Đặc điểm tâm lý của HS lớp 4 với việc dạy học văn kể chuyện

Một phần của tài liệu Một số biện pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn kể chuyện cho học sinh lớp 4 luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 27 - 34)

1.2.4.1. Tri giác

Trong quá trình tiến hóa của sinh giới (phát sinh chủng loại) và trong quá trình phát triển của một đứa trẻ (phát sinh cá thể) thì cảm giác là hình thức định hướng đầu tiên của cơ thể trong thế giới xung quanh. Có những con vật chỉ phản ánh được những thuộc tính riêng lẻ có ý nghĩa sinh học trực tiếp của sự vật, hiện tượng mà thôi. Đứa trẻ trong những tuần lễ đầu tiên cũng như vậy. Điều đó nói lên rằng cảm giác là hình thức khởi đầu trong sự phát triển của hoạt động nhận thức hay nói cách khác “Cảm giác là một quá trình tâm lý phản ánh từng thuộc

tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng khi chúng đang tác động trực tiếp vào giác quan của ta”.

Còn để phản ánh các sự vật, hiện tượng một cách chỉnh thể, các cảm giác riêng lẻ do sự hoạt động của từng cơ quan phân tích riêng lẻ đem lại, được tổng hợp lại trên vỏ não và đem lại cho con người một hình ảnh trọn vẹn, hoàn chỉnh về các sự vật, hiện tượng. Đó là các hình ảnh của tri giác.

Như vậy, “Tri giác là một quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính của sự vật, hiện tượng khi chúng trực tiếp tác động vào các giác quan của ta”.

Tri giác của học sinh tiểu học mang tính đại thể, ít đi vào chi tiết và mang tính không ổn định. Các em phân biệt những đối tượng còn chưa chính xác, dễ mắc sai lầm, có khi còn lẫn lộn. Ở các lớp đầu bậc tiểu học, tri giác của trẻ em thường gắn với hoạt động thực tiễn của trẻ. Tri giác sự vật có nghĩa là phải làm cái gì đó với sự vật: cầm nắm, sờ mó sự vật ấy. Những gì phù hợp với nhu cầu của học sinh, những gì các em thường gặp trong cuộc sống và gắn liền với các hoạt động của chúng, những gì giáo viên chỉ dẫn thì mới được các em tri giác. Vì thế, trong giáo dục tiểu học, đặc biệt là với những lớp đầu cấp nên vận dụng các điều sau đây: “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”. Đến cuối tuổi tiểu học tri giác bắt đầu mang tính xúc cảm, trẻ thích quan sát các sự vật hiện tượng có màu sắc sặc sỡ, hấp hẫn, tri giác của trẻ đã mang tính mục đích, có phương hướng rõ ràng - tri giác có chủ định (trẻ biết lập kế hoạch học tập, biết sắp xếp công việc nhà, biết làm các bài tập từ dễ đến khó,...)

Tính cảm xúc thể hiện rất rõ khi các em tri giác. Tri giác trước hết là những sự vật, những dấu hiệu, những đặc điểm nào trực tiếp gây cho các em những xúc cảm. Vì thế, cái trực quan, cái rực rỡ, cái sinh động được các em tri giác tốt hơn, dễ gây ấn tượng tích cực cho chúng.

Trong dạy học văn kể chuyện, khi giới thiệu các nhân vật trong tranh thì học sinh cũng nảy sinh xúc cảm, tình cảm với những đặc điểm ngoại hình của nhân vật. Mặt khác, ở cuối bậc tiểu học do vốn ngôn ngữ của các em đã phát triển mạnh mẽ nên thông qua các chi tiết và tình huống trong truyện cũng làm các em nảy sinh tình cảm với nhân vật. Bên cạnh đó nhờ vào vốn ngôn ngữ của mình mà học sinh cũng có thể tự xây dựng lên các hình tượng nhân vật trong truyện. Đối với các dạng bài tập viết đoạn văn dựa vào tranh minh họa thì nhờ có tri giác học sinh bắt đầu thu thập các sự kiện, đặc điểm ngoại hình, những hoạt động làm nổi lên tính cách của nhân vật,… Qua đó học sinh tiến hành phân tích, tổng hợp, đánh giá để xây dựng nên hình tượng nhân vật trong truyện, đồng thời các em cũng chọn lựa việc sử dụng ngôn ngữ sao cho thích hợp với các hình tượng nhân vật đã được xây dựng trước đó.

