CHƯƠNG 3: THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN
3.2.2 Bất cập về giá trị chứng minh của biên bản phạm pháp quả tang trong các vụ án về “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”
án về “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”
Trong hồ sơ của các vụ án này, cơ quan điều tra thường lập biên bản về việc phạm pháp quả tang đối với hành vi đánh bạc , tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Biên bản này thường được coi là một trong những nguồn chứng cứ rất quan trọng để kết tội đối với bị can; bị cáo. Tuy nhiên, trên thực tế thì đại đa số các trường hợp biên bản này không được lập ngay tại chỗ nơi hành vi phạm tội vừa được thực hiện nên biên bản này không phản ánh đúng tính chất “quả tang” của hành vi vi phạm như bản thân tên gọi của nó. Chính vì vậy, trong thực tiễn còn có các ý kiến khác nhau về giá trị chứng minh của các biên bản “phạm pháp quả tang” này.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, mặc dù tính quả tang của hành vi phạm pháp được phản ánh trong biên bản là không kịp thời, nhưng sự việc xảy ra được ghi trong biên bản là đúng sự thực và được người có thẩm quyền cùng người vi phạm xác nhận. Thực tiễn cho thấy các biên bản “phạm pháp quả tang” loại này vẫn được các cơ quan tiến hành tố tụng coi là chứng cứ hợp pháp và có giá trị chứng minh tội phạm. Ý kiến thứ hai lại cho rằng hành vi phạm pháp được phản ánh trong biên bản này đã mất đi tính quả tang. Vì vậy, biên bản này không hợp pháp và không có giá trị chứng minh tội phạm.
Chúng tôi quan điểm rằng quan điểm thứ nhất về các biên bản “phạm pháp quả tang” nêu trên, xét về góc độ thực tiễn là phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta và đặc thù của nhóm tội phạm này. Tuy nhiên, từ góc độ lý luận và trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang tiến hành cải cách tư pháp, chúng tôi cho rằng quan điểm thứ hai là có căn cứ. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần có giải pháp nhằm hạn chế và loại trừ các chứng cứ “bất hợp pháp” này trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm liên quan đến đánh bạc.