Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin

Một phần của tài liệu Giáo trình Triết học Mác - Lênin (Trang 144 - 146)

III- Quan hệ giai cấp dân tộc

1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin

Giai cấp và dân tộc quan hệ mật thiết với nhau song đó là những phạm trù chỉ các quan hệ xã hội khác nhau, có vai trò lịch sử khác nhau và không thể thay thế được nhau.

Giai cấp và dân tộc sinh ra và mất đi không đồng thời. Trong lịch sử nhân loại nói chung, giai cấp có trước dân tộc hàng nghìn năm song khi giai cấp mất đi thì dân tộc sẽ vẫn còn tồn tại.

Sẽ không hiểu được bản chất của vấn đề dân tộc, mối quan hệ phức tạp giữa giai cấp và dân tộc nếu không nhận rõ vai trò của nhân tố kinh tế - xã hội, của nhân tố giai cấp. Quan hệ giai cấp - với tư cách là sản phẩm trực tiếp của phương thức sản xuất trong xã hội có giai cấp - là nhân tố xét đến cùng có vai trò quyết định đối với sự hình thành dân tộc, đối với xu hướng phát triển của dân tộc, quy định tính chất mối quan hệ giữa các dân tộc.

Bản chất xã hội của dân tộc được quy định bởi phương thức sản xuất thống trị trong dân tộc, bởi quan hệ giai cấp do phương thức sản xuất ấy sản sinh ra.

Áp bức giai cấp là nguyên nhân căn bản, sâu xa của áp bức dân tộc. Hiện tượng dân tộc này thống trị, áp bức dân tộc khác trong lịch sử, về thực chất là giai cấp thống trị của dân tộc này áp bức bóc lột dân tộc khác mà bộ phận bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất là nhân dân lao động. Nhân tố giai cấp là nhân tố cơ bản trong phong trào giải phóng dân tộc. Giai cấp nào lãnh đạo phong trào; những giai cấp, liên minh giai cấp nào là lực lượng nòng cốt của phong trào là những vấn đề trọng yếu của cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong khi nhấn mạnh vai trò của nhân tố giai cấp, triết học Mác - Lênin không xem nhẹ nhân tố dân tộc. Vấn đề dân tộc là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của cách mạng vô sản song nó chỉ được nhận thức và giải quyết đúng đắn trên lập trường của giai cấp cách mạng nhất - giai cấp công nhân.

Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân về bản chất mang tính chất quốc tế và đoàn kết quốc tế là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng những ngưòi lao động. C. Mác - ăngghen và V.I. Lênin thường xuyên nhấn mạnh rằng giai cấp công nhân các nước, trước hết là các nước tư bản lớn, phải thoát khỏi những thiên kiến của chủ nghĩa dân tộc tư sản. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ rằng Đảng của giai cấp công nhân không lúc nào được coi nhẹ việc giáo dục chủ nghĩa quốc tế chân chính cho quần chúng nhân dân, nhưng giai cấp công nhân không được quên rằng cuộc đấu tranh giải phóng của họ có tính chất dân tộc. Dân tộc là địa bàn trực tiếp của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân. Vì vậy, "giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc"1.

Nếu như áp bức giai cấp là nguyên nhân sâu xa của áp bức dân tộc thì áp bức dân tộc tác động mạnh mẽ trở lại đối với áp bức giai cấp. Nó nuôi dưỡng áp bức giai cấp và làm sâu sắc thêm áp bức giai cấp. Từ giữa thế kỷ XIX, C.Mác đã phân tích cho thấy việc Anh thống trị Ailen không làm nhẹ bớt ách áp bức giai cấp ở Anh mà trái lại còn làm cho nó trầm trọng thêm. Ông nhấn mạnh rằng: một dân tộc đi áp bức dân tộc khác, dân tộc ấy không thể có tự do được. Tác động trở lại của áp bức dân tộc đối với áp bức giai cấp (ở "chính quốc") càng thể hiện rõ trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Chủ nghĩa đế quốc phải lấy việc bóc lột các dân tộc chậm phát triển làm tiền đề tồn tại của nó.

Mối quan hệ giữa đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc không phải chỉ có một chiều là đấu tranh giai cấp tác động vào đấu tranh dân tộc mà còn có chiều ngược lại: đấu tranh dân tộc tác động vào đấu tranh giai cấp. Nếu dân tộc chưa có độc lập thống nhất thì giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất mới muốn trở thành "giai cấp dân tộc" phải đi đầu trong cách mạng giải phóng dân tộc, phải thực hiện trước tiên nhiệm vụ khôi phục độc lập, thống nhất dân tộc. Vì vậy, thành quả đầu tiên của cách mạng tư sản giữa thế kỷ XIX ở

các nước Italia, Đức, áo, Ba Lan là độc lập, thống nhất dân tộc. Giai cấp tư sản khi còn là giai cấp cách mạng đã nêu cao vấn đề dân tộc để tập hợp quần chúng đấu tranh giành và giữ chính quyền tư sản. Khi giai cấp tư sản trở thành giai cấp thống trị thì "lợi ích dân tộc" mà giai cấp tư sản nêu lên ngày càng lộ rõ thực chất của nó là lợi ích tư sản, chủ yếu là lợi ích của đại tư sản.

Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, các cuộc đấu tranh giải phòng dân tộc có vai trò hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Tư tưởng biện chứng về giải quyết mối quan hệ giữa đấu tranh giải phóng dân tộc và đấu tranh giải phóng giai cấp trên phạm vi toàn cầu cũng như trong từng quốc gia dân tộc trong thời đại đế quốc chủ nghĩa là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa Lênin. Năm 1920, V.I.Lênin đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng mà ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị: "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại". Ông đã đánh giá đúng đắn vai trò cách mạng có ý nghĩa thời đại của các dân tộc bị áp bức, chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, các dân tộc bị áp bức là nắm ngọn cờ dân tộc để lãnh đạo quần chúng làm cách mạng. Đồng thời ông còn chỉ rõ nhiệm vụ của giai cấp công nhân các nước tư bản, đế quốc là vì lợi ích căn bản của chính mình, phải ra sức ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc. Muốn đưa phong trào cách mạng tiến lên, giai cấp công nhân mỗi nước và chính đảng của nó phải tự mình chứng tỏ là người đại biểu chân chính của dân tộc, phải kết hợp chặt chẽ lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc.

Một phần của tài liệu Giáo trình Triết học Mác - Lênin (Trang 144 - 146)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w