Tri giác và đánh giá thời gian, không gian của học sinh tiểu học còn có hạn chế. Về tri giác độ lớn, các em gặp khó khăn khi phải quan sát các vật có kích thước lớn hoặc quá nhỏ. Ví dụ: các em cho rằng quả đất to bằng mấy tỉnh. Về tri giác thời gian các em thấy khó hình dung “Ngày xưa”, “vào một thời gian rất lâu”,…

Tri giác không tự bản thân nó phát triển được. Trong quá trình học tập, khi tri giác trở thành hoạt động có mục đích đặc biệt, trở nên phức tạp và sâu sắc, trở thành hoạt động có phân tích, có phân hóa hơn thì tri giác sẽ mang tính chất của sự quan sát có tổ chức. Trong sự phát triển của tri giác, vai trò của giáo viên tiểu học rất lớn. Giáo viên là người hàng ngày không chỉ dạy trẻ kĩ năng nhìn, mà còn hướng dẫn các em xem xét, không chỉ dạy nghe mà còn dạy trẻ biết lắng nghe, tổ chức một cách đặc biệt các hoạt động của học sinh để tri giác một đối tượng nào đó, dạy trẻ biết phát hiện những dấu hiệu thuộc tính bản chất của sự vật và hiện tượng.

Nhận thấy điều này, trong quá trình dạy học, chúng ta cần phải thu hút trẻ bằng các hoạt động mới, mang màu sắc, tích chất đặc biệt khác lạ so với bình thường để kích thích trẻ cảm nhận, tri giác tích cực và chính xác. Khi đó học sinh mới được kích thích tư duy một cách mạnh mẽ và phát huy tới mức tối đa khả năng tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình ở mức độ cao nhất.

1.2.4.2. Tư duy

“Tư duy là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong, có tính chất quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan, mà trước đó ta chưa biết”.

Tư duy là một mức độ nhận thức mới về chất so với nhận thức cảm tính. Nếu cảm giác, tri giác mới chỉ phản ánh được những thuộc tính bên ngoài, những mối liên hệ và quan hệ bên ngoài của sự vật và hiện tượng, thì tư duy phản ánh những thuộc tính bên trong, bản chất, những mối liên hệ và quan hệ có tính chất quy luật của sự vật, hiện tượng.

Tư duy của trẻ em mới đến trường là tư duy cụ thể, mang tính hình thức bằng cách dựa vào những đặc điểm trực quan của những đối tượng và hiện tượng cụ thể. Ví dụ: trong các giờ toán đầu tiên ở lớp, khi giải các bài toán học sinh phải dùng que tính, dùng các ngón tay làm phương tiện tính toán. Điều đó có nghĩa là việc tính toán của các em phải gắn với những vật cụ thể. Hoạt động phân tích – tổng hợp còn sơ đẳng ở học sinh các lớp đầu bậc Tiểu học. Các em chủ yếu tiến hành hoạt động phân tích – trực quan – hành động khi tri giác trực tiếp đối tượng.

Vào cuối bậc học này, các phẩm chất của tư duy chuyển dần từ tính cụ thể sang tư duy trừu tượng. Lúc này, học sinh có thể phân tích và khái quát hóa lý luận về đối tượng mà không cần tới những hành động thực tiễn đối với đối tượng đó. Học sinh ở các lớp này có khả năng phân biệt những dấu hiệu, những khía

cạnh khác nhau của đối tượng dưới dạng ngôn ngữ. Việc học tiếng Việt sẽ giúp học sinh biết phân tích và tổng hợp. Khi học tiếng Việt, đặc biệt là văn kể chuyện học sinh sẽ học cách phân tích các tình huống, các lời thoại, các mối quan hệ giữa các nhân vật trong truyện.

