Thị trường hối đoái là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch, mua bán ngoại tệ và các phương tiện thanh toán có giá trị ngoại tệ khác. Đây cũng là nơi hình thành tỷ giá hối đoái theo quan hệ cung cầu, là một bộ phận của thị trường tài chính có trình độ phát triển cao.
Thị trường hối đoái không tồn tại trong 1 không gian cụ thể nhất định mà hoạt động của nó thông qua các phương tiện thông tin hiện đại; có tính quốc tế hóa cao; giao dịch mua bán các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi; giao dịch với khối lượng lớn.
Thành lập từ năm 1991, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều thăng trầm, thị trường hối đoái Việt Nam đã có một bước phát triển đáng kể về quy mô cũng như loại nghiệp vụ giao dịch. Tuy vậy, các chuyên gia tài chính vẫn hết sức thận trọng khi nhìn nhận hướng phát triển của thị trường này.
Những dấu mốc đáng lưu ý
Năm 1991, Trung tâm Giao dịch ngoại tệ được thành lập và hoạt động với mục tiêu: Thiết lập thị trường ngoại hối chính thức cho giao dịch giữa ngân hàng và các đơn vị kinh tế; Đánh giá và đo lường cung cầu ngoại tệ trên thị trường; Quyết định tỉ giá chính thức hợp lý giữa USD và VND; Chuẩn bị những điều kiện ban đầu cho việc hình thành thị trường tài chính trong tương lai.
Năm 1994, Trung tâm Giao dịch ngoại tệ chấm dứt hoạt động thay vào đó là thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nhằm xây dựng một thị trường có tổ chức cho giao dịch ngoại tệ giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) và tạo cơ sở hình thành thị trường ngoại hối hoàn chỉnh trong tương lai. Trước năm 1998, trên thị trường các giao dịch chủ yếu là giao dịch giao ngay. Kể từ năm 1998, giao dịch ngoại tệ kỳ hạn và hoán đổi mới chính thức được đưa vào giao dịch.
Cho đến nay, thị trường ngoại hối Việt Nam đã có một bước phát triển đáng kể về quy mô cũng như loại nghiệp vụ giao dịch, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và NHTM trong và ngoài nước. NHTM đóng vai trò nòng cốt trên thị trường ngoại hối và đóng vai trò trung gian trong các giao dịch kinh doanh ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho khách hàng là các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty xuất nhập khẩu. Ngoài ra, các NHTM còn mua bán ngoại tệ với nhau trên thị trường nhằm mục tiêu thu lợi nhuận và đảm bảo cân bằng trạng thái ngoại tệ khi cần để giảm thiểu rủi ro.
Diễn biến những năm gần đây
Năm 2009, tỉ giá USD/VND tiếp tục đà tăng trong 4 tháng đầu năm, đặc biệt sau khi NHNN thực hiện nới rộng biên độ tỉ giá lên ±5% khiến cho tỉ giá ngoại tệ liên NH đã có đợt tăng đột biến.
Năm 2010, giá USD đã tăng khá mạnh trong năm 2009, sang đến tháng 1/2010 lại giảm nhẹ và tiếp tục dao động quanh mức 18.479đồng/USD cho đến giữa tháng 2/2010. Nguyên nhân là do: Nguồn cung USD có thể tăng từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp; từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức; từ vốn đầu tư gián tiếp; từ nguồn kiều hối từ Việt kiều và từ lao động làm việc ở nước ngoài gia tăng; nguồn thu từ khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng trở lại; kim ngạch xuất khẩu chuyển từ tăng trưởng âm (-) sang tăng trưởng dương (+)… Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng, sức ép tâm lý găm giữ USD do lo sợ rủi ro tỉ giá giảm, chênh lệch giữa giá thị trường tự do với giá niêm yết trên thị trường chính thức đã giảm đáng kể. Đến cuối năm 2010, thị trường ngoại hối VN rơi vào tình trạng căng thẳng khi cầu ngoại tệ quá lớn, trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Điều này khiến cho giá USD/VND tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.
