Điều kiện tự nhiên và lịch sử của dân tộc Cơtu

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC CƠTU Ở TỈNH QUẢNG NAM HIỆN NAY (Trang 42 - 47)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.1.Điều kiện tự nhiên và lịch sử của dân tộc Cơtu

Miền núi Quảng Nam chiếm 81,27% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, được xác định là một địa bàn chiến lược quan trọng về phương diện: chính trị, kinh tế, quốc phòng của tỉnh và là một bộ phận trong địa bàn chiến lược rộng lớn Trường Sơn- Tây Nguyên.

Là một bộ phận không tách rời của tỉnh, cùng miền đồng bằng, trung du, ven biển tạo thành một thể thống nhất hoàn chỉnh về nhiều phương diện, có vị trí quan trọng ở miền Trung- dấu nối giữa Nam và Bắc, liên minh đặc biệt giữa nước ta và nước bạn Lào. Mặc dù địa bàn cao dốc, hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, núi cao, khó khăn cho việc đi lại, miền núi Quảng Nam không chỉ là căn cứ địa vững chắc về quốc phòng, mà là nơi sẽ nằm trên con đường xuyên Đông Dương, đường Hồ Chí Minh- huyết mạch của Tổ quốc, là vùng rất quan trọng bảo vệ môi trường sống toàn tỉnh, nơi đầu nguồn nuôi dưỡng tất cả các con sông lớn của đồng bằng, nơi có núi, rừng che chở, đảm bảo sự điều hòa khí hậu. Sự sống và sự trù phú của toàn tỉnh nói chung và của miền trung du, đồng bằng nói riêng phụ thuộc vào “mái nhà che” là miền núi này.

Đến nay, vùng núi Quảng Nam có 75.739 hộ với trên 410.000 khẩu. Trong đó có 6 huyện vùng cao, 03 huyện miền núi. Ở vùng đồng bằng, đại đa số là dân tộc Kinh sinh sống. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, số người Kinh từ đồng bằng lên miền núi làm ăn, sinh sống ngày càng

gia tăng, làm thay đổi cơ cấu thành phần dân tộc. Ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam có 4 dân tộc ít người sinh sống chủ yếu là dân tộc: Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Ca Dong và Cơtu với số dân lên đến 120000 người. Dân tộc ít người sinh sống ở miền núi Quảng Nam có quan hệ gắn bó mật thiết từ lâu đời với người Kinh ở vùng đồng bằng và đồng tộc cũng như khác tộc ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Quảng Ngãi và tỉnh Xê Kông nước bạn Lào.

Người Cơtu sinh sống ở vùng địa lý có địa hình phức tạp, hiểm trở, bị cắt xẻ bởi nhiều sông, suối, núi cao và thung lũng hẹp. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao nên khí hậu khắc nghiệt. Đây cũng là vùng có nhiều tài nguyên rừng, nhất là gỗ và các loại động vật quý hiếm.

Đặc điểm tự nhiên của vùng đất người Cơtu sinh sống tuy có những yếu tố riêng biệt nhưng nằm trong khu vực tương đối thống nhất của điều kiện tự nhiên nối liền các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế với Tây Nguyên. Trong đó, đặc biệt là sự tương đồng về địa hình, miền khí hậu, hệ thổ nhưỡng của miền tây Thừa Thiên- Huế với miền tây Quảng Nam. Địa bàn cư trú của người Cơtu tiếp giáp với vùng cư trú của dân tộc Kinh, vùng đồng bằng ven biển và có mối quan hệ với vùng phía đông tỉnh Xê Kông (Lào).

Theo số liệu điều tra năm 2009, dân tộc Cơtu có số dân gần 56 ngàn người, xếp thứ 26 trong danh mục thành phần dân tộc Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, dân tộc Cơtu có số dân gần 50 ngàn người, được phân bố tập trung ở các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Ngoài ra, người Cơtu còn sinh sống ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), hai huyện Alưới, Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) và hai huyện Đắc Chung, Kà Lùm của tỉnh Xê Kông (Lào). Do vậy, địa bàn cư trú của người Cơtu tương đối rộng lớn nhưng tập trung, không xáo trộn, chia cắt bởi các dân tộc khác.