Văn kể chuyện có khả năng góp phần phát triển tư duy của trẻ thông qua việc nhận biết ý nghĩa của truyện, tính chất thiện, ác, đúng, sai của các nhân vật trong truyện, nhận biết ý nghĩa của từ và cách sử dụng từ trong khi kể chuyện.

Tóm lại, đặc điểm tư duy của học sinh tiểu học không có ý nghĩa tuyệt đối. Những đặc điểm tư duy đã trình bày ở trên là kết quả của trình độ dạy học ở trường Tiểu học. Trong quá trình học tập, tư duy của học sinh tiểu học thay đổi rất nhiều. Sự phát triển của tư duy dẫn đến sự tổ chức lại một cách căn bản quá trình nhận thức, làm cho chúng được tiến hành một cách có chủ định.

1.2.4.3. Tưởng tượng

Trong thực tế, không phải bất kì trường hợp nào các vấn đề, các nhiệm vụ do thực tiễn đề ra đều được giải quyết bằng tư duy cả. Có nhiều trường hợp, khi đứng trước một hoàn cảnh có vấn đề con người không thể dùng tư duy để giải quyết được mà phải dùng một quá trình nhận thức lý tính khác là tưởng tượng.

“Tưởng tượng là một quá trình tâm lý phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sở những biểu tượng đã có”.

Tưởng tượng là một trong những quá trình nhận thức quan trọng. Tưởng tượng của học sinh phát triển không đầy đủ thì nhất định sẽ gặp khó khăn trong rất nhiều hoạt động trong đó có hoạt động học. Khi học sinh học văn kể chuyện thì nhất thiết phải xây dựng trong tưởng tượng bức tranh quá khứ về những gì mà mình đã đọc, đã chứng kiến hoặc tham gia để các em có thể nói, viết về những điều mình đã trải qua một cách chân thật và sinh động nhất.

Tưởng tượng của học sinh tiểu học được hình thành và phát triển trong hoạt động học và các hoạt động khác của các em.

Tưởng tượng của học sinh tiểu học đã phát triển và phong phú hơn so với trẻ em chưa đến trường kể cả các em nhỏ ở bậc mầm non nhờ có bộ não phát triển và vốn kinh nghiệm ngày càng dày dạn. Đây là lứa tuổi thơ mộng giúp cho trí tưởng tượng phát triển một cách mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, hình ảnh tưởng tượng của các em đầu bậc tiểu học còn đơn giản, chưa bền vững và ít có tổ chức.

Càng về những năm cuối bậc học, tưởng tượng của các em càng gần hiện thực hơn. Sở dĩ có như vậy là do các em đã có kinh nghiệm phong phú, đã lĩnh hội được những tri thức khoa học do nhà trường đem lại. Ví dụ: đồ chơi của học sinh tiểu học đòi hỏi phải “thật” hơn so với đồ chơi của trẻ mẫu giáo. Về mặt cấu tạo hình tượng, tưởng tượng của các em chỉ lặp lại hoặc thay đổi chút ít về kích thước, hình dạng những tưởng tượng đã tri giác được. Ví dụ: các em học sinh lớp 1 thường vẽ người có các bộ phận to nhỏ không đều nhau. Các em học sinh lớp 4, 5 đã có khả năng nhào nặn, gọt giũa những hình tượng cũ để sáng tạo ra những hình tượng mới phù hợp với thực tế hơn vì các em đã biết dựa vào ngôn ngữ để xây dựng hình tượng mang tính khái quát và trừu tượng hơn.

Tưởng tượng tái tạo đã từng bước hoàn thiện gắn liền với những hình tượng đã tri giác trước hoặc tạo ra những hình tượng phù hợp với những điều miêu tả, sơ đồ, hình vẽ,… Các biểu tượng của tưởng tượng dần dần trở nên hiện thực hơn, phản ánh đúng đắn hơn nội dung các môn học, nội dung các câu chuyện các em đã được học, không còn bị đứt đoạn mà thống nhất lại thành một hệ thống. Như vậy, tưởng tượng của học sinh tiểu học đã mất dần, thoát khỏi ảnh hưởng của những ấn tượng trực tiếp, mặt khác, tính hiện thực trong tưởng tượng của học sinh gắn liền với sự phát triển của tư duy và ngôn ngữ.

