6. Kết cấu của luận văn
2.1. Lập trường triết học của nhận thức luận Phật giáo
Mặc dù đứng trên lập trường khác nhau và sử dụng các phương pháp khác nhau, nhưng trong lịch sử triết học, hầu như không có trường phái hay nhà tư tưởng nào không bàn về khả năng nhận thức thế giới của con người. Triết học Phật giáo cũng đã bàn nhiều đến khả năng nhận thức của con người về thế giới.
Ở đây, đứng trên lập trường duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chúng tôi muốn có một số nhận định, đánh về lập trường triết học của nhận thức luận Phật giáo.
Qua sự phân tích nội dung nhận thức luận Phật giáo trên đây, chúng ta nhận thấy, lập trường xuyên suốt mà trường phái triết học này thể hiện là khuynh hướng duy tâm chủ quan và có nhiều quan điểm chứa đựng tinh thần biện chứng; hẳn nhiên, chúng ta cũng thấy một số quan điểm duy vật ẩn chứa trong nội dung của hệ thống triết học Phật giáo.
Đạo Phật là một tôn giáo xây dựng trên cơ sở cuộc đời và giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni, xuất hiện khoảng cuối thế kỷ thứ VI trước công nguyên ở Bắc Ấn Độ. Trước khi Phật giáo ra đời, Ấn Độ đã có nhiều nguồn tư tưởng và tôn giáo khác nhau như đạo Phệ Đà (dựa vào kinh Veda); Đạo Bàlamôn, phái triết học tự nhiên, phái khổ hạnh...
Trong thời kỳ xuất hiện và hình thành Phật giáo, xã hội Ấn Độ chia làm bốn đẳng cấp chính gồm: tăng lữ Bàlamôn; quý tộc; người buôn bán và làm thủ công giàu có; Người lao động chân tay nặng nhọc, nghèo khổ. Ngoài ra còn có loại tiện dân Paria, được coi là hạng cùng cực, ô nhục nhất của xã hội.
Trong hoàn cảnh áp bức giai cấp, đánh dấu sự tan rã của xã hội thị tộc - bộ lạc và sự ra đời của chế độ chiếm hữu nô lệ, Đạo Phật ra đời đã đem lại những tư tưởng và những cải cách tích cực với xã hội như lòng từ bi, bình đẳng, chống tăng lữ Bàlamôn. Chính bởi lí do này mà ngay khi mới thành lập, Phật giáo đã thu hút được một số lượng lớn tín đồ tin theo.
Nếu xét trên quan điểm nhận thức luận, những đại diện của các tông phái Phật giáo là những nhà duy tâm - tâm lý hay những nhà duy tâm hiện tượng luận. Tất cả họ nhất trí rằng, thế giới kinh nghiệm, thế giới bên ngoài cũng như “cái tôi” chỉ là ảo ảnh, không chỉ vạn vật mà thậm chí cả những con người quanh ta đều như những con rối - những bóng ma lừa phỉnh chủ thể. Nhận thức luận Phật giáo chỉ ra rằng, vạn pháp trong vũ trụ đều không có thể chất chân thật, từ những sự vật thực tại cho đến những khái niệm đều do ý thức tưởng tượng tạo dựng dưới sự điều khiển của Mạt na thức, chúng chỉ tồn tại trong thế gian với tính cách giả tạo theo nhu cầu cần thiết của con người hoặc do chúng sinh hữu tình sử dụng mà có. Chính quan điểm này đã dẫn dắt toàn bộ lập trường của triết học Phật giáo nói chung và của nhận thức luận Phật giáo nói riêng.
Trước hết, nhận thức luận Phật giáo phân chia đối tượng nhận thức ra làm ba loại và các cấp độ của quá trình nhận thức tương ứng. Quan điểm này khác với quan điểm của nhận thức luận mácxít, nhưng ta thấy ở đây cũng thể hiện một số yếu tố duy vật và cũng phần nào đó có tính bất khả tri trong nhận thức luận Phật giáo. Đối tượng nhận thức trong nhận thức luận Phật giáo bao gồm “thế giới tự thân” - tức là thế giới thực tại khách quan, thế giới Tánh cảnh, và có cả những ý tưởng do tư duy của con người tạo dựng nên trong quá trình nhận thức, đó không phải là thực tại tự thân mà thực tại theo quan điểm của chủ thể nhận thức, thế giới ấy là Đới chất cảnh. Đối tượng ấy còn bao gồm cả những ý tưởng, tư tưởng do con người tự tưởng tượng ra là thế giới Độc ảnh cảnh. Có thể nói, hầu như mọi lĩnh vực của nhận thức đều được nhận thức luận Phật giáo đề cập đến.
