- Nhà Vua mất nước khiến tôi không được đi bán thịt dê, nay vua lấy lại được nước, tôi lại được làm nghề bán thịt dê như cũ, tước lộc thế là đủ, còn mong thưởng thêm gì nữa?
6. MẶN NỒNG TÌNH NGHĨA VỚI MUÔN ĐỜ
Khi đại thắng quân Nguyên ở trận Bạch Đằng lịch sử, Trần Hưng Đạo đã là một lão tướng, tuổi cũng đã xấp xỉ đến lục tuần. Sau nhiều năm lao tâm khổ tứ, sức khỏe của lão tướng Trần Hưng Đạo cũng dần dần cạn kiệt. Sử cũ chép rằng, ngày 24 tháng 6 năm Canh Tí (1300), trời bỗng có sao sa1.
Cũng vào tháng ấy, Trần Hưng Đạo lâm bệnh. Vua Trần lúc bấy giờ là Trần Anh Tông (1293 - 1314) thân đến tận nhà Trần Hưng Đạo để thăm hỏi và sử cũ đã trân trọng chép lời đối đáp thật cảm động giữa vua Trần với Trần Hưng Đạo như sau:
“Hưng Đạo Đại Vương lâm bệnh, Vua ngự tới tận nhà để thăm hỏi nhân đó hỏi rằng:
- Nếu có điều chẳng may xẩy ra (ngầm chỉ việc Trần Hưng Đạo chẳng may mà mất - NKT) mà bọn giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì nên có kế sách đối phó như thế nào?
Vương (chỉ Trần Hưng Đao - NKT) trả lời:
- Thuở xưa, Triệu Vũ (Đế) dựng nước (chỉ việc Triệu Đà lập ra nước Nam Việt vào năm 206 trước công nguyên - NKT), vua nhà Hán cho quân đến đánh, (để đối phó, Triệu Vũ Đế) sai dân làm kế thanh dã, sai đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu rồi đánh vào Trường Sa và sai đoản binh đánh úp phía sau. Đó là một thời. Sau, nhà Đinh, nhà Lê đều dùng được người tài giỏi, cho nên, phương Nam mới mạnh còn phương Bắc thì suy yếu và mệt mỏi dần. Ta trên dưới một dạ, lòng dân chẳng chút chia lìa, xây thành Bình Lỗ (có lẽ nằm gần khu vực Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội ngày nay - NKT) mà phá được quân Tống. Đó là một thời nữa. Vua Lý mở nền thịnh trị, nhà Tống xâm phạm địa giới, (triều đình) dùng Lý Thường Kiệt, đem quân đánh đến tận các châu Khâm và Liêm rồi đánh tới cả Mai Lĩnh (các châu Khâm, Liêm và Mai Lĩnh đều thuộc Trung Quốc - NKT), cũng là nhờ (có lòng người không chia lìa) như thế. Vừa rồi Toa-Đô và Ô-Mã-Nhi đem quân bao vây ta bốn mặt, nhưng vì vua tôi ta đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước cùng góp sức nên lũ giặc phải bị bắt. Đó là do trời xui nên vậy. Đại để, giặc cậy trường trận,
ta dựa vào đoản binh, dùng đoản binh để chế ngự trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu thấy giặc tiến như gió hoặc như lửa thì việc chế ngự sẽ dễ. Nhưng, nếu giặc tiến chậm như thể tằm ăn dâu, chẳng cầu sự thắng nhanh, thì phải khéo chọn tướng giỏi, xem xét thất sát sự biến thất thường mà ứng xử, tương tự như đánh cờ, tùy thời mà tạo thế, phải có được đội quân trên dưới một dạ như cha con thì mới mong thắng được.
Vả chăng, khoan sức dân để làm kế rễ sâu gốc vững, đó mới là thượng sách giữ nước”2.
Vua Trần Anh Tông thân đến tận nhà để thăm hỏi, đó là biểu hiện của lòng thành. Đáp lại, Trần Hưng Đạo cũng đã nói những lời chân thành nhất với nhà vua. Đây thực sự là cuộc gặp gỡ tương đắc giữa vua sáng với tôi hiền. Nỗi bận tâm suốt đời của Trần Hưng Đạo là làm sao để không ngừng mở rộng và củng cố sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, làm sao để có thể chọn và trọng dụng người hiền tài và làm sao
để có thể nuôi dưỡng được sức dân. Khoan sức dân để làm kế rễ sâu gốc vững, đó mới là thượng sách giữ
nước!
Lời chí tình ấy của Trần Hưng Đạo cũng chính là lời chí tình của tất cả các bậc ưu thời mẫn thế và nặng lòng ái quốc trong khắp mọi thời. Lời ấy mãi mãi tỏa sáng trong sử sách của dân tộc ta.