PHẠM NGŨ LÃO (125 5 1320)

Một phần của tài liệu Gián án DANH TƯỚNG VIỆT NAM CỦA NG.KHẮC THUẦN - T1 (Trang 79 - 81)

- Nhà Vua mất nước khiến tôi không được đi bán thịt dê, nay vua lấy lại được nước, tôi lại được làm nghề bán thịt dê như cũ, tước lộc thế là đủ, còn mong thưởng thêm gì nữa?

18- PHẠM NGŨ LÃO (125 5 1320)

“(Phạm) Ngũ Lão xuất thân là lính nhưng khảng khái và có chí lớn, rất chăm đọc sách và thường thích ngâm thơ. Với việc võ, thoạt trông thì ngỡ như ông không để ý gì nhưng chỉ huy quân thì kỉ luật

rất chặt chẽ. Ông đãi tướng sĩ như người nhà, đồng cam cộng khổ với sĩ tốt. Quân do Phạm Ngũ Lão quản lĩnh, trên dưới thương

yêu nhau như cha con một nhà, bởi thế, đánh đâu là thắng đó. Tất cả chiến lợi phẩm thu được ông đều bỏ vào kho chung của quân, chẳng chút bận tâm với tiền của. Ông quả thật là bậc danh tướng của thời bấy giờ. Khi mất, ông thọ 66 tuổi (tính theo tuổi ta - NKT).

Nhà vua rất lấy làm thương tiếc, nghỉ thiết triều năm ngày. Dân làng ông lập đền thờ ông ngay nơi nền nhà cũ của ông”

Khâm định Việt sử thông giám cương mục

(Chính biên, quyển 9, tờ 16 và 17)

Phạm Ngũ Lão chào đời năm Ất Mão (1255) tại xã Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc tỉnh Hải Hưng) trong một gia đình nông dân nghèo. Ông lớn lên đúng vào lúc nhân dân cả nước đang bừng bừng khí thế chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai. Bấy giờ, trai tráng khắp nơi nô nức nhập ngũ, nhưng, sự kiện ông trở thành người lính cũng có phần khác thường. Trong sách

Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án có đoạn viết về ông như sau:

“Ông mặt mũi khôi ngô, tài kiêm văn võ. Nhà ông ở sát đường cái nên thường ngày ông vẫn ra ngồi xếp bằng ở đó để vót nan, đan lát. Một hôm, ông đang ngồi bên đường như thế thì Hưng Đạo Vương từ Vạn Kiếp về kinh đô đã đi ngang qua. Lính đi trước thấy ông thì quát đuổi, nhưng ông vẫn ngồi im không đứng dậy. Quân lính lấy mũi giáo dí vào đùi, ông vẫn cứ ngồi điềm nhiên. Lúc xe của Hưng Đạo Vương

đến, ngài lấy làm lạ, hỏi thì ông thưa rằng: - Tôi đang mải nghĩ việc nên không để ý.

Hưng Đạo Vương nghe thế, càng lấy làm lạ hơn, hỏi qua sức học thì thấy ông làu thông Kinh, Truyện và Binh thư, ứng đáp rất trôi chảy. Ngài sai lấy thuốc xức vào chỗ ông bị đâm, rồi cho lên ngồi ở xe sau và đem về kinh.

Về kinh đô, Hưng Đạo Vương tiến cử ông lên triều đình, xin cho ông cai quản quân Cấm Vệ. Vệ sĩ thấy thế thì không phục bèn tâu xin được cùng ông thử sức. Ông bằng lòng, nhưng trước khi vào đấu sức, ông xin về quê ba tháng. Về quê, ngày nào ông cũng ra cái gò lớn ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên, nhảy mãi cho đến khi cái gò bị sạt mất một nửa. Hết hạn, ông trở về cấm thành, cùng bọn vệ sĩ so tài. Thấy ỏng tiến thoái như bay, tay đấm chân đá vùn vụt, xem ra sức có thể địch nổi ngàn người, ai cũng phải phục tài”.

Trong cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ hai, do lập được nhiều chiến công, Phạm Ngũ Lão được phong làm Hạ Phẩm Phụng Ngự. Cùng với những nhân vật khác như: Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực... Phạm Ngũ Lão là môn khách thân tín của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặc biệt thương yêu, gả con gái nuôi là Nguyên Công Chúa cho.

Sau cuộc chiến tranh lần thứ ba (1288), đường danh vọng của Phạm Ngũ Lão ngày một rộng mở. Ông liên tục được thăng quan tiến chức.

- Năm Canh Dần (1290) ông được giao chức quản lĩnh quân Thánh Dực của triều đình.

- Năm Giáp Ngọ (1294) nhờ lập công khi đi đánh ở Ai Lao, ông được ban Kim Phù (tức binh phù làm bằng vàng).

- Năm Đinh Dậu (1297) cũng nhờ lập công khi đi đánh trận ở Ai Lao, ông được ban Vân Phù (tức binh phù có khắc chạm hình mây).

- Năm Mậu Tuất (1298), ông được phong làm Kim Ngô Hữu Vệ Đại Tướng Quân.

- Năm Tân Sửu (1301), ông được phong làm Thân Vệ Đại Tướng Quân và được ban Quy Phù (tức binh phù có chạm hình con rùa).

- Năm Mậu Ngọ (1318), ông lại lập công lớn khi đi đánh Chiêm Thành, được thăng làm Quan Nội Hầu và được ban Phi Ngư Phù (tức binh phù có chạm hình con cá chuồn). Cũng năm này, triều đình đã cho con ông làm quan.

Tháng 11 năm Canh Thân (1320), Phạm Ngũ Lão qua đời, hưởng thọ 65 tuổi. Nhà sử học lỗi lạc của nước nhà ở thế kỉ thứ XV là Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên đã đánh giá rất cao về tài năng phi thường của ông:

“Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm Điện Súy (chỉ Phạm Ngũ Lão - NKT) thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, nào phải riêng chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai có thể vượt qua nổi các ông”1.

Bài hịch mà Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên nói đến chính là bài Hịch tướng sĩ văn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc

Tuấn, còn lời thơ mà Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên nhắc tới chính là lời thơ trong bài tứ tuyệt của Phạm Ngũ Lão, được hậu thế đặt cho tiêu đề là Thuật hoài. Nguyên văn phiên âm Hán Việt của bài tứ tuyệt này như sau:

“Hoành sáo giang san cáp kỉ thu, Tam quân tì hổ khí thôn ngưu. Nam nhi vị liễu công danh trái, Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”2. Tạm dịch:

Vung gươm sông núi đã bấy lâu, Ba quân như cọp nuốt trôi trâu. Công danh trai tráng còn mang nợ,

Những thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu3.

Sử cũ hết lời ca ngợi Phạm Ngũ Lão, nhưng hành trạng của Phạm Ngũ Lão trong sử cũ lại không dễ nhận như đối với các vị danh tướng khác. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi vì sử cũ trước hết và chủ yếu vẫn là sử của đế vương, của hoàng tộc. Vả chăng, Phạm Ngũ Lão luôn luôn là tướng dưới trướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cho nên, hình ảnh của ông chỉ có thể ẩn hiện phía sau hình ảnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mà thôi.

___________________________________

1. Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ, quyển 6, tờ 38 a-b)2. Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ, quyển 6, tờ 38-a). 2. Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ, quyển 6, tờ 38-a).

Một phần của tài liệu Gián án DANH TƯỚNG VIỆT NAM CỦA NG.KHẮC THUẦN - T1 (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(88 trang)
w