C. THỐNG KÊ TIỀN LƯƠNG TRONG DOANH NGHIỆP
1. Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp
1.1. Chi phí sản xuất và phân loại chi phí sản xuất
1.1.1. Chi phí sản xuất
Chi phí sản xuất là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ những hao phí về lao động sống và lao động vật hoá mà doanh nghiệp đã chi ra để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ kinh doanh nhất định.
1.1.2 Phân loại chi phí sản xuất
- Phân loại thành chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp
Chi phí trực tiếp: là chi phí có liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất ra từng loại sản phẩm và được tính trực tiếp vào giá thành của đơn vị sản phẩm hay loại sản phẩm. Bao gồm:
+ Tiền lương, BHXH của công nhân sản xuất + Nguyên liệu chính, vật liệu phụ dùng vào sản xuất + Công cụ lao động nhỏ dùng vào sản xuất
+ Chi phí trực tiếp khác bằng tiền
Chi phí gián tiếp: là những chi phí phục vụ cho hoạt động chung của phân xưởng, doanh nghiệp và được tính vào giá thành một cách gián tiếp bằng phương pháp phân bổ.
Kết cấu của chi phí gián tiếp cũng giống như của chi phí trực tiếp nhưng những khoản này được chi ra cho hoạt động chung của doanh nghiệp hoặc cho các bộ phận khác của doanh nghiệp.
-> Tác dụng: dùng để tính toán giá thành kế hoạch cũng như giá thành hạch toán, giá thành thực tế.
- Phân loại theo mối quan hệ giữa chi phí và tình hình tăng, giảm sản lượng:
Chi phí biến đối: là những chi phí thay đổi cùng với sự thay đổi của sản lượng, thường được ký hiệu là VC.
Đồ thị biểu diễn quan hệ giữa sản lượng (trục hoành) và chi phí biến đổi (trục tung) là một đường (đường thẳng hoặc đường cong) dốc lên về phía bên phải.
Chi phí cố định: là những chi phí hầu như không thay đổi ở mọi mức sản lượng, thường được ký hiệu là FC.
1.2 Giá thành sản phẩm và phân loại giá thành sản phẩm
1.2.1. Giá thành sản phẩm
Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của tất cả những chi phí về sử dụng tư liệu sản xuất, trả lương, phụ cấp ngoài lương và những chi phí phụ cấp khác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
1.2.2. Phân loại giá thành sản phẩm
- Căn cứ phạm vi tính toán, có các loại giá thành: + Giá thành phân xưởng.
Giá thành phân xưởng là tập hợp những chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Đó cũng chính là giá thành sản xuất.
+ Giá thành công xưởng: là giá thành phân xưởng cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp.
+ Giá thành toàn bộ: bao gồm giá thành công xưởng và chi phí tiêu thụ sản phẩm.
- Căn cứ vào tính chất chi phí, giá thành bao gồm các loại:
+ Giá thành kế hoạch: là giá thành sản phẩm được tính trên cơ sở chi phí sản xuất kế hoạch và sản lượng kế hoạch. Việc tính toán giá thành kế hoạch do bộ phận kế hoạch doanh nghiệp thực hiện và được tiến hành trước khi bắt đầu quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm. Giá thành kế hoạch của sản phẩm là mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp, là căn cứ để so sánh,
phân tích, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch giá thành và kế hoạch hạ giá thành của sản phẩm so sánh được.
+ Giá thành thực tế: là giá thành sản phẩm được tính trên cơ sở số liệu chi phí sản xuất thực tế đã phát sinh và tập hợp trong kỳ và sản lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất trong kỳ. Giá thành sản phẩm thực tế chỉ có thể tính toán được sau khi kết thúc quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm.
+ Giá thành định mức: là giá thành sản phẩm được tính trên cơ sở các định mức chi phí hiện hành và chỉ tính cho một đơn vị sản phẩm.
1.3 Ý nghĩa, nhiệm vụ của thống kê giá thành sản phẩm
Giá thành sản phẩm là chỉ tiêu chất lượng tổng hợp phản ánh một cách đầy đủ và tập trung nhất mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc hạ giá thành là cơ sở để tăng lợi nhuận, góp phần tăng tích luỹ cho doanh nghiệp. Từ đó, thống kê giá thành có ý nghĩa rất quan trọng.
- Thống kê giá thành cung cấp những tài liệu chính xác, đầy đủ về giá thành sản phẩm của doanh nghiệp để phục vụ công tác kế hoạch hoá giá thành.
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch giá thành, đề ra biện pháp quản lý tốt công tác giá thành, phấn đấu hạ giá thành, đảm bảo không ngừng tăng tích luỹ cho doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của thống kê giá thành trong doanh nghiệp là:
- Theo dõi tình hình chấp hành kế hoạch giá thành, phân tích ảnh hưởng của các khoản mục giá thành nhằm đề ra các biện pháp thích hợp để hạ giá thành.
- Nghiên cứu sự biến động của giá thành theo thời gian để thấy xu hướng phát triển của nó.