Nhận thức luận Phật giáo cũng đề cập đến các hình thái nhận thức Hiện lượng, Tỷ lượng, Phi lượng. Ở đây, tư tưởng Phật giáo đã có những nét của sự phân chia nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính như trong nhận thức luận mácxít. Tuy nhiên, thế giới Tánh cảnh - đối tượng cao nhất mà nhận thức luận Phật giáo hướng đến lại không thể nhận thức được bởi thức ý thức - thức thứ
sáu, mà chỉ được nhận thức một cách trực tiếp, tức khắc bởi những giác quan của năm thức đầu. Vậy điều này có khả thi hay không? Nếu đứng trên lập trường triết học Mác-Lênin thì không thể thực hiện được điều đó. Bởi chân lý không thể nào được phát hiện chỉ bằng sự nhận thức một cách giản đơn, không thông qua sự phân tích và suy luận, mà chỉ đơn thuần là sự cảm nhận một cách trực tiếp, ngay tức khác như trong nhận thức luận triết học Phật giáo.
Một sự hiểu biết không có sự suy luận và diễn dịch, không có sự phân biệt phải trái, tốt xấu, không có sự cân nhắc đúng sai… thì liệu loài người có thể đạt đến chân lý hay không? Không, nếu như vậy, con người sẽ khó lòng tìm thấy được chân lý đích thực. Nhưng chính triết học Phật giáo cũng cho thấy, sự nhận thức không thể không đạt đến Chân hiện lượng được. Chính vì vậy mà ở đây, nhận thức luận Phật giáo đã thêm vào cho chủ thể nhận thức cái khả năng trực giác siêu nghiệm, trực giác tâm linh. Điều này đã góp phần thể hiện khuynh hướng duy tâm, duy linh trong nhận thức luận Phật giáo
Nhận thức luận Phật giáo còn chỉ ra cấp độ nhận thức Tỷ lượng. Đây là lĩnh vực nhận thức của ý thức - tức là sự hiểu biết vạn pháp qua sự suy luận và diễn giải. Ở cấp độ này, nhận thức đã có sự so sánh đúng sai, cân nhắc lợi hại, phân biệt phải trái, lựa chọn hơn kém... Đáng lẽ ra, đây chính là một thang bậc quan trọng của quá trình nhận thức giúp con người tiệm cận với chân lý, nhưng với nhận thức luận Phật giáo thì không phải vậy. Cấp độ nhận thức này, theo triết học Phật giáo chỉ mang lại những tri thức thiếu thực chất và thiếu trung thực với các sự vật hiện tượng có mặt trong thế gian. Chính vì vậy, triết học Phật giáo cho rằng, nhận thức Tỷ lượng thường dẫn con người đến với những sai biệt.
Nhận thức luận mácxít không quan niệm như vậy. Triết học Mác-Lênin chỉ ra rằng, con người khác con vật ở chỗ con người có tư duy và có ngôn ngữ. Bởi tư duy có tính năng động sáng tạo nên có thể phản ánh được những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, bên trong của sự vật. Nhưng tư duy phải gắn
liền với ngôn ngữ, bởi chỉ có ngôn ngữ mới biểu đạt được tư duy. Tư duy và ngôn ngữ chính là phương tiện, là công cụ để con người nhận thức và phản ánh hiện thực khách quan. Như vậy, có thể nhận định rằng, ngay trong bước đầu tiên của việc chỉ ra đối tượng và các hình thái của sự nhận thức, nhận thức luận Phật giáo đã thể hiện lập trường duy tâm chủ quan của mình.
Nhận thức luận Phật giáo cũng cho rằng, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy và cảm nhận, tức là những gì mà ta thấy được trong kinh nghiệm đều là ảo ảnh. Nếu xem xét một cách có phê phán thì ảo ảnh đó là một chuỗi những yếu tố, những khoảnh khắc của dòng ý thức.
Với triết học Phật giáo, vạn pháp trong vũ trụ vốn không có cái nào hiện diện một cách độc lập mà không liên hệ với cái khác, cũng như không có pháp nào không nương tựa vào thức Alaya mà có thể sinh khởi, có thể lớn lên và có thể tồn tại được. Công thức được đưa ra là: chủng tử sinh chủng tử; chủng tử sinh hiện hành; Hiện hành sinh chủng tử; Hiện hành sinh hiện hành.