Cho đến nay, chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học nào cho thấy trong quá trình lịch sử địa bàn cư trú của dân tộc Cơtu vượt ra khỏi khu vực này và

di chuyển từ bắc Trường Sơn vào hay bắc Tây Nguyên ra. Nên có sơ sở để cho rằng với đặc điểm tập trung về địa bàn cư trú như vậy đã có những tác động trong quá trình hình thành dân tộc và xác định nguồn gốc dân tộc.

Cho tới khoảng giữa thế kỷ XX, nếp sống cổ truyền của người Cơtu vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Đó là xã hội của cư dân nông nghiệp vùng rừng nhiệt đới, của những người khai thác nguồn sống từ rừng, lấy canh tác rẫy làm nguồn sống chính.

Về sinh hoạt kinh tế, cũng như các dân tộc thiểu số khác ở dọc Trường Sơn và Tây Nguyên, người Cơtu trước đây chuyên sống bằng kinh tế nương rẫy, chủ yếu trồng trọt cây lúa khô còn gọi là lúa cạn hay lúa rẫy như cách gọi thông dụng hiện nay.

Người Cơtu sản xuất nông nghiệp nương rẫy nên phân định thời vụ theo những chu kỳ thống nhất trong năm. Trải qua một quá trình lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tích luỹ thành một: “Kinh nghiệm về nông lịch nương rẫy”. Đồng bào dựa vào những đặc điểm, những thay đổi của thiên nhiên; cây lúa, hoa quả; tiếng chim, thú, tiết trời chuyển đổi để ấn định các công việc sản xuất ở nương rẫy.

Người Cơtu chia các tháng trong năm (về sau được tính theo tháng dương lịch) để ấn định các công việc nương rẫy như tháng nào thì phát rẫy, tháng nào thì chặt cây to, tháng nào thì dọn tỉa, tháng nào thì làm cỏ…; cũng cần nói thêm rằng, với việc ấn định các tháng trong năm, đồng bào còn quy định công việc lấy mật, bẫy thú rừng, bẫy chim… được thực hiện vào tháng nào. Đây cũng chính là kinh nghiệm sinh hoạt kinh tế của đồng bào Cơtu.

Qua việc ấn định trên đây, cho thấy rằng tuy ở một dạng hình kinh tế sản xuất còn thấp nhưng sự nhận thức của con người trước thiên nhiên, trước quy trình sản xuất được tích luỹ và nâng lên thành một hệ thống cả về chu kỳ thời gian đi đôi với công việc. Tuy rằng nền sản xuất ấy mang lại hiệu quả

bấp bênh nhưng chính đồng bào Cơtu đã từ thực tế đó luôn vươn tới sự hoàn thiện trong nhận thức và cách làm đối với loại hình kinh tế chủ yếu của mình.

Về nguồn gốc và quá trình tộc người, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ học ở vùng cư trú của đồng bào Cơtu. Trước khi cách mạng đến với đồng bào, người Cơtu chưa có chữ viết. Hơn nữa, địa vực cư trú của người Cơtu hiểm trở, đi lại khó khăn và trong mối quan hệ xã hội cổ truyền còn nặng tính cộng đồng nguyên thuỷ nên sự xâm nhập nghiên cứu của các nhà khoa học trước đây chưa được bao nhiêu.

Về tộc danh, cho đến nay trên các văn bản của Nhà nước đều được công bố là Cơtu (tổng điều tra dân số: 1.4. 1979 của Tổng cục Thống kê). Như vậy về mặt pháp lý thì tộc danh của dân tộc Cơtu viết là “Cơtu”. Cơ sở để quyết định tộc danh này là do kết quả nghiên cứu của các nhà dân tộc thuộc học viện Dân tộc học- Uỷ ban khoa học- xã hội (nay là Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia).

