Cuộc chiến tranh Mĩ – Tây Ban Nha ở Philippin (năm 1898)

Một phần của tài liệu Quá trình tranh chấp thuộc địa của các nước phương tây ở khu vực đông nam á từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX (Trang 87 - 94)

B. NỘI DUNG

2.5. Cuộc chiến tranh Mĩ – Tây Ban Nha ở Philippin (năm 1898)

Philipin là một quốc gia hải đảo trong khu vực ĐNA nhưng D.Hall đã không xếp nước này vào phạm vi lãnh thổ ĐNA trong công trình của mình vì ông cho rằng quốc gia này không có đóng góp gì đáng kể cho sự phát triển của khu vực. Nhưng chúng ta đều biết lịch sử phát triển của Philippin có

nhiều nét tương đồng so với sự phát triển chung của khu vực. Trước khi thực dân phương Tây tới xâm lược thì so với quốc gia ĐNA khác Philippin được đánh giá là nước có trình độ yếu kém hơn cả. Chế độ phong kiến chưa trở nên phổ biến và ở một số nơi dù đã xuất hiện nhưng chưa phát triển đến mức điển hình mà vẫn còn tồn tại chế độ công xã nông thôn, công xã thị tộc với các tàn dư của xã hội nguyên thuỷ. Trong xã hội bao gồm 3 đẳng cấp chính là: Thủ lĩnh, dân tự do và nô lệ nhưng ranh giới giữa thủ lĩnh và dân tự do là không rõ ràng. Chế đô nô lệ vẫn còn tồn tại nhưng không tác động đến sự phát triển của xã hội, tù binh phần lớn có nguồn gốc từ chiến tranh hoặc những người tự do không trả được nợ, nô lệ cũng được mua đi bán lại giống như hàng hoá. Ruộng đất chủ yếu thuộc quyền sở hữu của các công xã nông thôn và công xã thị tộc. Ở vùng phía nam dưới ảnh hưởng của đạo Ixlam thì một số vương quốc đã hình thành quan hệ sản xuất phong kiến một phần được xác lập và cũng đã xuất hiện quan hệ hàng hoá, nhưng ở miền trung và miền bắc thì vẫn còn trong tình trạng chung như trên. Đất đai ở đây phì nhiêu, khí hậu ôn hoà là điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển, có các sản phẩm phổ biến như: mía, dừa, chàm, khoai tây… Nghề chăn nuôi và đánh bắt cá phát triển. Cũng như ở Inđonêxia hải đảo, ở Philippin những vùng nằm ngoài ven biển do dễ dàng tiếp xúc với bên ngoài nên kinh tế phát triển hơn và ngược lại vùng nằm sâu trong nội địa kém phát triển hơn, kỹ thuật canh tác lạc hậu, vũ khí thô sơ, đời sống văn hoá thấp kém họ lấy vỏ cây làm quần áo, chưa biết cách làm nhà mà chỉ lợi dụng những chạc cây to, hốc cây lớn để ở.

Sau cuộc hành trình của Phecđinăng Magienlăng tới Xêbu (nam Philippin) các thuỷ thủ đã trở về châu Âu với những của cải cướp bóc được và những câu chuyện kỳ thú về một bán đảo giàu có đã thúc giục giới thống trị Tây Ban Nha tìm cách chiếm lấy xứ Philippin. Trong hành trình chinh phục phương Đông bất kỳ một quốc gia ĐNA nào cũng bị thực dân phương Tây nhòm ngó đến hoặc là do vị trí địa lý quan trọng của quốc gia đó, hoặc là

sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên hoặc do tầm quan trọng về mặt chiến lược quốc gia đó là điểm dừng chân và làm bàn đạp để tấn công nước khác. Các nguyên nhân ấy cộng với sự suy yếu của chính quyền trung ương nơi chúng chuẩn bị xâm lựơc là điều kiện thuận lợi thúc đẩy bọn thực dân nhanh chóng hành động kẻo nước khác sẽ nẫng mất tay trên. Philippin là trường hợp thứ 3 tức là ngoài nguồn tài nguyên phong phú ra thì Philippin được coi là đầu mối giao thông thương mại của khu vực và thế giới. Tây Ban Nha đã tham gia tranh giành với Bồ Đào Nha về vị trí của chúng ở nhiều quốc gia khác, ở Inđonêxia do thực lực kinh tế của mình cuối cùng Tây Ban Nha đã phải ký với Bồ Đào Nha hiệp ước Saragôsa vào năm 1529 mà chúng ta đã đề cập trong phần trên trong đó có nội dung quan trọng là Tây Ban Nha được quyền mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Philippin. Công cuộc đặt ách thống trị của Tây Ban Nha ở Philippin diễn ra nhanh chóng hơn bất kỳ quốc gia nào khác mà lý do quan trọng nhất là trình độ phát triển ở đây rất thấp kém. Bước tiến của hạm đội Tây Ban Nha ngoại trừ người Môrô ở đảo Minđanao ra thì Tây Ban Nha hầu như không vấp phải sự chống cự nào mang tính chất quyết liệt. Tây Ban Nha xâm chiếm Philippin với 3 mục tiêu chính là: giành phần buôn bán hương liệu, liên hệ với Trung Quốc và Nhật Bản để mở đường cho việc cải đạo của họ, và làm cho nhân dân Philippin theo đạo Cơ Đốc. Nhưng xem ra Tây Ban Nha chỉ đạt được mục đích thứ 3 vì Philippin không phải là trung tâm sản xuất hương liệu còn việc cải đạo ở Nhật Bản và Trung Quốc sang đạo Cơ đốc là ảo tưởng bởi riêng Nhật Bản do sự tranh chấp giữa các thầy tu Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dẫn đến hậu quả là Nhật Bản đã trục xuất các giáo sỹ của 2 nước này ra khỏi Nhật từ 1614 – 1624; tại Trung Quốc thì các tôn giáo bản địa đã ăn sâu bám rễ ở đây không một tôn giáo mới nào đủ sức gạt đi ảnh hưởng của nó. Sự thành công của mục đích thứ 3 sẽ thể hiện rõ trong quá trình độc chiếm Philippin của Tây Ban Nha. Vì ở Philippin thì Tây Ban Nha cũng phải đối phó với âm mưu cạnh tranh của nhiều nước tư bản khác trong

đó có Hà Lan. Người Hà Lan cố chiếm Philippin từ tay Tây Ban Nha để biến nó thành một trung tâm thương mại về hương liệu và tơ tằm. Thái độ thù địch của Hà Lan với Tây Ban Nha ở ĐNA nói chung và Philippin nói riêng có những lý do mang tính chiến lược bên cạnh lý do riêng, đó là: từ các căn cứ quân sự ở Philippin người Tây Ban Nha có thể hỗ trợ đắc lực cho người Bồ Đào Nha tại Malăcca nên sẽ tạo thế liên hoàn giữa Tây và Bồ gây sức ép nguy hiểm cho Hà Lan. Hơn nữa vị trí chiến lược của Manila là trung tâm phân phối về thương mại ở Viễn Đông nên có được Philippin thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội to lớn để phát triển kinh tế. Do đó Hà Lan liên tục quấy nhiễu Philippin. Trong 2 năm 1618 và 1619 các đội tàu Hà Lan đã tiến vào vịnh Manila cướp bóc tàu bè và đến năm 1620 họ lại tấn công tàu Acapulco đi vòng qua Manila nhưng đều thất bại.

Từ tháng 1/1621 đến tháng 5/1622 một hạm đội quân Anh - Hà Lan bắt đầu phong toả Manila ngăn không cho bất kỳ con tàu nào rời vịnh, làm tê liệt mọi hoạt động buôn bán ở hải cảng này.

Năm 1622 Hà Lan lại xây dựng pháo đài trên đảo Bành Hồ (Trung Quốc) để chia cắt các hoạt động thương mại giữa Manila với Trung Quốc và Nhật Bản.