Tưởng tượng sáng tạo tương đối phát triển ở giai đoạn cuối bậc Tiểu học, trẻ bắt đầu phát triển khả năng làm thơ, viết văn, vẽ tranh,.... Đặc biệt, tưởng tượng của các em trong giai đoạn này bị chi phối mạnh mẽ bởi các xúc cảm, tình cảm, những hình ảnh, sự việc, hiện tượng đều gắn liền với các rung động tình cảm của các em.

Tập làm văn là một phân môn “khô khan” và “dễ nhàm chán”. Do đó, các nhà giáo dục phải phát triển tư duy và trí tưởng tượng của các em bằng cách biến các kiến thức "khô khan", “dễ nhàm chán” ấy thành những hình ảnh có cảm xúc, đặt ra cho các em những câu hỏi mang tính gợi mở, thu hút các em vào các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể để các em có cơ hội phát triển quá trình nhận thức lý tính của mình một cách toàn diện. Có như vậy mới lấy lại được niềm tin, sự hứng khởi cho các em khi tiếp xúc với tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng. Đồng thời điều đó cũng góp phần nâng cao chất lượng dạy học văn trong nhà trường Tiểu học.

1.2.4.4. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của con người. Nó là công cụ của giao tiếp, công cụ của tư duy và có ảnh hưởng quan trọng đến toàn bộ hoạt động nhận thức của con người. Ngoài ra ngôn ngữ còn tham gia tích cực vào hoạt động của trí nhớ, làm cho việc ghi nhớ, gìn giữ và nhớ lại của con người trở nên có chủ định hơn. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngôn ngữ còn là phương tiện để con người tiếp thu, lĩnh hội nền văn minh nhân loại. Nó giúp con người chính xác hóa các hình ảnh của tưởng tượng đang nảy sinh, tách ra trong chúng những mặt cơ bản nhất, gắn chúng lại với nhau, cố định chúng lại bằng từ, giữ chúng lại trong trí nhớ. Nói tóm lại, ngôn ngữ làm cho tưởng tượng trở thành một quá trình có ý thức và được điều khiển.

Như vậy, “Ngôn ngữ là quá trình mỗi cá nhân sử dụng một thứ ngữ ngôn nào đó để giao tiếp”. Nói cách khác, “Ngôn ngữ là sự giao tiếp bằng ngữ ngôn”

Hầu hết học sinh tiểu học đều có ngôn ngữ nói thành thạo. Khi trẻ vào lớp 1 bắt đầu xuất hiện ngôn ngữ viết. Đến lớp 5 thì ngôn ngữ viết đã thành thạo và bắt đầu hoàn thiện về mặt ngữ pháp, chính tả và ngữ âm. Nhờ có ngôn ngữ phát triển mà trẻ có khả năng tự đọc, tự học, tự nhận thức thế giới xung quanh và tự khám phá bản thân thông qua các kênh thông tin khác nhau.

Vì ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người nên các nhà giáo dục phải trau dồi vốn ngôn ngữ cho trẻ trong giai đoạn này bằng cách hướng hứng thú của trẻ vào các loại sách báo có lời và không lời, có thể là sách văn học, truyện tranh, truyện cổ tích, báo nhi đồng,....đồng thời cũng có thể kể chuyện cho trẻ nghe.

Đối với học sinh tiểu học, ngôn ngữ có vai trò vô cùng quan trọng, nhất là đối với việc học văn kể chuyện. Bởi vì nếu không có ngôn ngữ học sinh sẽ không thể kể cho mọi người nghe được những việc mình đã thấy, đã tham gia. Ngôn ngữ giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Đồng thời nó cũng giúp các em phát triển tư duy, trí tưởng tượng,…

Tuy nhiên vốn ngôn ngữ ở Tiểu học vẫn còn hạn chế. Đầu bậc Tiểu học vốn ngôn ngữ của các em chiếm một số lượng nhỏ. Qua quá trình học tập, tích lũy, vốn ngôn ngữ của các em ngày càng thêm phong phú, đa dạng về cả số lượng và chất lượng.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn kể chuyện cho học sinh lớp 4 luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 27 - 34)