Qua công thức này, ta thấy một hệ thống tương duyên, tương sinh của vũ trụ được vẽ ra trong nhận thức luận Phật giáo. Sự tương duyên, tương sinh ấy được thể hiện rõ trong quan điểm Vô thường và Vô ngã của nhận thức luận Phật giáo.
Vô thường là quy luật chuyển biến chung của thế giới, nhân sinh và vạn vật trong thế giới hữu vi, thế giới hiện tượng, nhân quả sinh diệt liên tục. Vô thường chuyển biến từng giây phút trong bốn chu kỳ nối tiếp: thành, trụ, hoại, không, dành cho các thế giới, hành tinh và thiên hà; sinh, trụ, dị, diệt,
dành chung cho vạn vật; sinh, lão, bệnh, tật, dành cho loài người và động vật.
Thuyết Vô ngã trong Nhận thức luận cũng chỉ ra rằng, về bản chất, con người và vạn vật chỉ có tương duyên, tương đối chứ không có cái thực thể riêng tuyệt đối, chỉ là những hợp thể của nhiều yếu tố. Chẳng hạn, con người được tạo thành bởi sự kết hợp của vật chất gồm tinh cha, huyết mẹ tức là Sắc
pháp, và tinh thần gồm cảm giác, tri giác, ý giác và thức giác tức là Tâm pháp.
Như vậy, nhận thức luận Phật giáo nhìn nhận vạn vật trong liên hệ, biến đổi mãi không bao giờ ngừng, không bao giờ tịnh. Đó là sự biến đổi không ngớt và vô cùng vô tận. Đối với vạn vật trong vũ trụ hay đối với tâm người, Phật giáo ví như con sông chảy mãi và chảy mãi, nước không bao giờ lặp lại. Rõ ràng, có yếu tố hợp lý trong cách nhìn biến thiên vận động này của nhận thức luận Phật giáo.
Với triết học Phật giáo, vạn vật thường xuyên biến đổi, cả thân ta là một vật trong vạn vật cũng biến đổi, khi mạnh khi đau, khi yếu khi khỏe... cho đến cái bàn kia, nếu nhìn với ánh mắt thường thì coi như không biến đổi nhưng thực ra lâu ngày nó mục nát đi rồi tiêu tan. Nhưng mỗi sự vật trong vũ trụ đều là kết quả của nguyên nhân trước và là nguyên nhân của kết quả về sau, nối tiếp tương tục nhau như những vòng của sợi dây xích vô cùng vô tận, một sợi dây không có khởi nguồn. Có thể nói, quan điểm biện chứng về sự vận động này đã thể hiện một sự tiến bộ rất lớn so với những tư tưởng triết học đương thời.
Tuy nhiên, thuyết “Vô thường”, “Vô ngã” của nhận thức luận Phật giáo chỉ thấy vạn vật biến đổi, đã tuyệt đối hóa sự biến đổi ấy, coi đó là nguyên nhân của nỗi khổ con người nên ở đây cũng thể hiện lập trường duy tâm chủ quan. Phải chăng, vì đứng trên lập trường chủ quan cho nên Phật giáo ít bàn về mâu thuẫn, không thấy mâu thuẫn là cơ sở của sự sinh tồn, tiến triển của vũ trụ và xã hội loài người.
Trái với điều này, Chủ nghĩa duy vật biện chứng không coi mâu thuẫn là rủi ro, hay đau khổ mà là nguồn gốc của mọi sự phát triển, tiến bộ. Chủ nghĩa duy vật biện chứng không chủ trương giải thoát con người khỏi sự biến thiên của vạn pháp như Phật giáo, mà trái lại, con người phải ở trong sự biến đổi
ấy, nắm bắt nó và dùng cả tâm trí của mình để đưa nó tiến lên một trình độ cao hơn.
Ăngghen từng chỉ ra cho chúng ta rằng, “Mỗi con vật trong mỗi giây phút tiêu hóa bao nhiêu vật ở ngoài đem vào sinh ra nhiều chất khác, trong mỗi giây phút, nhiều tế bào trong mình nó chết đi và nhiều tế bào khác sinh ra, luôn luôn như vậy..., nếu như vậy thì sự sống, cũng như các hiện tượng khác cũng là một sự mâu thuẫn xảy ra bên trong sự vật, của các hiện tượng; một mâu thuẫn luôn luôn tự mình lập ra rồi tự mình giải quyết; bao giờ sự mâu thuẫn ấy hết thì sự sống cũng hết, sự chết đến” [13,tr.384].
