6. Kết cấu của luận văn
2.3 nghĩa của nhận thức luận Phật giáo đối với sự phát triển của lý luận nhận thức
Kể từ lúc ra đời cho đến nay, Phật giáo đã tồn tại và phát triển khoảng 25 thế kỷ rồi. Vì thế khi bàn về đóng góp của nhận thức luận Phật giáo đối với lý luận nhận thức nói chung, chúng tôi dựa chủ yếu vào quan điểm lịch sử cụ thể của triết học Mác – Lênin; nghĩa là đánh giá nhận thức luận Phật giáo như là sản phẩm của lịch sử. Ngay khi bàn đến những yếu tố tiến bộ, chúng tôi cũng đặt chúng trong một không gian và thời gian cụ thể của lịch sử, tránh thái độ đề cao thái quá cũng như thái độ phủ định hoàn toàn. Nhận thức luận Phật giáo sẽ được nhận định một cách khách quan hơn khi chúng ta đem nó so sánh nó với các học thuyết hiện đại, khoa học. Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày những nhận định mang nặng tính cá nhân về giá trị của nhận thức luận Phật giáo đối với nhận thức luận nói chung.
Bất kỳ trường phái triết học nào cũng đều hướng đến một mục tiêu đầu tiên và trực tiếp là sự nhận thức thế giới, nhưng nhận thức của con người không phải chỉ để nhận thức, mà để nâng cao thực tiễn, cải tạo thế giới, biến các ý tưởng phi vật chất trong đầu óc thành hiện thực trực tiếp bên ngoài ý thức. Việc nhận thức hay cải tạo thế giới ấy đều là phục vụ cho cuộc sống của con người. Đây là một yêu cầu chung của mọi lý luận về nhận thức. Nhận thức luận Phật giáo cũng đã làm như thế. Dù cách thức và phương pháp có khác với các trường phái khác trong lịch sử triết học, nhưng nhận thức luận Phật giáo nói riêng hay triết học Phật giáo nói chung cũng đã làm được cái công việc tương tự: giúp con người nhận thức được thế giới, mà quan trọng hơn là nhận thức và cải tạo chính bản thân mỗi người.
Vào thời kỳ triết học Phật giáo ra đời, lịch sử Ấn Độ có sự chuyển biến rất lớn, các quan hệ chính trị, văn hóa, nghệ thuật cũng nằm trong những cuộc chuyển biến mạnh mẽ. Một đặc điểm nỗi trội trong thời kỳ này là sự tồn tại lâu dài của chế độ chiếm hữu nô lệ gắn chặt với sự phân chia đẳng cấp hết sức khốc liệt đã đè nặng lên mọi mặt của đời sống người dân Ấn Độ. Kinh Veda và đạo Bàlamôn với tư tưởng thần quyền bao trùm và thống trị trong hầu hết các trường phái triết học lúc bấy giờ, ngoại trừ ba trường phái là Phật
giáo, Jaina và Lokayata. Ra đời vào thời điểm ấy, nhưng khác với lập trường của các trường phái triết học chấp nhận và thừa nhận sự thống trị của Bàlamôn giáo, triết học Phật giáo không thừa nhận quan điểm thần quyền của kinh Veda, không quy phục sự bất bình đẳng trong quan niệm của đạo Bàlamôn. Trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng phức tạp, rối ren bởi có nhiều trường phái triết học, đời sống của người dân Ấn Độ phải chịu nhiều bất công và rên xiết dưới ách thống trị, bốc lột của thế lực cầm quyền về kinh tế và chính trị, sự ra đời của triết học Phật giáo đã gióng lên tiếng chuông tiên phong đả phá xiềng xích nô lệ và bức tường phi lý của sự phân chia đẳng cấp, đả phá sự thống trị về tinh thần của đạo Bàlamôn và cả những thầy tu của đạo này.
