8. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
2.4. Thực trạng việc dạy học bài tập vật lý chương “Lượng tử ánh sáng” ở một số trường phổ
ở một số trường phổ thông
Trong những năm học 2009 - 2010 và 2010 - 2011, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu việc giảng dạy bài tập chương “Lượng tử ánh sáng” ở các trường THPT thuộc địa bàn huyện Đông Sơn (trường THPT Đông Sơn 1, THPT Đông Sơn 2, THPT Nguyễn Mộng Tuân) bằng cách:
- Trao đổi với giáo viên vật lý.
- Trao đổi với học sinh, tìm hiểu về cách học BTVL trong chương này. - Dùng phiếu điều tra lấy ý kiến của giáo viên.
Qua việc tìm hiểu đó, chúng tôi rút ra được một số nhận xét sau:
a. Về tài liệu dạy học BTVL
Tổng quát chung trong quá trình dạy học BTVL trong trường phổ thông giáo viên chủ yếu lấy các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập vật lý 12 chương trình chuẩn. Tuy nhiên, theo ý kiến của giáo viên thì số lượng bài tập chương này trong sách giáo khoa và sách bài tập còn ít so với yêu cầu mục tiêu của chương. Do đó, các giáo viên thường lấy thêm các bài tập ở sách tham khảo (sách tham khảo được nhiều giáo viên sử dụng nhất là giải toán vật lý 12 của tác giả Vũ Thanh Khiết...).
b. Về số lượng bài tập
Trong các tiết dạy BTVL ở trường phổ thông, tổng số bài tập được các giáo viên sử dụng trong phần này từ 20 - 30 bài tập, trong đó:
- Bài tập định tính rất ít, chủ yếu giáo viên đưa ra khi củng cố kiến thức lý thuyết.
+ Cho khoảng 3 - 4 bài ra tại lớp (sau khi học bài mới).
+ Cho khoảng 6 - 8 bài hướng dẫn giải tại lớp trong tiết BT (chương này có 2 tiết BT).
+ Cho khoảng 8 - 10 bài tập về nhà.
c. Về nhận thức và phương pháp giảng dạy BTVL của giáo viên
- Hầu hết các giáo viên đều cho rằng bài tập lượng tử ánh sáng có vai trò quan trọng trong chương trình vật lý 12 nói riêng và vật lý phổ thông nói chung.
- Đa số các giáo viên ưu tiên bài tập định lượng, chưa chú ý nhiều đến bài tập định tính, bài tập đồ thị và thí nghiệm.
- Trong các giờ bài tập, một số giáo viên chưa xác định rõ mục tiêu của tiết bài tập này là gì (củng cố kiến thức gì, rèn luyện kỹ năng gì). Do đó trong tiết dạy bài tập, giáo viên hướng dẫn giải các bài tập không ăn khớp với nhau, các đơn vị kiến thức cơ bản không phù hợp.
- Hầu hết giáo viên chưa phân loại các bài tập thành từng đề tài, đặc biệt là khi kết thúc chương, chưa xây dựng cho học sinh phương pháp giải các bài tập đặc trưng để học sinh có thể giải được nhiều bài tập khác trong các tài liệu tham khảo.
- Số lượng giáo viên tự soạn bài tập để phục vụ cho dạy học vật lý là rất ít, hầu hết các giáo viên lấy các bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo. Nếu có thể tự soạn bài tập thì giáo viên thường thay đổi số liệu của các bài tập trong tài liệu.
- Chỉ có một số giáo viên yêu cầu học sinh tự đặt bài tập vật lý để giải trong bài tập vật lý. Tuy nhiên, nếu có thì chưa phải là việc làm thường xuyên của giáo viên. Nếu yêu cầu học sinh tự đặt bài tập để giải thì giáo viên thường làm mẫu trước rồi sau đó học sinh làm theo.
- Việc học sinh học bài tập vật lý ở trên lớp, ở trường trung học phổ thông thì học sinh học rất thụ động, chỉ có một số học sinh khá và say mê học vật lý thì tìm tòi, mày mò để giải bài tập của giáo viên và đọc thêm tài liệu, còn đại đa số thì chỉ chờ giáo viên hoặc bạn giải rồi chép vào vở.
- Nhiều học sinh giải bài tập vật lý mà không hiểu được bản chất vật lý, chỉ áp dụng công thức rồi suy ra kết quả.
- Hầu hết học sinh không bao giờ có thói quen tự đặt bài tập vật lý cho mình để giải kể cả học sinh khá giỏi. Đặc biệt, kỹ năng diễn đạt bằng lời nói, bằng viết của các em rất kém. Nhiều lúc các em hiểu mà không diễn đạt được, đặc biệt là diễn đạt trước tập thể.
Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi cho rằng cần lựa chọn số ít bài tập cơ bản trong chương “Lượng tử ánh sáng” và phát triển nó thành hệ thống các bài tập sao cho huy động toàn bộ kiến thức của chương, hướng dẫn học sinh giải bài tập và tự xây dựng bài tập để giải nhằm phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh đáp ứng được mục tiêu dạy học trong nhà trường phổ thông hiện nay.
Đề xuất: Chương “Lượng tử ánh sáng” là chương có vị trí quan trọng trong chương trình vật lý 12 chương trình chuẩn, số lượng bài tập không nhiều nhưng khó, do đó nên có thêm 1 - 2 tiết cuối chương để giáo viên hướng dẫn học sinh tổng kết, ôn tập chương; hệ thống hóa các dạng bài tập cơ bản và hướng dẫn cho học sinh giải, phương pháp phát triển bài tập. Nếu làm được như vậy thì không những học sinh sẽ hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao cho mà còn có thể tự đặt ra nhiệm vụ cho mình, từ đó năng lực làm việc tự lực của học sinh sẽ được nâng cao và tạo cho các em sự hứng thú khi học vật lý.