợp Mỹ - Thái – Vàng Pao mở cuộc hành quân lớn mang tên Cù Kiệt, mục đích tiến công lấn chiếm vùng căn cứ địa của bạn ở Cánh đồng Chum- Xiêng khoảng, chúng mở cuộc hành quân từ 20/8/1969 khi mùa mưa chưa kết thúc. Quân và dân Xiêng khoảng đứng trước thử thách quyết liệt.
Nghệ An lại dang rộng vòng tay giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn, cam go. Nhận thấy tương quan lực lượng không cho phép đối diện trực tiếp với kẻ thù, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã chỉ thị cho lực lượng kháng chiến Lào cùng với nhân dân tỉnh Xiêng Khoảng lui quân về các huyện Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn ( Nghệ An) để bảo toàn lực lượng và chờ thời cơ phản công trở lại. Như vậy, vấn đề tạm thời sơ tán nhân dân, một bộ phận cơ quan kho tàng của bạn trở thành cấp bách. Ngày 20/9/1969, Thường vụ tỉnh uỷ Nghệ An ra chỉ thị số 105/ TU gửi 3 huyện trên “ Coi đây là nhiệm vụ của tỉnh ta phải hết sức giúp đỡ bạn tạo điều kiện thuận lợi cho bạn tiếp tục đưa cách mạng tiến lên”. [ Chỉ thị của thường vụ; 102]. Tỉnh Nghệ An giúp hơn 1 vạn dân Xiêng Khoảng sơ tản về miền tây Nghệ An. Cuộc sơ tán rất lớn, khẩn trương nhưng được quân dân Nghệ An triển khai chu đáo, chia sẽ với bạn từng gian nhà sàn, từng típ xôi, từng viên thuốc, đùm bọc nhau trong khó khăn vì thắng lợi của cả hai dân tộc. Ngoài việc giúp nhân dân bạn tản cư, Nghệ An
còn gửi một số đơn vị sang phối hợp chiến đấu và dân công sang phục vụ chiến trường.
Để hỗ trợ cho chiến dịch Cù Kiệt địch tổ chức hoạt động quân sự ở nhiều nơi, ở Trung Lào chúng đánh ra Mường Pìn.
Đầu tháng 9/1969, địch lấn chiếm sâu vào căn cứ của bạn, một cánh quân địch gồm 6 tiểu đoàn đặc biệt và 6 đại đội địa phương quân, 1 đại đội lính bản dùng trực thăng đổ quân chiếm đường 7B vừa bảo vệ sườn Nam của cánh quân khác, vừa đánh phá hành lang quan trọng này. Chúng chiếm điểm cao Sa Nọi, và Bonoksua, Phu Nam Pon, Phu Nam Khao Hu, Phu Khao Đai San dọc đường 7B đã bị địch đổ quân chiếm giữ. Trong đó Sa Nọi và Bonoksua là hiểm yếu nhất khống chế một vùng rộng lớn