4 Khu vực quán Bà Mau trước đây là nơi tập trung nhiều ca quán và các giáo phường nổi tiếng của Hải Phòng vào đầu thế kỷ XX.
2.3.1. Biểu diễn ca trù trong các lễ hội làng, tiệc mừng
Các phường hát ca trù ở Đông Môn trước đây và ngay cả bây giờ đều đi biểu diễn trong các tiệc mừng cưới xin, hoặc lễ chúc thọ, mừng nhà mới hay phục vụ những buổi có văn nhân sĩ tử tới nhà yêu cầu nghe hát, nghe nhạc, thưởng thơ, theo lời mời của hàng tỉnh, hàng huyện hay hàng tổng, hàng xã khác. Ca trù còn được biểu diễn ở các lễ hội, phục vụ cúng tế Tiên hiền Tiên thánh, Tiên Vương, Tiên hầu hay Thành hoàng làng nào đó ở các đình làng hay phục vụ cả những vị thần linh khác, được cả vùng tôn sùng trong các ngôi đền lớn với nhiều khách thập phương cùng đến lễ hội. Mặt khác, những phường hát này không chỉ hát ả đào, mà còn thành thạo các điệu hát văn ca tụng những Đức ông hay chúa Mẫu nơi Tam Hoàng Tứ phủ, như Hoàng Bảy, Hoàng Ba, Cô Bơ, Cô Chín, Chúa Liễu, Chúa Thoải, với tâm linh tưởng tượng nào đấy, có công trị quốc an dân, hoặc có tiếng linh thiêng, với nội dung bài hát được thỉnh cầu, được phù trì cho an khang, thịnh vượng, trường sinh.
Ở Đông Môn hiện nay cứ vào ngày 24/3 và 24/9 âm lịch hàng năm đều tổ chức lễ hội làng nghề hát ca trù để tưởng nhớ ngày sinh và ngày mất của vị Tổ nghề. Vào ngày hội, ca nương ở nhiều nơi đều về dự giao lưu và hát thờ đêm trước diễn ra hội.
Khi tổ chức hội đều có rước sắc phong. Ban tổ chức hội và các hội viên đều là những người tự nguyện đóng góp kinh phí để hoạt động.
Ngoài ra, khi có lời mời, Câu lạc bộ Ca trù Đông Môn hiện nay đều sẵn sàng đi hát phục vụ, chẳng hạn như tham gia hát thờ tại Đền Phò Mã, thị trấn Núi Đèo huyện Thủy Nguyên những năm gần đây.