Chủ nghĩa duy vật biện chứng luôn nhìn sự vận động như nó vốn có. V.I.Lênin cho rằng, sự vận động và phát triển diễn ra theo khuynh hướng xoáy óc và cứ tiến lên mãi.
Với quan niệm rằng con người là một giả hợp nên “Vô ngã” và “Vô thường” của nhận thức luận Phật giáo đã không thấy được nguồn gốc tự nhiên của con người - là sản phẩm cao nhất của tiến trình vận động và phát triển của giới tự nhiên, thoát thai từ động vật và về mặt sinh học là động vật bậc cao có ý thức. Chính vì hạn chế này, nhận thức luận Phật giáo không nhìn thấy được con người là một thực thể sinh học - xã hội. Nền triết học này chỉ tập trung lí giải con người tinh thần hướng nội, ít quan tâm tới đòi hỏi vật chất của con người, đến con người xã hội và do đó, tinh thần nhân văn cũng có phần hạn chế.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, quan điểm “Vô ngã”, “Vô thường có nhiều điểm hợp lí, song nó chưa thật sự là công cụ để nghiêm cứu vạn vật biến hóa. Với phương pháp như thế, trong nhiều trường hợp chỉ giải thoát con người trong trí tưởng tượng mà thôi, vấn đề là con người phải cải tạo thật sự đời sống hiện thực của mình.
Nếu triết học Phương Tây từng xem con người là một bộ phận của vũ trụ thì triết học Phật giáo coi con người là một tiểu vũ trụ. Vì đứng trên
phương diện chủ quan cho nên Phật giáo bao giờ cũng thấy con người đối với vũ trụ là bị động. Cái “Tâm” không phải bao giờ cũng như cái gương để soi rọi bao nhiêu mâu thuẫn đau khổ của cảnh ngoài. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thức của mỗi con người không phải chỉ để giúp cho cái bóng của cảnh ngoài rọi vào một cách rõ rệt. “Sáu căn” ấy cũng là khí cụ để cho con người thắng lại vũ trụ. Bởi con người chúng ta luôn vừa là chủ thể vừa là khách thể của chính chúng ta.
Bên cạnh việc chỉ ra đối tượng và các hình thái nhận thức, nhận thức luận Phật giáo còn chỉ ra thuyết Tám thức.
Với việc đưa ra thuyết Tám thức và phân định chức năng hoạt động của từng thức, nhận thức luận Phật giáo đã chi tiết hóa trong lập luận của mình về các phương diện trong nhận thức của con người, mà chúng ta khó lòng có thể tìm thấy được ở các trường phái triết học trong lịch sử. Tuy nhiên, ở đây, nhận thức luận Phật giáo lại chứng tỏ có sự dao động giữa lập trường duy vật và duy tâm. Nếu xét riêng sự phân chia của nhận thức luận Phật giáo về chức năng của bảy thức đầu gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức; Ý thức và Mạt na thức, thì ta sẽ thấy ở đây, nhận thức luận Phật giáo đã thể hiện một lập trường duy vật. Nhưng khi chuyển sang phân tích chức năng của thức thứ tám - Alaya thức thì nhận thức luận Phật giáo lại coi đó là cái “kho” có các hạt giống và cho rằng, nếu không có Alaya thì cũng không thể có được sự sống của sinh mệnh. Từ đó, nhận thức luận Phật giáo khẳng định rằng, thức thứ tám đóng vai trò là nơi lưu giữ thông tin, do chủ thể tiếp thu được trong quá trình sống trãi của kiếp sống hiện tại, cũng như quá khứ và vị lai. Như vậy, có nghĩa rằng, Alaya không chỉ có khả năng duy trì sinh mệnh của mình mà còn có thể duy trì sự liên tục giữa các giai đoạn của sinh mệnh. Những phân tích của nhận thức luận Phật giáo về Alaya thức đã toát lên lập trường duy tâm chủ quan không chỉ về thế giới vạn vật, mà về cả đời sống con người. Hơn nữa, vấn đề có hay không tồn tại một thế giới sau khi chết
vẫn là một đề tài đang được nhiều trường phái triết học, nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu và tranh luận mà chưa giải đáp được.
Dẫu vậy, nếu đem so với tư tưởng đương thời thì nhận thức luận Phật giáo phần nào đã phần nào có một cái nhìn vô thần về vũ trụ, có quan điểm