Thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh hà tĩnh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 49 - 53)

TỈNH HÀ TĨNH

2.2.1. Về kết cấu hạ tầng nông thôn

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT - XH và đảm bảo an ninh chính trị của tỉnh nhà. Sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho xã hội, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp phát triển. Nông thôn đang là môi trường sống của đa số nhân dân, nơi bảo tồn và phát triển các truyền thống văn hóa của quê hương. Toàn tỉnh có diện tích đất tự nhiên 6.054 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 80%, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng chiếm 20%; có 3/4 diện tích đất tự nhiên là đồi núi, địa hình phức tạp, hẹp và dốc từ tây sang đông, thời tiết khí hậu khắc nghiệt mùa hè nóng, mùa đông lạnh, lượng mưa lớn, thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lụt, hạn hán kéo dài; có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Trong những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu đáng kể: Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp.

Hạ tầng nông thôn được quy hoạch, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, nhiều công trình hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã và đang được đầu tư xây dựng, toàn tỉnh có 4.418 km đường giao thông nông thôn

bằng nhựa và bê tông, đã kiên cố hóa được 2.916 km kênh mương, đạt 49%, số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,6%; hệ thống trường học, trạm y tế được củng cố xây dựng; Toàn tỉnh có 309 trường tiểu học, trong đó có 293 trường đạt chuẩn quốc gia, vùng nông thôn có 283 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 96,5%); 196 trường Trung học cơ sở, trong đó khu vực nông thôn có 187 trường, số trường đạt chuẩn quốc gia 81 trường (chiếm 41%). Giáo dục trung học phổ thông có 44 trường, trong đó có 35 trường công lập, 4 trường bán công, 5 trường dân lập, trong đó có 7 trường đạt chuẩn quốc gia đều ở khu vực nông thôn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, hiện có 235 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 89.7%. Ngoài tuyến bệnh viện tỉnh, huyện, thành phố còn có 1.310 giường bệnh ở tuyến trạm y tế phường, xã và 205 giường bệnh ở các phòng khám đa khoa khu vực, đến nay có 140/235 xã có hội trường kiêm nhà văn hóa, 2.270/2.617 thôn, xóm có hương ước qui ước, có 480 thôn, xóm đạt danh hiệu đơn vị văn hóa (18%); tỷ lệ thôn xóm có hội quán 85%, có 220 xã có điểm bưu điện văn hóa chiếm 93%...

Hạ tầng dịch vụ, thương mại, các công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn được củng cố, toàn tỉnh có 165 chợ, 40 công trình cấp nước tập trung, còn lại các công trình nhỏ lẽ và các nguồn nước khác. Có 3,9% hộ dùng nước máy, 14,2% hộ dùng nước mưa, 21,3% hộ dùng giếng khoan, 50,5% hộ dùng giếng xây, còn lại đang sử dụng các nguồn nước khác như ao hồ, sông suối; trong đó, tỷ lệ người sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 63%; 32 xã có tổ chức thu gom rác thải, 6 xã có hệ thống thoát nước thải chung, nhiều xã trích ngân sách hỗ trợ cho dân xây dựng hố chứa rác hộ gia đình, đảm bảo môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp. Đã có 155 xã có trụ sở làm việc cao tầng, chiếm 65%, còn lại là bán kiên cố. Điều kiện làm việc được cải thiện, từng bước đáp ứng được nhu cầu và nâng cao hiệu quả công tác.

2.2.2. Về cơ cấu lao động nông thôn, ngành nghề nông thôn

Hà Tĩnh có tổng dân số 1.227.673 người, trong đó, 84,51% sống ở nông thôn (1.037.763 người) và 15,49% sống ở thành thị (189.910 người); dân số trong độ tuổi lao động 704.615 người, chiếm 57,3% tổng dân số. Cơ cấu kinh tế năm 2011 là: Nông - lâm - ngư nghiệp: 35,86% ; công nghiệp - xây dựng: 32,21% ; dịch vụ - thương mại: 31,93%.

Về ngành nghề nông thôn, ngoài nghề truyền thống như: Đúc rèn, dệt may, mộc, chiếu cói, nón lá, chế biến hải sản, đan lát, chế biến lương thực... những năm gần đây đã hình thành các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, các loại hình hợp tác xã ở nông thôn như: Vận tải nhỏ, xay xát, khai thác vật liệu xây dựng, sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu...Hiện nay một số làng nghề tiếp tục được khôi phục và phát triển tốt như nghề mộc ở xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, nghề rèn ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh…hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo các huyện quy hoạch các cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với tổng diện tích 40ha, một số nơi hoạt động có hiệu quả giải quyết cho hàng ngàn lao động chuyên và lao động thời vụ có việc làm góp phần chuyển dịch lao động nông thôn.

2.2.3. Về đời sống của người dân nông thôn

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn đã có bước cải thiện đáng kể, đã có 84% nhà ở của dân được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; 44% số hộ có xe máy; 71% hộ có ti vi và 8,6% hộ dùng bếp ga, nhiều hộ gia đình đã mua được các công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 16,3 triệu đồng/người/năm.

Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt một số kết quả. Mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 3 vạn lao

động, chuyển sang khu vực phi nông nghiệp trên 10 ngàn lao động (bao gồm cả xuất khẩu lao động). Tỷ lệ hộ nghèo từ 38,62% đầu năm 2006 xuống còn 12,71% cuối năm 2010 (theo tiêu chí cũ); từ 23,9% đầu năm 2011 xuống còn 17,4% đầu năm 2012 (theo tiêu chí mới).

2.2.4. Về hệ thống chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn

Hệ thống chính trị ở nông thôn từng bước được củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ trong khu vực nông thôn. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện có hiệu quả phong trào xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đến nay còn 17 thôn chưa có đảng viên, 36 chi bộ đang sinh hoạt ghép. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, các vụ việc khiếu kiện kéo dài được giải quyết cơ bản, 100% xã đều có lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên, tình trạng vi phạm các tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế.

Tuy nhiên, nông thôn Hà Tĩnh phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn thấp kém; ngành nghề nông thôn phát triển chậm, quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo nghề còn thấp, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, lao động thủ công là chủ yếu, năng suất chất lượng hiệu quả chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường, việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỷ thuật vào sản xuất và đời sống còn hạn chế; việc đầu tư các cụm CN - TTCN - làng nghề gặp nhiều khó khăn.

Công tác xóa đói giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền ngày một tăng; thu nhập của khu vực kinh tế nông nghiệp nói chung và của

người nông dân nói riêng thấp thua nhiều so với các vùng kinh tế khác; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn; đời sống, sinh hoạt, việc làm của người dân nông thôn khi chuyển đến khu tái định cư mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh hà tĩnh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 49 - 53)