IX. QUẢN LÝ VỐN VÀ TÀI SẢN TRONG DOANH NGHIỆP 1 Vốn và tài sản của doanh nghiệp
3. Quản lý các khoản đầu tư tài chính
3.1. Các khoản đầu tư tài chính bao gồm đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, đầu tư dài hạn là các khoản đầu tư từ trên một năm và có thể hình thành dưới dạng đầu tư vào công ty con hoặc công ty liên doanh, liên kết; đầu tư tài chính ngắn hạn là các khoản đầu tư có thời gian dưới một năm.
Các khoản đầu tư tài chính (còn gọi là đầu tư vào doanh nghiệp khác) được quản lý theo giá gốc. Giá gốc là giá tại thời điểm góp vốn (bao gồm giá mua và chi phí liên quan nếu có). Trường hợp giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường thấp hơn giá trên sổ kế toán thì phải trích lập dự phòng hoặc khi doanh nghiệp khác bị lỗ.
3.2. Mức trích dự phòng tính theo số lượng cổ phiếu đầu tư và chênh lệch giữa giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường và giá ghi sổ kế toán hoặc tỷ lệ vốn góp và số lỗ của doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp khác bị lỗ, công ty trích lập dự phòng theo tỷ lệ phần trăm(%) vốn góp nhân với chênh lệch giữa giá trị vốn góp của chủ doanh nghiệp với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp; mức trích lập tối đa bằng giá trị vốn góp tại doanh nghiệp khác.
Khoản dự phòng đầu tư tài chính là chi phí tài chính của công ty.
3.3. Bán quyền mua cổ phần hoặc vốn góp: khi phát sinh quyền mua cổ phiếu hoặc vốn góp bán cho cổ đông hiện hữu hoặc thành viên góp vốn nhưng không mua, doanh nghiệp chuyển nhượng quyền mua cho tổ chức, cá nhân khác, trong trường hợp này, doanh nghiệp phải tính lại giá trị cổ phiếu đang nắm giữ và tiền thu do chuyển nhượng quyền mua được sử dụng để bù đắp phần giá trị cổ phiếu nắm giữ bị sụt giá do tăng khối lượng cổ phiếu trong lưu thông.