Năm 2011 khá đặc biệt, gắn với sự chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Về hình thức biến động của tỷ giá, năm 2011 như được chia thành hai nửa đối lập: nửa căng thẳng với việc phá giá mạnh chưa từng có trong lịch sử và nửa bình yên với việc điều chỉnh không quá 1%.
Năm 2011 được bắt đầu bằng sự leo thang của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do, mà gốc rễ bắt nguồn từ sự chuyển giao cũng khá đặc biệt trong năm 2010…
11-2-2011: lần đầu tiên trong lịch sử Ngân hàng Nhà nước có quyết định tăng tỷ giá mạnh đến như vậy, với 9,3% đi cùng với việc siết biên độ từ +/-3% xuống còn +/-1%. Có nhiều lý giải đặt ra quanh con số 9,3% đó. Thứ nhất, đó là sự giải phóng áp lực dồn nén quá lớn sau một thời gian tương đối dài. Thứ hai, nhà điều hành muốn một bước để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai tỷ giá. Thứ ba, nhà điều hành đã sòng phẳng hơn và theo yêu cầu của thị trường… Và một điểm quan trọng của nó là xóa bớt kỳ vọng sẽ tiếp tục phá giá trong năm 2011 ở giới đầu cơ, hay trong tâm lý thị trường. Giá trị này đến nay đã đúng.
Mọi điều chỉnh của chính sách thường có độ trễ. “Sự kiện 11/2/2011” cũng vậy. Phải đến đầu tháng 4-2011 tỷ giá mới bắt đầu có dấu hiệu bình ổn. Cùng với sự điều chỉnh trên, dấu hiệu đó là kết quả của loạt giải pháp Ngân hàng Nhà nước triển khai mà giới quan sát
vẫn dùng từ “ép” hay “vắt cung ngoại tệ”. Đó là cơ chế áp và siết trần lãi suất huy động USD, thực hiện kết hối và mở rộng đối tượng kết hối, xử lý loạt giao dịch bất hợp pháp trên thị trường tự do… Thêm vào đó, tín dụng ngoại tệ vẫn tăng cao tạo một nguồn cung thương mại từ vốn chuyển đổi cho thị trường; sự chuyển đổi vốn ngoại tệ sang VND cũng có ở các ngân hàng thương mại khi chênh lệch lãi suất cho vay quá hấp dẫn với khoảng 300% càng tạo cung cho thị trường…
Ngày 29-4-2011 trở thành mốc sự kiện quan trọng cho quãng bình yên của tỷ giá về sau... Với những yếu tố trên, thị trường ngoại hối năm 2011 đón sự kiện ngày 29-4. Sự kiện này bắt nguồn từ những giải pháp, yếu tố tạo cung nói trên, mà điển hình là sự hy hữu có trong hoạt động của các ngân hàng thương mại: chào mời doanh nghiệp mua ngoại tệ.
Thực tế, cung thuận lợi đã tạo một sự đứt gãy rõ rệt trên đường hiển thị biến động tỷ giá, quãng từ 19/4 - 28/4/2011. Giá USD liên tục lao dốc chóng mặt, từ 20.940 VND rơi xuống còn 20.590 VND. Để rồi ngày 29-4 trở thành mốc sự kiện quan trọng khi Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng mạnh giá mua vào USD. Điểm đánh dấu quan trọng cho “nửa sau bình yên” của tỷ giá 2011 nằm ở đây.
Từ 29-4 và nối dài sau đó, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào. Trạng thái dự trữ ngoại tệ có sự cải thiện mạnh và nhanh chóng. Bên lề nhật ký của diễn biến này có một
điểm được ghi nhận: trước khi chuyển giao nhiệm vụ, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã “trả lại” một phần đáng kể cho năng lực dự trữ ngoại tệ.
