Về quản trị tiêu thụ:

Một phần của tài liệu Báo cáo về sự hình thành và phát triển Công ty Cổ phần dệt kim Hà Nội (Trang 34 - 37)

- Tiếp tục giữ vững và củng cố mối quan hệ với những bạn hàng truyền thống, đồng thời nghiên cứu và tìm kiếm những bạn hàng mới để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình.

- Phát triển hệ thống kênh phân phối bằng cách xây dựng và mở rộng mạng lưới cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty.

- Điều chỉnh lại giá cả hợp lý hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của công ty. Đồng thời, tích cực nghiên cứu và thiết kế những mẫu mã sản phẩm mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

- Xúc tiến bán hàng qua hệ thống kênh phân phối, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, qua quảng cáo trên website của công ty.

- Kết hợp với các cơ quan chức năng, sử dụng các biện pháp như dán tem chống hàng giả, hàng trốn thuế để phân biệt sản phẩm của công ty với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chống hàng nhái, hàng giả.

Phần năm

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY

Công ty cổ phần dệt kim Hà Nội là một doanh nghiệp nhà nước vừa chuyển đổi sang cổ phần hóa nên còn gặp không ít khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Thêm vào đó là tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khủng hoảng tài chính diễn ra với quy mô toàn cầu. Những điều này cũng có tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của công ty. Trước những khó khăn, thách thức này, công ty đã đề ra phương hướng, kế hoạch phát triển cho năm 2009 như sau:

- Xây dựng kế hoạch phù hợp cho từng thời kỳ để ổn định sản xuất, đảm bảo doanh thu, giúp công ty trụ vững trước cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu này.

- Tinh gọn bộ máy quản lý để giảm chi phí, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của công ty.

- Sắp xếp lại, cải tiến hệ thống kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ tiêu hao, đáp ứng đúng thời gian giao hàng.

- Sản xuât sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.

- Duy trì và củng cố những thị trường đã có, tiếp cận với thị trường mới. - Phát triển thêm kênh phân phối sản phẩm và bán hàng tại thị trường nội địa.

- Rút ngắn thời gian di chuyển công ty để công ty nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định trở lại.

- Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho cán bộ kỹ thuật và công nhân ở các vị trí.

- Sớm có chiến lược đăng ký và phát triển thương hiệu dệt kim Hà Nội ở thị trường trong nước và các thị trường mục tiêu của công ty.

KẾT LUẬN

Sau hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt kể từ sau khi cổ phần hóa, công ty cổ phần dệt kim Hà Nội đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam nói riêng và cho toàn bộ nền kinh tế nước ta nói chung. Cùng với xu hướng chung của các doanh nghiệp, công ty cổ phần dệt kim Hà Nội cũng đang hướng trọng tâm hoạt động của mình vào việc sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Đây là một hướng đi đúng đắn, hứa hẹn những bước phát triển đầy tiềm năng cho công ty. Hy vọng, trong thời gian không xa, công ty sẽ trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt kim hàng đầu của Việt Nam và có uy tín trên thị trường thế giới.

Một phần của tài liệu Báo cáo về sự hình thành và phát triển Công ty Cổ phần dệt kim Hà Nội (Trang 34 - 37)