Người thường không hay vận động, một khi tham gia vận động mạnh, vì lượng vận động nhiều nên cục bộ cơ bắp có hiện tượng đau mỏi. Đó là điều rất tự nhiên. Nhưng nguyên nhân đau mỏi thực chất là do đâu? Thông thường, sự đau mỏi có liên quan với lượng hấp thu, đào thải của cơ bắp. Ví dụ, khi đấu bóng rổ, trong quá trình thi đấu, ta phải chạy nhanh, chạy nhiều và làm đủ loại động tác; như vậy, cơ bắp toàn thân, đặc biệt là cơ chân, phải co bóp mạnh và liên tục. Cơ bắp co bóp phải tiêu hao năng lượng nhiều, năng lượng được cung cấp nhờ phản ứng hóa học của các chất xảy ra trong cơ bắp.
Các biến đổi hóa học trong cơ bắp có hai loại: một là hấp thu, đào thải không có ôxy tham gia phản ứng hóa học, hai là có ôxy tham gia phản ứng đào thải. Trong phản ứng không có ôxy, các chất như Ado photphoric, đường nguyên (là chất cung cấp năng lượng) trong cơ bắp bị phân giải, đồng thời giải phóng năng lượng cung cấp cho cơ bắp co bóp. Đường nguyên trong điều kiện thiếu ôxy sẽ phân giải thành axit lactic. Khi hấp thu đào thải có ôxy, axit lactic bị ôxy hóa biến thành nước và CO2; đồng thời với quá trình đó, năng lượng cũng được phóng thích. Nhưng không phải tất cả axit lactic đều bị ôxy hóa mà phần còn lại được biến thành đường nguyên, lưu giữ trong gan.
Ở người ít vận động, khi ngẫu nhiên vận động mạnh, vì thiếu máu cung cấp cho cơ bắp nên cơ bắp thiếu ôxy, axit lactic không được ôxy hóa kịp thời, tích tụ lại trong cơ bắp. Lượng axit lactic quá nhiều sẽ kích thích các cơ quan cảm thụ hóa học (tổ chức chịu sự kích thích của các chất hóa học) trong cơ bắp, hoặc chính sự tích tụ của chất này gây nên áp lực thẩm thấu, khiến cho tổ chức cơ bắp hấp thu nhiều nước, dẫn đến phù nước cục bộ, khiến cho cơ bắp có cảm giác đau mỏi. Hiện tượng này không gây hại nhiều, qua mấy hôm sẽ tự khỏi. Nếu đau mỏi dữ dội, có thể tắm nước nóng và xoa bóp để chỗ đau mỏi tăng tuần hoàn máu, giảm nhẹ dần và tự khỏi.
Cũng có nhà khoa học cho rằng, đau mỏi là do việc vận động làm cho cơ bắp mỏi mệt, các thớ thịt trong cơ bắp co giãn không đồng đều, sinh ra sự rối loạn nhẹ. Trong trạng thái đó, mạch máu bị dồn ép, máu không lưu thông khiến cho cơ bắp thiếu ôxy. Gặp trường hợp đó, nên thông qua phản xạ thần kinh khiến cho cơ bắp thư giãn, hiện tượng đau mỏi sẽ giảm dần.
Vậy có thể tránh hoặc giảm nhẹ tình trạng cơ bắp bị đau mỏi không? Muốn vậy, trước khi vận động phải chuẩn bị tốt, lượng vận động nên tăng dần, sau khi kết thúc phải làm động tác thư giãn hay xoa bóp. Điều này có thể sẽ giảm nhẹ hoặc tránh cơ bắp phát sinh đau mỏi.