Qua các tài liệu khoa học đã được công bố trong phạm vi cả nước và ngoài nước thì cho đến nay dân tộc Cơtu được khẳng định là dân tộc cận cư ở phía Bắc và phía Nam, đều là các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn Khơmer. Như vậy, ngữ hệ này nằm ở một khu vực tương đối rộng lớn, tập trung kéo dài từ Bắc Trường Sơn vào đến Bắc Tây Nguyên mà trong đó có dân tộc Cơtu.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu về mặt ngôn ngữ và một số yếu tố về văn hoá giữa dân tộc Cơtu với dân tộc Tà ôi, một số nhà nghiên cứu phát hiện nhiều yếu tố đồng nhất, trong đó thể hiện phần lớn những đặc trưng cơ bản của dân tộc Cơtu. Vì thế đã có ý kiến cho rằng ngôn ngữ của dân tộc này nằm trong ngữ hệ Môn- Khơmer, nhưng trong ngữ hệ đó lại có một nhánh lớn là “Cơtu- ít” (một phân nhánh ngữ hệ). “Cơtu- ít” này bao gồm cả dân tộc Tà ôi, Bru- Vân Kiều.

Theo cứ liệu điều tra của Sở Văn hoá- thông tin tỉnh Quảng Nam: “Người Cơtu từ bên Lào di cư sang khoảng 300 năm nay, cư trú ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và ở Phú Lộc (Bình Trị Thiên) nay là huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên- Huế. Là một trong những dân tộc lâu đời nhất ở Việt Nam, đồng bào Cơtu cho rằng ông bà xưa kia ở miền tây Quảng Bình, Quảng Trị do đi tìm đất để trồng trọt nên đã thiên di vào phía Nam. Các cư dân Môn- Khơmer làm chủ ở vùng Đông Dương từ những thế kỷ trước công nguyên, theo tài liệu về nhân chủng học thì các cư dân Môn –Khơmer cùng với cư dân thuộc các nền văn hoá như Mã Lai đa đảo (MaLai- Pôlinêdi), Việt- Mường… là những cư dân đại diện đầu tiên của chủng tộc Môngôlôit phương Nam xuất hiện ở Đông Nam Á. Còn ở vùng bán đảo Đông Dương các cư dân này là những người Anhđônêdiên nguyên thuỷ mà trước Anhđônêdiên là các cư dân thuộc chủng tộc Môngôlôit. Như vậy dễ dàng khẳng định các cư dân Môn – Khơmer trong đó có dân tộc Cơtu là những cư dân có mặt tại bán đảo Đông Dương từ lâu đời” [33, tr.19- 20].

Theo cứ liệu của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, thì những cư dân chiếm cứ vùng miền núi phía Bắc Tây Nguyên là khối cộng đồng các dân tộc Bana, Xơ đăng, Giẻ-Triêng. Một huyền thoại khá thống nhất của khối cộng đồng Cơtu và cả Xơ đăng, Giẻ-Triêng và Cor kể rằng: một số vùng dân tộc Môn- Khơmer vùng Nam Lào có huyền thoại về tổ tiên chung đầu tiên của họ là người đàn bà và con chó (chuyện kể sau một trận lũ lụt lớn ngập khắp núi rừng, sau khi nước rút, trên mặt đất chỉ còn lại một người đàn bà và một con chó sống sót).

Người Cơtu chính là hậu duệ của người nguyên thuỷ Anhđônêdiên, có mặt ở khu vực Tây dãy Trường Sơn, họ là cư dân của bán địa vùng miền núi phía tây Quảng Nam và một phần phía đông tỉnh Xê Kông Lào, và kéo dài ra miền tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Do vậy, người Cơtu là chủ thể của vùng núi Quảng Nam.

Một phần của tài liệu VẤN ĐỀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC CƠTU Ở TỈNH QUẢNG NAM HIỆN NAY (Trang 42 - 47)