Sau đó các hành động khiêu khích, lấn tới của Hà Lan nhằm đánh bật Tây Ban Nha khỏi Philippin vẫn diễn ra: Tháng 7/1645 người Hà Lan đã cho bắn vào pháo đài Tây Ban Nha ở Jolo nhưng không thu được kết quả gì; năm 1646 có ít nhất 5 trận hải chiến giữa 2 bên nhưng Tây Ban Nha đã đánh bại các đợt tấn công của Hà Lan; đặc biệt năm 1647 Hà Lan đã tổ chức một hạm đội gồm 12 chiến thuyền tấn công vào vịnh Manila, các trận giao tranh giữa 2 bên diễn ra ác liệt nhưng cuối cùng Hà Lan đã phải lui quân do sự liên minh chiến đấu của người Tây Ban Nha và người Philippin. Một năm sau các cuộc tấn công của Hà Lan vào Philippin mới chấm dứt. Vậy là trong giai đoạn đầu người Tây Ban Nha đã chiến đấu chống lại âm mưu của Hà Lan về vấn đề

Philippin. Sự thắng lợi của Tây Ban Nha trong thời kỳ này còn chứng tỏ thành công của người Tây Ban Nha trong âm mưu chiếm đóng Philippin, họ đã cải đạo được phần lớn người dân Philippin theo Thiên chúa giáo nên trong cuộc chống lại Hà Lan, Tây Ban Nha đã nhận được sự ủng hộ hữu hiệu của người Philippin. Sang thế kỷ XIX các nước Anh, Pháp, Mỹ vươn lên mạnh mẽ về kinh tế cũng muốn có được chỗ đứng của mình ở Philippin, Tây Ban Nha bị đe doạ nghiêm trọng. Để đối phó với thực trạng ấy Tây Ban Nha đã nhanh chóng dùng lực lượng quân sự đặt ách thống trị của mình lên toàn bộ lãnh thổ của quần đảo Philippin, nhưng sự thống trị ấy có vững chắc hay không (?) khi mà thực lực kinh tế của nó ngày càng giảm sút còn các nước trên thì ngày càng vươn lên về kinh tế muốn mở rộng thuộc địa trong đó tỏ ra quyết liệt nhất là Mỹ.

Giống như các thuộc địa khác của Tây Ban Nha nhà thờ luôn gắn liền với nhà nước, tại Philippin nhà thờ Thiên chúa giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng đàn ông từ 16 đến 60 tuổi ngoài việc phải đóng 10 Rêan tiền cho chính quyền thực dân thì còn phải đóng 1 rêan cho nhà thờ. Ruộng đất trong nước phần lớn tập trung trong tay giới tăng lữ và quan lại cao cấp. Nhà thờ và nhà nước không tách rời nhau, nhà thờ bên cạnh việc truyền giáo thì nó còn có cả toà án để xử tội, đàn áp những người chống lại chính quyền hay có thái độ phỉ báng giáo hội. Có không ít người dân Philippin yêu nước và lương thiện đã bị nhà thờ Thiên chúa giáo xử treo cổ hay hoả thiêu. Dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Tây Ban Nha nhân dân Philippin liên tục đứng lên đấu tranh theo nhiều khuynh hướng khác nhau, tiêu biểu có phong trào đấu tranh của Hôxê Riđan với “liên minh Philippin” và Bôniphaxiô với tổ chức “Katipunan”. Hoạt động cách mạng của Katipunan giai đoạn lãnh đạo của Bôniphaxiô đã làm cho thực dân Tây Ban Nha vô cùng lo sợ nhưng trong bộ phận lãnh đạo cách mạng có sự tham gia của bọn tư sản và địa chủ, đứng đầu là Aghinanđô, chúng giết chết Bôniphaxiô cướp đoạt thành quả cách mạng. Sau đó ông ta đã phản bội lại

cách mạng, ký thoả ước với chính quyền thực dân Tây Ban Nha còn bản thân chạy sang Hồng Kông tị nạn rồi do lo sợ bị đẩy ra khỏi các phong trào đấu tranh trong nước nên Aghinanđô lại gấp gáp lập nên “hội đồng ái quốc”.

