Thực trạng phân tích tài chính trong các doanh nghiệp hiện nay là kiêm nhiệm bởi bộ phận tài chính - kế toán kiêm nhiệm. Nhân viên phân tích tài chính là những người có liên quan đến việc thu thập và phân tích những thông tin tài chính, phân tích xu hướng và đưa ra các dự báo kinh tế. Tuy nhiên các DN vẫn còn rất coi nhẹ việc này.
Công việc của các nhân viên phân tích tài chính là vô cùng quan trọng vì các đề xuất của họ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định tài chính. Điều đó đòi hỏi nhân viên phân tích phải đọc nhiều để nắm bắt được các thông tin liên quan, các vấn đề về pháp luật, biến động thị trường, các tình hình hoạt động được đăng tải trên tạp chí tài chính, sách báo...Vì vậy với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp nên chú trọng những vấn đề như: Chọn lọc những nhân viên cho bộ phận tài chính phải có trình độ cơ bản về tài chính và có kinh nghiệm và thâm niên trong công tác tài chính của công ty, không ngừng đào tạo các cán bộ chuyên trách thông qua các khoá tập huấn của Bộ Tài chính, trung tâm giáo dục của các trường đại học chuyên ngành, để kịp thời tiếp nhận những thay đổi trong chính sách kế toán và những chuẩn mực kế toán mới. Bổ sung những kiến thức về pháp luật và các chính sách tài chính thông qua các thông tin trên các báo, công báo, các trang Web liên quan; Khuyến khích tìm hiểu thông tin kinh tế trong và ngoài nước từ mọi nguồn đăng tải. Có thể cử hoặc tạo điều kiện nhân viên tham gia các khoán học ngắn, dài hạn tại các nước trên thế giới về kiến thức quản lý và tài
chính doanh nghiệp hiện đại. Tin học hoá đội ngũ nhân viên tài chính, thường xuyên cử họ đi dự các hội thảo chuyên ngành…
Tuy nhiên để thực hiện được những yêu cầu này cần sự nỗ lực cả từ 2 phía doanh nghiệp và Nhà nước. Về bản thân doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc công tác kế toán và kiểm toán theo chế độ kế toán mới ban hành, những chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam và hệ thống pháp luật về kinh tế.
Để có được những thông tin kế toán có giá trị, thì doanh nghiệp nên có những biện pháp kiểm tra bằng chính nội bộ hoặc kiểm toán. Mặt khác, để doanh nghiệp hoà nhập với quá trình phát triển của nền kinh tế, bắt nhịp với sự thay đổi của đất nước, công tác kế toán phải tuân thủ theo chế độ kế toán mới và những chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam. Bên cạnh đó cần chú trọng thực hiện các vấn đề sau.
Thứ nhất, bổ sung những báo cáo tài chính ngoài hệ thống báo cáo tài chính bắt buộc của Bộ Tài chính để phục vụ luồng thông tin đầy đủ cho công tác phân tích. Như phân tích Báo cáo thu nhập (Income statement) rất quan trọng và được sử dụng trong hầu hết phân tích tài chính dùng cho những quyết định về cơ cấu vốn, sử dụng vốn, các quyết định về đầu tư và sử dụng những đòn bẩy... mà hầu như các doanh nghiệp hiện nay không sử dụng, sự hiểu biết của họ về báo cáo thu nhập và các chỉ tiêu trong báo cáo là chưa rõ ràng. Do vậy, doanh nghiệp nên đưa báo cáo thu nhập vào hệ thống báo cáo tài chính.
Thứ hai, nâng cao trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý. Tất cả các quyết định về kinh doanh, tài chính, quản lý của doanh nghiệp đều từ cán bộ quản lý. Do vậy, trình độ, năng lực và đạo đức của họ là quyết định sự hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động tài chính và công tác phân tích tài chính doanh nghiệp.
Thứ ba, nâng cao trình độ nhân viên chuyên trách. Và cuối cùng là thường xuyên trao đổi thông tin bên ngoài về kinh tế, tài chính, thị trường qua trang Web hoặc các hình thức khác.