Chương 3: GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM
3.2.10 Hồ tiêu: Về phía nhà nước
Về phía nhà nước
- Chính phủ tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển ngành hạt tiêu: cần đề ra luật để đám bảo cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, tạo sự tin tưởng cho khách hàng khi sử dụng hạt tiêu Việt Nam.
- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sở khoa học công nghệ và môi trường tỉnh, thành phố cần phối hợp với Cục xúc tiến Thương mại hỗ trợ doanh nghiệp một phần kinh phí thực hiện tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) - tiêu chuẩn đặt ra các nguyên tắc của hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn đã được Uỷ ban tiêu chuẩn hoá thực phẩm chấp nhận.
- Kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác vào khâu tạo giống, kỹ thuật trồng và chế biến hạt tiêu đạt chuẩn quốc tế để gia tăng xuất khẩu hạt tiêu giá trị gia tăng, chất lượng cao.
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước và xây dựng hệ thống tổ chức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương.
- Củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm các bộ phận quản lý, kiểm nghiệm và thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương và các Bộ, ngành liên quan.
- Đẩy mạnh công tác thông tin và giáo dục – truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cộng đồng.
- Lập bản đồ quy hoạch phát triển vùng trồng tiêu để ngành có thể phát triển bền vững, tránh tình trạng khi giá tăng thì nông dân ồ ạt đổ xô vào trồng tiêu còn khi rớt giá, nông dân lại chặt phá dẫn tới nguồn hàng xuất khẩu không ổn định. Do đó nhà nước cũng cần có những biện pháp để điều tiết thời điểm bán hàng nhằm duy trì, ổn định giá hạt tiêu góp phần ổn định quan hệ cung - cầu trên thị trường, đồng thời, tăng cường việc cung cấp thông tin về giá cả, thị trường để các doanh nghiệp và người trồng hạt tiêu nắm được diễn biến thị trường.
Về phía Hiệp hội
- Đẩy mạnh công tác thị trường, xúc tiến thương mại: Thực hiện các cam kết với lãnh đạo các nước ASEAN, các nước Châu Á Thái Bình dương –APEC và tổ chức thương mại quốc tế- WTO về sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kinh doanh xuất nhập khẩu, phối hợp các địa phương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quản lý chất lượng hàng hóa, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hóa.
- Phối hợp với các địa phương để tăng cường, nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, gắn tiến bộ khoa học công nghệ với sản xuất, chế biến và bảo quản hàng hóa.
- Tổ chức hội thảo, tổng kết những mô hình đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhân rộng điển hình.
- Quan hệ thường xuyên tạo mối gắn kết giữa các Bộ ngành chức năng giữa chính quyền, các đơn vị chuyên môn các cấp ở các tỉnh, thành. Có hình thức liên kết với ngành tài chính, các ngân hàng để tạo đủ vốn cho người sản xuất, nhất là ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đủ vốn cho các doanh nghiệp để thu mua, chế biến, tạo đủ chân hàng để chủ động ký kết hợp đồng xuất khẩu, nhằm phát triển sản xuất kinh doanh ngành hàng ngày càng có hiệu quả tốt hơn.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình công tác của ngành, đề xuất những chủ trương, giải pháp, dự án mới, trình chính phủ, Bộ ngành chức năng, để chỉ đạo, hỗ trợ ngành hàng phát triển ổn định, bền vững có hiệu quả trong bối cảnh nước ta đã hòa nhập vào tổ chức thương mại quốc tế.
Về phía doanh nghiệp
- Các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hàng đầu đến xây dựng các tiêu chuẩn quản trị chất lượng tại doanh nghiệp mình như ISO 9000, HACCP, GMP, ISO 14000… vì đây là những giấy thông hành để các doanh nghiệp bước chân vào các thị trường nước ngoài một cách dễ dàng.
- Tập trung đổi mới hệ thống thiết bị máy móc, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất từ vốn tích lũy của doanh nghiệp, vay từ quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, từ nguồn tín dụng ưu đãi của nhà nước hay kêu gọi liên doanh liên kết. Tuy nhiên cần lưu ý tránh nhập khẩu thiết bị công nghệ quá cũ, lạc hậu mà nên nhập khấu các thiết bị hiện đại, tiên tiến.
- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Cơ cấu lao động của doanh nghiệp hợp lý, trình độ cao sẽ tác động mạnh đến chất lượng sản phẩm.
- Tăng cường gia công, hợp tác đầu tư hoặc nhập khẩu công nghệ chế biến tiêu giá trị gia tăng nhằm nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ thuật cũng như công nghệ chế biến.