Ngày 7-9-2011, một tháng sau khi tân Thống đốc tiếp nhận nhiệm vụ điều hành, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị ngành, và tại đây thông điệp được đưa ra: nếu điều chỉnh tỷ giá USD/VND thì từ nay (tại ngày 7-9) đến cuối năm không quá 1%.
Nửa sau năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối. Bên cạnh công tác quản lý điều hành, nhật ký biến động tỷ giá 2011 đã chứng kiến một sự hậu thuận lớn từ những yếu tố vĩ mô. Nhập siêu đã giảm rất mạnh trong năm nay và đặc biệt là sự trở lại ấn tượng của trạng thái thặng dư cán cân tổng thể (dự tính thặng dư tới 3,1 tỷ USD).
Trên thị trường chính thức, tỉ giá giao dịch của các NHTM thường ở mức thấp hơn biên độ tối đa theo quy định (1% so với tỉ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố); xen kẽ những ngày tăng, tỉ giá đã có nhiều ngày đứng và nhiều ngày giảm, đây là điều hiếm thấy trước đây.
Khi thị trường tự do bị thu hẹp, chênh lệch tỉ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức giảm thiểu, tỉ giá cơ bản ổn định và có xu hướng giảm, đã tạo thời cơ để NHNN mua vào ngoại tệ. Theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 7, NHNN đã mua được 5 tỉ USD dự trữ ngoại hối, một động thái mà từ giữa năm 2008 đến trước tháng 5/2011 chưa thực hiện được. Các doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng; bước đầu chuyển dần quan hệ huy động và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ giữa ngân hàng với khách hàng; việc niêm yết giá thanh toán, mua – bán trực tiếp bằng ngoại tệ đã được thu hẹp.
Xu thế phát triển
Kết quả tổng quát của việc ổn định thị trường ngoại tệ là góp phần vào việc chống đôla hóa, vàng hóa nền kinh tế, góp phần vào việc ổn định tâm lý, tạo tiền đề thực hiện việc kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng chưa thể chủ quan, bởi thị trường ngoại tệ còn đứng trước những thách thức không nhỏ.
Chênh lệch quá lớn giữa lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đổ xô đi vay USD, sau đó bán ra lấy VND để phục vụ sản xuất kinh doanh, làm cho nguồn cung ảo USD trên thị trường gia tăng. Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, cung ảo này sẽ biến thành cầu thực khi các khoản vay đến kỳ đáo hạn và sẽ tạo áp lực lên tỉ giá những tháng cuối năm.
Nhập siêu liên tục tăng lên trong các tháng đầu năm làm cho cán cân thương mại, cán cân thanh toán bị mất cân đối, tạo sức ép lên tỉ giá. Mặt khác, theo thống kê từ đầu năm đến nay, nguồn ngoại tệ từ đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, nguồn kiều hối sẽ khó tăng cao so với năm trước. Nguồn ngoại tệ từ đầu tư gián tiếp, hỗ trợ phát triển chính thức và khách quốc tế đến Việt Nam có thể tăng, nhưng không có ý nghĩa quyết định.
Tốc độ tăng CPI tuy đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao, nên yếu tố lạm phát vẫn hiện hữu. Người có vốn có thể vẫn chưa hết kỳ vọng vào các nơi “trú ẩn” an toàn, trong đó có ngoại tệ.
Các chính sách như thắt chặt tiền tệ, dẹp bỏ thị trường chợ đen, giảm mức trần lãi suất huy động USD… chỉ tác động ngắn hạn đến tỉ giá. Sự biến động tỉ giá trong dài hạn tùy thuộc vào mức độ nhập siêu và chỉ số lạm phát của Việt Nam trong tương lai. Và về lâu dài, để giải quyết tốt bài toán tỉ giá ở Việt Nam, cần phải giải quyết một cách căn bản bài toán nhập siêu và lạm phát nhằm tạo dựng lòng tin vững chắc vào tiền đồng.