2.1.1.1. Vị trí địa lý
Thủy Nguyên là huyện thuộc miền duyên hải Hải Phòng, nằm trong tọa độ 20º55’ vĩ độ bắc, 106º45’ kinh đông, có diện tích 242 km². Hiện nay huyện Thủy Nguyên có 37 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn: Minh Đức, Núi Đèo và 35 xã.
Vùng đất nơi đây đã được hình thành từ rất lâu, xưa được gọi là Nam Triệu Giang, nằm trong vùng An Biên do nữ tướng Lê Chân cai quản, sau gọi là huyện Thủy Đường thuộc phủ Tân An Châu - Đông Triều. Đến triều vua Duy Tân thời Nguyễn (1908) đổi tên là huyện Thủy Nguyên thuộc tỉnh Kiến An, sau đó sát nhập vào Hải Phòng.
Từ lịch sử xa xưa, Thủy Nguyên là nơi trung gian quá cảnh đi nhiều vùng miền khác nhau bằng cả đường bộ lẫn đường thủy. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp với huyện Kinh Môn (Hải Dương), phía Nam giáp với quận Hải An và nội thành Hải Phòng, phía Đông nhìn ra cửa biển và cửa Nam Triệu. Chiều dài của huyện từ Bến Đụm (đập Phi Liệt) đến Bến Rừng (Tam Hưng) là 31 km, chiều rộng từ Bến Bính đến Cầu Đá Bạc dài khoảng 17 km.
Dọc huyện là quốc lộ số 10 chạy nối liền Hải Phòng với khu mỏ Quảng Ninh. Bên cạnh quốc lộ số 10 là đường 5B và đường 205 từ Trịnh Xá qua bến Phà Đụn sang vùng mỏ Mạo Khê. Ngoài ra còn có đường máng nước từ Vàng Danh đưa nước ngọt qua Thủy Nguyên. Trên đường này có nhiều cây cầu lớn như: cầu Đá Bạc dài 700m, Cầu Giá dài gần 300m…
2.1.1.2. Địa hình
Thủy Nguyên là huyện ven biển ở vào vị trí chuyển tiếp của 2 vùng địa lí tự nhiên lớn là châu thổ sông Hồng và vùng đồi núi Đông Bắc. Địa hình Thủy Nguyên gồm địa hình đồng bằng, đồi núi và vùng trũng cửa sông ven biển.
* Địa hình có núi đá vôi xen kẽ: Dạng địa hình này nằm ở phía Bắc huyện gồm địa hình núi đá vôi, đồi núi đất chạy từ An Sơn qua xã Lại Xuân, Liên khê, Lưu Kiếm, Minh Tân, Gia Minh, Gia Đức và Minh Đức.
* Địa hình đồng bằng: Đồng bằng trung tâm huyện gồm các xã Kiền Bái, Mỹ Đồng, Thủy Sơn… có lượng phù sa lớn thích hợp cho việc trồng lúa, hoa màu và cây ăn quả, độ cao trung bình của bề mặt thường từ 0, 2- 0, 8m.
* Đồng bằng ven sông: Đây là vùng đồng bằng mới được bồi tụ, thường bị ngập nước của các xã Hoàng Động, Hoa Động, Lâm Động, Tân Dương, Phục Lễ, Phả Lễ, An Lư, Thủy Triều thuận lợi cho nền nông nghiệp phát triển.
* Vùng cửa sông ven biển: Nét khác biệt đặc trưng cho dải đất ven biển huyện Thủy Nguyên là các bãi lầy được tạo thành từ một lớp phù sa và bùn nhão, ở bề mặt thường có màu phớt hồng. Đây là môi trường thuận lợi cho việc phát triển hệ động thực vật phong phú và rừng ngập mặn.
2.1.1.3. Khí hậu
Khí hậu Thủy Nguyên mang tính chất nhiệt đới nóng ẩm gió mùa, do sự chi phối của hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á, đặc biệt là không khí cực đới nên khí hậu ở đây chia làm 2 mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình năm là 23ºC, độ ẩm 82- 85%.
2.1.1.4. Tài nguyên nước
Trên bản đồ Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên như một ốc đảo bao bọc xung quanh và cả trong lòng huyện là mạng lưới sông ngòi dày đặc, có sông nước ngọt, sông nước lợ, sông nước mặn ngay sát biển. Toàn bộ huyện nằm trong vòng ôm của
những dòng sông, phía Tây là sông Hàn, phía Bắc là sông Đá Bạc, phía Đông là sông Bạch Đằng (sông Rừng), phía Nam là Sông Cấm, nằm ngang huyện là hồ Sông Giá thơ mộng.
2.1.1.5. Tài nguyên động thực vật
* Động vật : cho tới nay, trên vùng đất của Thủy Nguyên gần như vắng bóng động thực vật hoang dã. Đây là hậu quả của quá trình khai phá rừng hoang để mở rộng địa bàn cư trú và sản xuất của con người. Tuy nhiên, hiện nay ở Thủy Nguyên vẫn còn một số động vật tồn tại và phát triển, chúng thường xuất hiện ở các dãy núi đá vôi như khỉ, dê, sơn dương, trăn, rắn, tắc kè và các loại chim.
Hiện nay huyện Thủy Nguyên đang triển khai kế hoạch phủ xanh đối trọc bằng cách trồng các loại cây có ích và thả các loài động vật hoang dã để giữ cân bằng sinh thái.
* Thực vật: Thủy Nguyên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, bị chi phối mạnh bởi khí hậu của biển nên thực vật xanh tốt và sinh trưởng mạnh mẽ quanh năm cùng với tính chất đa dạng của địa hình và cấu tạo địa chất đã tạo nên tính đa dạng các kiểu thực bì và phong phú về nguồn gen.
Dựa vào đặc điểm sinh thái và sự phân bố tự nhiên có thể chia thực vật Thủy Nguyên thành các kiểu thực vật chính sau:
- Rừng trên đỉnh núi đá vôi có đặc điểm cây cối thường không cao quá 5m, rừng chủ yếu gồm 1 đến 2 tầng.
- Rừng trong các thung áng, trên núi đá vôi và trên các sườn núi đá vôi.