- Đầu tư và giám sát trực tiếp hệ thống trồng và chăm sóc tiêu nhằm kiểm soát được nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao.
- Khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết giữa người trồng tiêu và các nhà chế biến để duy trì tính ổn định trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, tránh tình trạng nhà chế biến thiếu nguyên liệu trong khi nông dân không bán được hàng.
- Lãnh đạo doanh nghiệp phải xây dựng những giá trị chất lượng vì khách hàng, phải trực tiếp tham gia vào việc hoạch định chất lượng , xây dựng các hệ thống và biện pháp để vươn lên không ngừng, thúc đẩy sự tham gia và tính sáng tạo của mọi nhân viên.
- Muốn kiểm soát được chất lượng hạt tiêu, cần phải kiểm soát được chất lượng nguyên liệu và các yếu tố đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình chế biến. Đó là hai khâu cơ bản nhất cần được tập trung kiểm soát hàng ngày.
Về phía người nông dân
Người nông dân nên trồng nhiều loại cây để giảm sự phụ thuộc vào chỉ một loại hàng hóa như tiêu và cần tăng cường sự ổn định của mặt hàng này.
Những nỗ lực để giảm chi phí sản xuất và diệt trừ sâu bệnh gây hại nghiêm trọng như bệnh thối rễ, bệnh vàng lá… nên từng bước được đẩy mạnh thông qua sự mở rộng và đổi mới công nghệ. Ngoài các chương trình và hoạt động định hướng thị trường ra, các đại lý buôn bán hạt tiêu và người nông dân trồng tiêu cần phải xem xét tính đàn hồi của nông dân với các điều kiện thị trường.
Chỉ nên trồng tiêu trên đất bazan có đủ nước tưới, mật độ thích hợp là 1.200-1.250 nọc/ha. Nên sử dụng phân tổng hợp chuyên dùng cho tiêu hoặc phân hữu cơ ủ hoai, phân hữu cơ sinh học…, chỉ nên dùng phân vô cơ 15-20% so với lượng sử dụng phù hợp tuổi của tiêu. Ứng dụng phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp IPM, chủ động phòng trừ sâu
bệnh hại. Để giảm bớt chi phí, nông dân nên trồng tiêu bằng choái sống hoặc choái xi măng, trồng cây chắn gió.
Để sản xuất tiêu sạch, an toàn và chất lượng cao phục vụ xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, người nông dân cần lưu ý
- Sử dụng biện pháp bảo vệ thực vật theo hướng IPM và sinh học. - Thực hiện tốt khâu kỹ thuật sau thu hoạch, bảo quản chế biến.
3.2.11 Hạt điều:
Để cạnh tranh được, ngành điều Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ, thiết bị để giảm lượng lao động thủ công. Các doanh nghiệp nên chú trọng và kiểm soát tốt hơn nữa về cung cầu; tổ chức hệ thống thu mua, chế biến điều có hiệu quả hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đến tiêu chuẩn và hệ thống chất lượng trong sản xuất và chế biến điều. Xây dựng thương hiệu và quảng bá tiếp thị cũng là một trong các nhân tố ngành điều nên chú ý nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn trong tương lai.
Đổi mới công nghệ chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được ngành điều chú trọng để tạo dựng và giữ vững thương hiệu hạt điều Việt Nam trên thị trường thế giới.
Để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cần phải nhanh chóng đổi mới thiết bị, tiếp tục cơ cấu lại sản xuất để sử dụng lao động nông nhàn ở nông thôn; nhập khẩu thêm điều thô từ bên ngoài; coi trọng việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ vững chất lượng sản phẩm; giao hàng đúng hạn, đảm bảo uy tín với khách hàng.
KẾT LUẬN
Qua tất cả những vấn đề được trình bày liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam như trên chúng ta có thể tin rằng trong những tháng tới triển vọng tăng xuất khẩu là rất khả quan do nhiều mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng, và đặc biệt là tăng về giá như cà phê, gạo, cao su, hạt tiêu, thuỷ sản, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, dây điện và cáp điện... Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng ta. Để bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2007, trong những tháng còn lại của năm, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp chính gồm: tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng thúc đẩy xuất khẩu tăng về lượng, chú trọng phát hiện các mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng tăng trưởng lớn để tập trung đầu tư. Động viên mọi thành phần kinh tế làm hàng xuất khẩu thông qua: hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo các nhóm chính sách, đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu như bến cảng, kho tàng... đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu.