Cuộc tranh chấp giữa Anh và Pháp tại Mianma

Một phần của tài liệu Quá trình tranh chấp thuộc địa của các nước phương tây ở khu vực đông nam á từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX (Trang 79 - 81)

B. NỘI DUNG

2.3.Cuộc tranh chấp giữa Anh và Pháp tại Mianma

Miến Điện nằm ở phía Tây bán đảo Trung Ấn, 3 mặt đông - tây - bắc đều có những dãy núi cao và hiểm trở bao bọc. Miến Điện có 2/3 diện tích là rừng, trong đó có nhiều gỗ quí đặc biệt là gỗ tếch dùng để đóng tàu thuyền rất tốt, nơi đây có nhiều khoáng sản quí như kim loại màu và ngọc nhưng trữ lượng không lớn.

Thực dân phương Tây có mặt ở Miến Điện từ rất sớm, đầu tiên là các thương nhân Vênêxia, Nga vào thế kỷ XV. Sang thế kỷ XVII có thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Còn thế kỷ XIX Anh độc chiếm Miến Điện qua 3 cuộc chiến tranh Anh - Miến.

Vào thế kỷ XVII người Bồ Đào Nha đã tiến hành truyền đạo Thiên chúa ở Hạ Miến Điện và ở Aracan nhưng người Bồ Đào Nha sớm can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ ở Miến Điện nên bị trục xuất khỏi đây. Năm 1610 Hà Lan do có công giúp Rakhain đánh đuổi Bồ Đào Nha nên được quyền hoạt động ở Rakhain và được miễn thuế ở đây nhưng sau đó Hà Lan lại dính líu vào cuộc chiến Rakhain - Bengan nên họ lại bị buộc phải đi khỏi Rakhain. Năm 1635 Công ty Đông Ấn Hà được phép đặt phòng thương mại ở Xyrian dù phải nộp 1 khoản thuế khá cao (16,5%) nhưng số lợi nhuận mà Công ty thu được vẫn hết sức lớn khoảng 40%, người Hà Lan đã đòi độc quyền buôn bán ở đây nhưng không được Miến Điện chấp nhận. Dần dần dưới sức ép cạnh tranh của các thương nhân người Miến, Môn, Ấn Độ mà lợi nhuận Hà Lan thu được ngày càng giảm. Trong năm 1665 xảy ra cuộc khủng hoảng giữa người Hà Lan và Aracan có liên quan tới vụ xung đột Aracan - Bengan, do đó năm 1665 được coi là năm chấm dứt các hoạt động buôn bán

giữa Hà Lan và Aracan. Người Anh dần thắng người Hà Lan trong cuộc tranh giành gia vị, hương liệu và dần củng cố vị trí của mình ở Miến Điện. Sau đó các nước Tây Âu nhận thấy cần phải nhanh chóng củng cố vững chắc vị trí của mình khi mà có tin đồn rằng: bất kì lúc nào chính phủ Miến Điện, Xiêm hoặc Mã Lai cũng có thể đuổi các thương nhân ra khỏi nước mình và tịch biên tài sản của họ. Từ cuối thế kỷ XVII người Anh, Hà Lan sau đó là người Pháp đã chuyển sang chính sách xâm chiếm biến Miến Điện thành thuộc địa của mình. Thế kỷ XVIII quan hệ Anh - Pháp gay gắt trong cuộc chạy đua can thiệp vào công việc nội bộ Miến Điện. Nó đánh dấu bằng sự kiện vua Alaun Pai khi ông tiến quân chinh phục người Môn ở Hạ Miến. Công ty Đông Ấn Anh đã giúp người Miến còn Công ty Đông Ấn Pháp ủng hộ người Môn. Nhưng lúc này Miến Điện còn đủ sức mạnh để ngăn cản hai kẻ thù đang cạnh tranh nhau ngay trên đất nước mình.

Sang thế kỷ XIX tình hình Miến Điện có nhiều thay đổi, kinh tế sa sút, chính trị khủng hoảng, xã hội rối ren các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp xảy ra. Trong khi các nước phương Tây dần khẳng định vị trí của mình thì cũng cần có thái độ rõ ràng với vấn đề Miến Điện. Khi Pháp đang “ bận bịu” với những quan tâm riêng của mình thì Anh đã xâm chiếm gần hết bán đảo Ấn Độ lập nên xứ Bengan thuộc Anh. Âm mưu của Anh với Miến Điện ngoài nguồn gỗ rất giàu có thì nó còn do hai lý do quan trọng là: Miến Điện gần kề với xứ Bengan thuộc Anh, chiếm được Miến Điện cũng là cách đảm bảo chỗ đứng vững chắc của Anh ở Ấn Độ, chiếm được địa điểm này cũng là mắt xích trung gian trên con đường từ Ấn Độ qua Malăcca đến Thái Bình Dương; có được Miến Điện là căn cứ quan trọng để Anh xâm nhập vào vùng Tây Nam Trung Quốc giàu có mà nhiều nước phương Tây cũng đang nhòm ngó. Những lý do ấy đã thôi thúc các nhà cầm quyền Anh quyết định về vấn đề Miến Điện, đó như là quyết định sống còn với xứ Bengan và để chạy đua với Pháp.

Như vậy ở Miến Điện, Anh dễ dàng khẳng định vị trí độc quyền của mình thông qua 3 cuộc chiến tranh với Miến Điện. Với chính sách “ hợp để trị” không giống bất kỳ quốc gia nào, Anh đã sáp nhập Miến Điện thành một tỉnh của Ấn Độ (thuộc địa của thuộc địa) để dễ bề thực thi các biện pháp cai trị, chia rẽ và bóc lột.

Một phần của tài liệu Quá trình tranh chấp thuộc địa của các nước phương tây ở khu vực đông nam á từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX (Trang 79 - 81)