Công tác phân tích báo cáo tài chính phải được thường xuyên tiến hành tại các DN, muốn vậy hệ thống báo cáo tài chính phải được lập một cách đầy đủ. Nói cách khác, ngoài số liệu trên bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, thuyết minh báo cáo tài chính thì doanh nghiệp cần phải dựa vào số liệu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ để tính ra một số chỉ tiêu liên quan đến tiền, bổ sung các thông tin liên quan đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, những thông tin bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, những thông tin chung về ngành. Mặt khác, việc phân tích phải đựơc dựa vào số liệu từ 5 đến 10 năm. Có vậy mới đánh giá một cách chính xác tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, đê thực hiện tốt công tác phân tích tài chính doanh nghiệp cần phải cử các cán bộ làm công tác tài chính đi học các lớp bồi dưỡng chuyên ngành phân tích tài chính, qua đó nắm chắc hơn quy trình phân tích, nội dung và phương pháp phân tích.
Yêu cầu đối nội dung phân tích, ngoài việc đánh giá khái quát các chỉ tiêu trên các báo cáo như bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, cần bổ sung các nội dung cần thiết.
- Phân tích mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn, qua đó xem xét chính sách tài trợ của doanh nghiệp, và doanh nghiệp có vốn luân chuyển hay không có vốn luân chuyển.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã tiến hành phân tích bảng cân đối kế toán, nhưng chỉ dừng lại ở phân tích tài sản và nguồn vốn tách biệt nhau, chưa quan tâm đến mối quan hệ giữa các bên. Khi xem xét bên nguồn vốn cho thấy việc hình thành tài sản là do đâu? Việc huy động vốn có đảm bảo được nguyên tắc cân bằng tài chính hay không. Tức là “tài sản được tài trợ trong một thời gian không được thấp hơn thời gian chuyển hoá tài sản đó”. Khi tính đến độ an toàn trong thanh toán thì nguyên tắc cân bằng tài chính đòi hỏi: Tài sản dài hạn chỉ được tài trợ bởi một phần của nguồn vốn dài hạn, chỉ một phần tài sản ngắn hạn được tài trợ bởi nguồn vốn ngắn hạn. Từ đó xem xét nên huy động từ nguồn vốn nào, chi phí sử dụng vốn là bao nhiêu? Thấp nhất nhưng vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc cân bằng tài chính, Nếu doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc cân bằng tài chính thì sẽ có vốn luân chuyển (là một phần nguồn vốn dài hạn được dùng để tài trợ cho một phần tài sản ngắn hạn).
- Phân tích tình hình sử dụng nguồn tài trợ vốn trong năm của doanh nghiệp:
Mục đích là xem xét trong năm doanh nghiệp đã có những khoản đầu tư nào? Làm thế nào để doanh nghiệp mua sắm được tài sản đó?
Ðể phân tích, cần liệt kê sự thay đổi của các chỉ tiêu trên bảng cân đối giữa hai niên độ kế toán. Sau đó lập bảng phân tích tình hình sử dụng nguồn tài trợ vốn trong năm theo tiêu thức: Nếu tăng phần tài sản, giảm phần nguồn vốn ghi vào phần sử dụng vốn, nếu tăng phần nguồn vốn, giảm phần tài sản ghi vào phần nguồn tài trợ vốn.
- Phân tích kết quả kinh doanh thông qua một số chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận:
Ngoài việc đánh giá khái quát kết quả kinh doanh thông qua xem xét sự biến động của các chỉ tiêu trên báo cáo kết quả kinh doanh giữa thực tế kỳ này
với thực tế kỳ trước, có thể dánh giá thông qua các chỉ tiêu như: Tỷ suất lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận kế toán trước thuế trên doanh thu, theo công thức:
Tỷ suất lợi nhuận thuần từ Hoạt động KD trên doanh thu = [Lợi nhuận thuần từ Hoạt động KD/(Doanh thu thuần + Doanh thu tài chính)] x 100%.
Tỷ suất lợi nhuận kế toán trước thuế trên doanh thu = [Lợi nhuận kế toán truớc thuế /(Doanh thu thuần + Doanh thu tài chính + Thu nhập khác)] x 100% - Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Trước tiên đánh giá khái quát tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp bằng cách so sánh giữa các chỉ tiêu trên báo cáo lưu chuyển giữa kỳ này với kỳ trước, sau dó xem xét tỷ trọng dòng tiền thu của từng hoạt động theo công thức:
Tỷ trọng dòng tiền thu vào của từng họat động = (Tổng tiền thu vào của từng hoạt động/Tổng tiền thu vào trong kỳ) x 100%
Qua đó sẽ cho thấy tổng tiền thu vào trong kỳ thì tiền thu vào từ hoạt động nào là chủ yếu.
- Xây dựng các thông số về danh mục chung:
Trong điều kiện của nền kinh tế nuớc ta hiện nay đồng thời cùng với sự phát triển của thị truờng chứng khoán, thị trường tài chính thì việc đưa ra các thông số về ngành nghề kinh doanh là hết sức cần thiết, có như vậy sẽ giúp các đối tượng quan tâm (các nhà quản lý doanh nghiệp, các cổ đông của doanh nghiệp, những người cho vay, nhà đầu tư…) thấy được vị trí của doanh nghiệp trong từng ngành nghề hoạt động. Ðồng thời cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp có các biện pháp cải thiện tình hình SXKD nhằm thu hút được vốn từ các nhà đầu tư.