Mĩ ngày càng thấy rõ phải nhanh chóng thế chân Tây Ban Nha ở Philippin vì thực ra mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực phía Tây bờ biển Thái Bình Dưong đã có từ lâu. Mĩ muốn có một căn cứ để làm trạm dừng chân cho các tàu buôn trong hành trình buôn bán với Trung Quốc; trong khi đó Trung Quốc đang bị chia năm xẻ bảy nên Mĩ phải nhanh chóng hành động gấp chiếm lấy Philippin trước khi các nước đế quốc khác nhảy vào (lúc đó Đức cũng có một hạm đội gần Manila). Giống như khẩu hiểu “châu Mĩ của người châu Mĩ” để lừa bịp nhân dân Mĩ Latinh gạt bỏ ảnh hưởng của các nước đế quốc khác độc chiếm Mĩ Latinh. Với vấn đề Philippin Mĩ hô vang khẩu hiệu “bênh vực dân tộc bị áp bức” để ru ngủ lãnh tụ các phong trào giải phóng dân tộc ở đây cũng như là giai cấp tư sản Philippin. Họ đã coi Mỹ như một vị cứu tinh để giải phóng mình thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của Tây Ban Nha hơn 200 năm qua. Nhưng âm mưu của Mĩ bị bóc tẩy qua các hành động của chúng.

Ngày 15/2/1898 tàu chiến Main của Mĩ bị nổ tại vịnh Havana làm bùng nổ lên mối quan hệ Mĩ - Tây Ban Nha. Mặc dù Tây Ban Nha tuyên bố là sẽ sẵn sàng xem xét vấn đề này một cách vô tư theo những điều kiện của Mĩ nhưng Mĩ đã từ chối bởi cái mà Mĩ cần chỉ là một lý do để gây chiến.

1/5/1898 trước hàng vạn con mắt của nhân dân Manila hạm đội Mĩ do Diuây chỉ huy đã tiến vào vịnh Manila mà họ không chịu bất kì một tổn thất nào cả. Lúc này lực lượng Mĩ ở đây chưa đủ để ngay lập tức chiếm Philippin nên chúng đã khôn khéo lợi dụng thành quả cách mạng Philippin để đánh bại thực dân Tây Ban Nha sau đó lại cướp không thành quả cách mang. Cũng trong tháng 5/1898 Aghinanđô về nước, tuyên bố Philippin độc lập, quân cách mạng Philippin đã giành được nhiều thắng lợi, giải phóng được nhiều thành

phố và có thể tiến xa hơn là bao vây Manila đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng ngay lập tức Mỹ đã huy động quân đội đánh chiếm Manila không cho quân cách mạng tiến vào thủ đô. Ngày 29/11/1898 Hiến pháp Malôlôp của nhà nước Philippin được công bố và được đánh giá là thành quả vô cùng to lớn của cách mạng Philippin, Hiến pháp đã tuyên bố chủ quyền thuộc về nhân dân Philippin. Trong lúc cách mạng đang diễn tiến thì ngày 10/12/1898 Mĩ và Tây Ban Nha đã ký hiệp ước chấm dứt chiến tranh mà không có sự tham gia của phái viên của Aghinanđô. Theo hiệp ước này Tây Ban Nha nhường cho Mĩ quần đảo Philippin và Mĩ trả cho Tây Ban Nha 20 triệu USD. Đến lúc này bộ mặt của kẻ xâm lược đã lộ rõ.

Bằng hiệp ước Pari, Tây Ban Nha và Mĩ đã tiến hành một cuộc mua bán quyền độc lập tự chủ của nhân dân Philippin, chà đạp lên lợi ích của dân tộc Philippin.Dưới ách thống trị của Tây Ban Nha hay của Mỹ thì nhân dân Philippin vẫn tiếp tục nổi dậy đấu tranh để giành lại quyền độc lập dân tộc nhưng tất cả đều thất bại. Cái mà cách mạng Philippin thiếu lúc này là một con đường đúng đắn để tập hợp đoàn kết được mọi người dân đi theo.

Như vậy, trong trào lưu chung cùng với các châu lục khác thì châu Á nói chung và ĐNA nói riêng đều không nằm ngoài phạm vi kế hoạch của các nước phương Tây. Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX là quá trình các nước phương Tây xác lập phạm vi thống trị của mình tại ĐNA. Và ĐNA là một trong những khu vực diễn ra các cuộc tranh chấp quyết liệt giữa các nước phương Tây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chính sách thống trị của các nước phương Tây đối với các quốc gia ĐNA ngày một hà khắc hơn, và vì vậy phong trào giải phóng dân tộc ở ĐNA bùng phát mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Quá trình tranh chấp thuộc địa của các nước phương tây ở khu vực đông nam á từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX (Trang 87 - 94)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w