Triết học Phật giáo chỉ ra rằng, mọi chúng sinh đều bình đẳng với nhau từ khi lọt lòng mẹ, bởi họ đều mang trong mình dòng máu đỏ như nhau và nước mắt của họ có vị mặn như nhau, họ chỉ khác nhau ở vỏ bên ngoài, ở quần áo, ở quan niệm. Chính cái tính tham, sân, si là ngọn nguồn của mọi sai lầm và cũng là của sự bất bình đẳng, của mọi đau khổ và sai biệt. Con người vốn bình đẳng trước mọi quy luật của tự nhiên và xã hội từ khi mới sinh ra, trong quá trình phát triển, họ cũng bình đẳng trước sự tác động của các quy luật ấy. Trưởng thành, già rồi chết, dù họ là ai, dân thường hay vua quan cũng đều không tránh khỏi những quy luật đó. Nếu biết được rõ quy luật ấy thì con người trước hết trừ được tham, sân, si, vì chúng ta biết rằng, cái đau của con người cũng là cái đau của chính mình, cái khổ của con người cũng là cái khổ của mình. Cùng là cái đau của việc đứt tay thì làm sao phân biệt được là của người giàu, người nghèo, già hay là trẻ đau hơn được.
Theo nhận thức luận Phật giáo, mọi sự sai biệt trên thế gian này đều tùy vào cái nhân duyên sinh khởi. Những sự khác nhau về địa vị, hoàn cảnh giàu sang hay nghèo khổ, ngu dốt hay thông minh..., tất cả đều do hành vi tạo tác của mỗi người, chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo một quy định nào. Mỗi tư duy hành động của con người là do họ tự tạo lấy chứ không
hề có một thế lực tiềm năng nào chi phối cả. Ta là kẻ thừa hưởng kết quả của hành vi tạo tác của ta như là một di sản từ quá khứ để lại.Với cách tiếp cận hướng nội, xem con người là trung tâm cũng như là chủ thể nhận thức, của quá trình giải thoát tất cả những nỗi đau khổ thường nhật của mỗi con người, triết học Phật giáo đã thức tỉnh không chỉ đối với những thần dân của Ấn Độ về một sự thật rằng, không có một thế lực thần quyền nào tồn tại cả, đó thực ra chỉ là sự bịa đặt của tầng lớp quý tộc để phục vụ và duy trì sự cai trị của giai cấp ấy mà thôi. Nhận thức luận Phật giáo đã chỉ ra các phương pháp nhận thức cho con người, chỉ ra căn nguyên của nỗi khổ và cách thức để diệt trừ những nỗi khổ. Công việc ấy không có một thế lực thánh thần nào có thể làm thay được ngoại trừ sự nỗ lực của chính bản thân mỗi người.
Để minh định cho lập trường vô thần, nhận thức luận Phật giáo đã chỉ ra các cấp độ của nhận thức, các hình thái của sự nhận thức và cách thức để con người nhận thức được thế giới và chính bản thân mình mà ở tất thảy những cái đó đều không phải do thần thánh tồn tại hay xui khiến. Đối tượng nhận thức với triết học Phật giáo có cả ảo và thật; cái ảo ở đây là thế giới Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh, cái thật là thế giới Tánh cảnh. Quá trình nhận thức do đó có lúc đúng lúc sai. Nhưng chỉ với hình thái Hiện lượng, người ta mới nhận ra được chân bản thể của thế giới, Tỷ lượng và Phi lượng thì ngược lại...
Hiện lượng là hình thái nhận thức được phân tích rõ trong nhận thức luận Phật giáo. Hiện lượng có bao hàm cả nhận thức cảm tính, trực giác siêu nghiệm và trực giác tâm linh. Do vậy, nếu chỉ hiểu Hiện lương là nhận thức cảm tính thôi và cho rằng nó là giai đoạn cơ sở cho nhận thức Tỷ lượng là chưa đầy đủ. Hiện lượng có tính độc lập của nó. Các nhà luận sư Phật giáo đã xếp trực giác tâm linh, trực giác siêu nghiệm vào hình thái Hiện lượng và đặt chúng cao hơn Tỷ lượng, bởi theo họ, thực tại chỉ có thể nhận thức toàn vẹn bằng con đường trực giác siêu lý tính.
Không ai có thể phủ nhận được vai trò của tư duy khái niệm và những tri thức suy diễn, bởi nhờ có chúng, nhân loại mới có những bước tiến dài, vững chắc như ngày hôm nay. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, ở một góc độ nào đó, trực giác đóng một vai trò không nhỏ trong các phát minh khoa học. “Thấy” (kiến/ trực giác) đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức luận Phật giáo, vì nó là cơ sở của “biết”. Không thể có biết mà không có thấy, tất cả cái biết đều xuất phát từ cái thấy. Như vậy, triết học Phật giáo cuối cùng cũng dạy ta thấy thực tại đúng như nó là, cái thấy ấy chính là chứng ngộ.
