Đặc điểm kinh tế, xã hội, dân cư vùng ven biển Thừa Thiên Huế

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa tâm lý xã hội với sự phát triển dân số ở vùng ven biển thừa thiên huế hiện nay (Trang 49 - 53)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Đặc điểm kinh tế, xã hội, dân cư vùng ven biển Thừa Thiên Huế

Vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế tiếp giáp với biển Đông về phía Đông Bắc, dọc theo bờ biển dài 128 km từ Điền Hương (Phong Điền) đến thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc). Theo địa giới hành chính, vùng ven biển Thừa Thiên Huế bao gồm 32 xã, thị trấn thuộc địa bàn của 5 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 93.490 ha (chiếm 18,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Đây được xem là vùng có vị trí chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Nơi đây có nhiều tiềm năng về rừng, biển, đầm phá, du lịch, dịch vụ và cảng biển cho phép phát triển thành một vùng kinh tế trọng điểm với nhiều ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng xuất khẩu và bền vững của Thừa Thiên Huế. Tuy vậy, vùng này vẫn còn khó khăn do cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, năng suất lao động thấp, sản xuất hàng hóa và xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhiều chương trình dự án trọng điểm phát triển vùng ven biển, đầm phá, bao gồm: Phát triển khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, phát triển du lịch ven biển và đầm phá, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo tồn gen, bảo vệ môi trường biển và đầm phá, tái định cư và xóa đói, giảm nghèo dân thủy diện, ven biển và những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai, sắp xếp nò sáo và chuyển nghề trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là thủy lợi, đê điều vùng ven biển, ven đầm phá.

Vùng ven biển hiện đang phát triển mạnh ngành nuôi, trồng thuỷ sản trong nước lợ, nước mặn ven biển, đồng thời phát triển và đa dạng hoá các ngành nghề để tạo khả năng tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển và đầm phá. Diện tích nuôi trồng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đã đạt gần 5.500 ha. Trong những năm qua, nuôi tôm trên cát đã phát triển mạnh, với diện tích 130 ha ở vùng cát Ngũ Điền (Phong Điền) và Vinh An (Phú Vang). Năng suất bình quân tôm nuôi đạt gần một tấn/ha, sản lượng tôm nuôi đạt hơn 3.500 tấn. Sản lượng cá nước lợ đạt 475 tấn, sản lượng cua 200 tấn... Mô hình chuyển đổi theo hướng nuôi xen ghép (tôm - cá), kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả kinh tế, hạn chế được dịch bệnh và tình trạng ô nhiễm môi trường. Hầu hết các hộ có lãi bình quân 20 - 40 triệu đồng/ha.

Từ khai thác sông đầm và sản xuất nông nghiệp cho năng suất thấp nay chuyển sang nuôi trồng thủy sản có giá trị cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 21 nghìn lao động. Số lượng các tầu tham gia khai thác thủy sản biển trong tỉnh đạt 1.635 chiếc với tổng công suất máy 41.513 CV, trong đó có 140 tàu khai thác hải sản ven biển.Ðội tàu khai thác xa bờ được trang bị khá đồng bộ góp phần nâng cao sản lượng khai thác biển, tăng hiệu quả và mở rộng ngư trường đánh bắt. Khai thác biển phát triển mạnh ở vùng ven biển, đã chuyển đổi nhận thức, tập quán của ngư dân từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ có năng suất và hiệu quả cao, phục vụ xuất khẩu, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Vùng ven biển và đầm phá được tập trung phát triển toàn diện cả nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng về điện, đường, trường, trạm được đầu tư theo hướng kiên cố hóa. Xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ đột phá của Thừa Thiên Huế. Nhiều cây cầu nối thông các

vùng đã được hoàn thành như cầu: Trường Hà, Thuận An, Tư Hiền, Ca Cút... Tuyến quốc lộ 49B, các đường ngang, hệ thống giao thông liên huyện, liên xã đã được cải thiện đáng kể, nhất là hạ tầng quan trọng của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đường ven đầm Lập An, đường tây cảng Chân Mây đã được đầu tư khá đồng bộ. Cảng nước sâu Chân Mây đã đón được tàu chuyên dụng sức chở hơn 30.000 tấn và tàu khách du lịch hơn 2.000 khách. Ðến nay, đã có 33 dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 1,9 tỷ USD tại Chân Mây - Lăng Cô.

