Quỹ bình ổn giá

Một phần của tài liệu Giải pháp quản lý và bình ổn thị trường xăng dầu tại việt nam (Trang 72 - 74)

Ngăn ngừa tác động tự phát của giá xăng dầu trên thị trường thế giới vào hệ thống giá xăng dầu trong nước, đẩy giá bán trong nước lên quá cao hoặc giảm quá thấp không hợp lý, khuyến khích cạnh tranh về giá.

Hộp 3.3

- Nhóm giải pháp về cơ chế quản lý giá:

o Quỹ bình ổn giá;

o Thực hiện quản lý giá tập trung 01 đầu mối;

o Hoàn thiện cơ chế quản lý giá thị trường có định hướng của nhà nước;

o Sử dụng linh hoạt chinh sách thuế, phí, phụ thu;

Quỹ bình ổn là một lựa chọn tốt, hiệu quả cho giải pháp này. Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam không phải là câu chuyện mới. Quỹ này đã được đề cập đến từ năm 1993, tuy nhiên từ năm 2009 mới được triển khai áp dụng thực tế. Tuy nhiên, việc trích và sử dụng quỹ này vẫn còn nhiều bàn cãi.

Tuy vậy, đánh giá áp dụng quỹ bình ổn thời gian qua, quỹ này cũng đã có một số tác động tích cực, đáng kể nhất là đã tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác. Từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ Bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn, ví dụ: nếu không được sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì ngay trong thời điểm Tết nguyên đán 2011 vừa qua đã phải điều chỉnh giá lên 700 – 1.200 đồng/lít, kg tùy theo từng chủng loại xăng dầu mà không thể giữ ổn định giá cho đến ngày 24/2/2011 mới điều chỉnh giá và mức giá phải tăng từ 3.510 – 5.850 đồng/lít,kg chứ không phải mức tăng chỉ từ: 2.110 – 3.550 đồng/lít,kg; hơn nữa, nếu không có Quỹ Bình ổn giá sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, ví dụ: từ ngày 22/10/2010 đến ngày 24/2/2011 sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu ít nhất 4 lần tương ứng với các lần tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Việc sử dụng quỹ bình ổn là một giải pháp rất đúng, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng quỹ này, tuy nhiên điều quan trọng là vận hành nó như thế nào.

Về lý thuyết, Quỹ bình ổn giá sẽ được thành lập và xây dựng từ nguồn lợi nhuận thu được từ dầu thô và lợi nhuận do hoạt động kinh doanh xăng dầu khi thị trường xăng dầu thế giới xuống thấp. Khi thị trường thế giới có biến động tăng giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nguy cơ bị lỗ thì xuất từ quỹ này bù lỗ cho các doanh nghiệp, thay vì phải xuất từ ngân sách. Để xây dựng thành công quỹ này, cần chú ý các điểm sau:

- Việc trích cũng như sử dụng quỹ phải được tính toán thận trọng mức trích, mức sử dụng. Tùy quy mô doanh nghiệp mà áp dụng mức trích phù hợp (hiện nay mức trích, sử dụng là như nhau).

- Việc xây dựng và điều hành Quỹ bình ổn giá phải trên nguyên tắc công khai, dân chủ. Đây không phải chiếc bánh để chia phần mà là dự trữ phòng quốc gia chống rủi ro nhất là khi xu hướng giá dầu ngày càng tăng. Do đó các doanh nghiệp cần tự giác ý thức việc mình làm giống như hành vi bỏ ống tiết kiệm và chính phủ cần quyết liệt hơn, minh bạch hơn trong vấn đề này.

- Việc thực hiện xây dựng Quỹ bình ổn giá không nên chỉ coi là nhiệm vụ của ngành xăng dầu mà nên được coi là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức cũng như cá nhân sử dụng loại nguyên liệu quý hiếm này.

Một phần của tài liệu Giải pháp quản lý và bình ổn thị trường xăng dầu tại việt nam (Trang 72 - 74)