Nhận thức luận Phật giáo cũng có một số điểm tương đồng với tri thức luận của I.Kant. Nếu nhận thức luận phân đôi thực tại thành hai thế giới Vô vi và thế giới Hữu vi, thì tương tự, I.Kant cũng chia thế giới thành “vật tự nó” và “hiện tượng”. Tuy nhiên, với Kant, thế giới vật tự nó tồn tại khách quan, tồn tại tự nó, ở bên ngoài ý thức mà con người không biết gì về nó, vật tự nó là căn nguyên của thế giới, là tồn tại thực sự, là bản chất đúng thật của thế giới, tinh thần của tinh thần; là những chuẩn mực, những lý tưởng của mọi sự hoàn thiện tuyệt đối...[11,tr.64]. Nhưng với Kant, thế giới vật tự nó là bất khả tri đối với con người, còn theo nhận thức luận Phật giáo thì thế giới Tánh cảnh (Vô vi) có khả năng đạt tới được bằng con đường trực giác, thể nghiệm tâm linh. Ở đây, nhận thức luận Phật giáo thật sự không có khuynh hướng bất khả tri.
Thế giới Đới chất cảnh là thế giới hiện tượng, là thế giới “vật chất” của thế giới “tinh thần - Alaya thức”, là sự biến hiện, là sự “tha hóa” của các chủng tử thức. Theo nhận thức luận Phật giáo, cả thế giới hiện tượng này cũng hoàn toàn có thể nhận thức được. Cái năng lực tiên thiên, theo Kant có khả năng giúp cho các cảm giác sắp xếp các sự kiện theo trật tự, quy các sự vật vào các hình thái thì trong triết học Phật giáo, chính thức thứ sáu mang tính bản năng của con người mới là cái có thể giúp cảm giác khuôn mọi đối tượng theo trật tự thời gian và không gian. Cái ý thức mang tính bản năng này chính là cái mà Kant gọi là năng lực tiên thiên.
Nếu theo Kant, vật tự nó và hiện tượng là hai thế giới tách rời nhau, trong đó con người không nhận thức được thế giới vật tự nó thì trong nhận thức luận Phật giáo, hai thế giới Vô vi và Hữu vi về thực chất chỉ là một. Thực tại bị chia thành hai thế giới chỉ khi tư duy con người có sự kiến tạo mang tính chủ quan về thế giới đó mà thôi. Thế giới Hữu vi là thế giới của Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh, đây là những sản phẩm của tư duy con người. Thế giới Vô vi là thế giới như nó vốn có. Khác với Kant cho rằng con người chỉ có khả năng nhận thức được thế giới kinh nghiệm, thế giới hiện tượng, còn thế giới vật tự nó chỉ có thể quan niệm được bằng nhận thức tiên nghiệm, thì nhận thức luận Phật giáo lại cho rằng, bằng phương pháp tu tập đúng cách, con người có thể nhận thức được thế giới Tánh cảnh.
Tinh thần duy tâm chủ quan tiên nghiệm về nhận thức của Kant cũng chính là điều mà nhận thức luận Phật giáo phê phán. Theo Kant, không phải tri thức của chủ thể phải phù hợp với sự vật mà sự vật phải phù hợp với tri thức của chủ thể nhận thức. Theo cách lập luận của Kant, các khái niệm, phạm trù như những khuôn mẫu buộc thực tại phải phù hợp với nó, trong khi với triết học Phật giáo, để nhận thức đúng thực tại như nó vốn có thì phải vứt bỏ hết các khái niệm, phạm trù, ngôn ngữ...
Nhận thức luận Phật giáo còn có quan điểm trùng với nhận thức luận duy tâm của Kant, đó là cả hai đều thừa nhận có những tri thức tiên nghiệm. Tức là, tri thức tiên nghiệm tạo ra thế giới hiện tượng và chính nó trở lại nhận thức cái thế giới do nó sáng tạo ra. Nhận thức của con người chính là nhận thức thế giới hiện tượng do chủ thể nhận thức sáng tạo ra.