Du lịch biển và đầm phá cũng là thế mạnh của Thừa Thiên Huế khi vùng biển, đầm phá có nhiều tiềm năng. Ngoài những bãi biển đẹp nổi tiếng (Lăng Cô trở thành một trong 33 vịnh biển đẹp nhất thế giới), Thừa Thiên Huế còn có nhiều bãi biển nguyên sơ khác như: Cảnh Dương, Thuận An, Chân Mây, Vinh Thanh... được xếp vào danh mục "Bờ biển mặt trời mọc" như một thương hiệu du lịch nhằm kết nối những bãi biển đẹp của miền trung, là nơi thuận lợi cho việc tổ chức nhiều loại hình du lịch khác nhau, như du lịch biển, đầm phá, nghỉ dưỡng, giải trí tổng hợp cao cấp tại các bãi biển, nhanh chóng hình thành các tour, tuyến du lịch Huế - Cảnh Dương - Cù Dù - Lăng Cô - Sơn Chà, tuyến du lịch đường biển Lăng Cô - Sơn Chà - Đà Nẵng - Hội An. Ở phía nam của tỉnh, nhiều dãy núi cao lấn sát ra biển với các ghềnh đá xen kẽ các bãi tắm rất thuận lợi để hình thành tổ hợp du lịch biển cao cấp. Các điểm du lịch sinh thái được đưa vào khai thác phục vụ khách trên phá Tam Giang, rú Chá, sinh thái biển đảo Sơn Chà... Các làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời cũng là những nét văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch.

Bờ biển Thừa Thiên Huế còn ôm trọn vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (hệ thống đầm phá đẹp liên hoàn: Phá Tam Giang và các đầm Sam, Chuồn, Thủy Tú, Hà Trung, Cầu Hai) được xem như vùng ven biển nhiệt đới, thuận lợi cho việc khai thác du lịch sinh thái. Hệ thống đầm phá này kéo dài

gần 70 km, phong phú về động thực vật và lớn nhất khu vực Đông Nam Á này không những giữ vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Đời sống nhân dân phụ thuộc chủ yếu vào các hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển, vì vậy, nghề nghiệp chủ yếu là đánh bắt, chài lưới. Do trình độ sản xuất ở đây còn thấp nên đời sống nhân dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê cho thấy các phương tiện đánh bắt của ngư dân ven biển trên 90% là nhỏ lẻ, chỉ để phục vụ đánh bắt gần bờ. Các phương tiện để đánh bắt xa bờ ít. Trình độ văn hoá và chuyên môn của các huyện thị ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung là khá thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Tỉ lệ trẻ em trên 13 tuổi đến trường là 72%. Tỉ lệ học sinh học hết lớp 12 là rất thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do các em đã phải sớm tham gia lao động cùng gia đình để kiếm sống. Hơn nữa, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Khi có thiên tai xảy ra việc các em phải nghỉ học là chuyện thường xuyên. Khó khăn trong việc nâng cao trình độ văn hoá cho trẻ em vùng ven biển Thừa Thiên Huế là dân cư 81% vùng ven biển và sống không tập trung. Do đó rất khó để đưa các em đến trường khi mà chính cha mẹ các em cũng không tỏ ra mấy quan tâm đến vấn đề này. Hơn nữa vùng ven biển Thừa Thiên Huế còn có khó khăn khi mùa mưa lũ đến, các trường lớp thường phải đóng cửa. Trong khi đó, chuyên môn chủ yếu dựa trên cơ sở cha truyền con nối, kinh nghiệm. Điều này cũng gây trở ngại khi đưa các phương tiện sản xuất, phương tiện đánh bắt hiện đại vào khai thác

Đặc thù là vùng có dân cư tập trung đông đúc, khoảng 456.938/1.103.136 người (chiếm 41,42% dân số toàn tỉnh). Mật độ dân số khoảng 329 người/km2. Mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh, mức giảm chưa vững chắc, chưa đồng đều, có xu hướng tăng, nhu cầu sinh con đông còn cao, nhất là sinh con trai, tỷ số giới tính khi

sinh 116 bé trai/100 bé gái. Tổng tỷ suất sinh 2,5, tỷ suất sinh thô 16%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,2%/năm.

Giống như tất cả các vùng ven biển của miền Trung Việt Nam, vùng ven biển của Thừa Thiên Huế mang đầy đủ các đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực này. Tuy vậy, vùng ven biển Thừa Thiên Huế còn phải gánh chịu các khắc nghiệt của khí hậu miền Trung là nắng lắm mưa nhiều, lụt lội, thiên tai hàng năm hoành hành dữ dội. Với điều kiện khắc nghiệt này, nó không chỉ làm thành một khía cạnh khác biệt của tâm lý xã hội trong cộng đồng dân cư ở đây về mưu sinh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề dân số và sự phát triển của dân số ở khu vực này.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa tâm lý xã hội với sự phát triển dân số ở vùng ven biển thừa thiên huế hiện nay (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w