Ở đây, nhận thức luận Phật giáo đã nhận ra một vấn đề là, con người sống với thế giới thế giới Hữu vi nhiều hơn là với thế giới Vô vi. Vì vậy, hình thái nhận thức Tỷ lượng là sinh hoạt tri thức tất yếu và đóng vai trò quan trọng không kém trong cuộc sống của con người. Nếu Hiện lượng là hình thái nhận thức trực tiếp thì Tỷ lượng lại là hình thức nhận thức gián tiếp. Nó buộc
phải thông qua các dấu hiệu của đối tượng và tư duy để tiến hành nhận thức đối tượng. Nhận thức luận Phật giáo cũng thừa nhận mối liên quan giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Mặc dù trong Tỷ lượng luận, nhận thức luận Phật giáo đã thấy được vai trò của nhận thức cảm tính với nhận thức lý tính, tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Nếu so sánh Hiện lượng và Tỷ lượng trong nhận thức luận Phật giáo với nhận thức luận của triết học Mác-Lênin, chúng ta như thấy có một sự tương quan ngược chiều.
Nhận thức luận Phật giáo đề cao vai trò của hình thái Hiện lượng, bởi chỉ với hình thái này, con người mới đạt đến chân lý thật sự là Chân hiện lượng. Còn với Tỷ lượng thì nhận thức của con người không thể làm được điều đó, bởi những tri thức mà hình thái này mang lại không giống với sự hiểu biết trực tiếp như năm tâm thức ở trước. Ý thức hiểu biết vạn pháp qua sự suy luận và diễn dịch, đây là quá trình nhớ lại, hồi tưởng lại, so sánh... với hình ảnh của những hạt giống lấy từ thể thức Alaya đưa đến trình diện cho ý thức. Vì vậy, theo nhận thức luận Phật giáo, những hình ảnh này không thực chất và không trung thực với thế giới sự vật đang hiện hữu, vì thế tri thức của chủ thể nhận thức được cũng không phải là chân thực, đúng đắn.
Như vậy, với nhận thức luận Phật giáo, chân lý chỉ có thể đạt được ở giai đoạn nhận thức cảm tính, trực giác - sự nhận thức mà ở giai đoạn lý tính không thể làm được.
Nhận thức luận mácxít xét nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn của một quá trình biện chứng, giữa chúng có sự tác động qua lại, bổ sung và làm tiền đề cho nhau chứ không đề cao thái quá giai đoạn nào.
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính cũng là những cấp độ khác nhau về chất, có đặc điểm và vai trò khác nhau. Nhận thức cảm tính là sự phản ánh trực tiếp, cụ thể, sinh động sự vật; còn nhận thức lý tính phản ánh gián tiếp, mang tính trừu tượng khái
quát. Nhận thức cảm tính đem lại những hình ảnh bề ngoài, chưa sâu sắc về sự vật, còn nhận thức lý tính phản ánh được những mối liên hệ bên trong, bản chất, phổ biến, tất yếu của sự vật. Do đó, nhận thức lý tính phản ánh sự vật sâu sắc hơn và đầy đủ hơn. Mặc dù có sự khác nhau, nhưng nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính lại thống nhất biện chứng với nhau. Chúng đều cùng phản ánh thế giới vật chất, có cùng một cơ sở sinh lý duy nhất là hệ thống thần kinh của con người và đều cùng chịu sự chi phối của thực tiễn lịch sử - xã hội. Nhận thức cảm tính là tiền đề của nhận thức lý tính, không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính; nhận thức cảm tính mà không có nhận thức lý tính thì không thể nắm bắt bản chất và quy luật của sự vật.
Nếu nhận thức luận Phật giáo coi hình thái Hiện lượng mới có khả năng đạt đến chân lý thì triết học Mác-Lênin lại có quan điểm ngược lại, chân lý không thể đạt được ở nhận thức cảm tính mà phải thông qua nhận thức lý tính, thông qua các khâu trung gian, gián tiếp, thông qua các mối quan hệ và đi vào thực tiễn. Điều này chúng ta có thể hiểu được, bởi mục đích nhận thức của triết học Phật giáo chỉ để thực hiện con đường giác ngộ, chỉ ra các bước đường nhận thức mà con người phải vượt qua để đạt đến tâm chân như (Vô