Tính giai cấp của ý thức xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo trình Triết học Mác - Lênin (Trang 160 - 161)

II- Cách mạng xã hộ

c) Tính giai cấp của ý thức xã hội.

Trong xã hội có giai cấp, các giai cấp có những điều kiện sinh hoạt vật chất khác nhau, những lợi ích khác nhau do địa vị xã hội của mỗi giai cấp quy định, do đó, ý thức xã hội của các giai cấp có nội dung và hình thức phát triển khác nhau hoặc đối lập nhau.

Tính giai cấp của ý thức xã hội biểu hiện ở tâm lý xã hội cũng như ở hệ tư tưởng. Về mặt tâm lý xã hội, mỗi giai cấp đều có tình cảm, tâm trạng, thói quen riêng, có thiện cảm hay ác cảm với tập đoàn xã hội này hoặc tập đoàn xã hội khác. ở trình độ hệ tư tưởng thì tính giai cấp của ý thức xã hội biểu hiện sâu sắc hơn nhiều. Trong xã hội có đối kháng giai cấp bao giờ cũng có những quan điểm tư tưởng hoặc những hệ tư tưởng đối lập nhau: tư tưởng của giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, của giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng là tư tưởng của giai cấp thống trị về kinh tế và chính trị ở thời đại đó.

Nếu hệ tư tưởng của giai cấp bóc lột thống trị ra sức bảo vệ địa vị của giai cấp đó thì hệ tư tưởng của giai cấp bị trị, bị bóc lột thể hiện nguyện vọng và lợi ích của quần chúng lao động chống lại xã hội người bóc lột người, xây dựng một xã hội công bằng không có áp bức bóc lột.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân, ngọn cờ giải phóng của quần chúng bị áp bức, bóc lột, phản ánh tiến trình khách quan của sự phát triển lịch sử. Hệ tư tưởng Mác - Lênin đối lập với hệ tư tưởng tư sản - hệ tư tưởng bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, bảo vệ chế độ người bóc lột người. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản hàng thế kỷ nay diễn ra gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hệ tư tưởng.

Trong điều kiện xã hội ngày nay, cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực ý thức hệ vẫn đang tiếp tục diễn ra. Trước những khó khăn và thử thách trên con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch đang ra sức tiến công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, muốn phủ nhận, xoá bỏ nó. Do vậy bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thế giới ngày nay, là một nhiệm vụ quan trọng của cuộc đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta và nhân dân tiến bộ trên thế giới nói chung.

Khi khẳng định tính giai cấp của ý thức xã hội, chủ nghĩa duy vật lịch sử đồng thời còn cho rằng, ý thức của các giai cấp trong xã hội có sự tác động qua lại với nhau. Trong xã hội có áp bức giai cấp, các giai cấp bị trị do bị tước đoạt tư liệu sản xuất, phải chịu sự áp bức về vật chất nên không tránh khỏi bị áp bức về tinh thần, không tránh khỏi chịu ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp thống trị, bóc lột. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì cũng chi phối luôn cả những tư liệu sản xuất tinh thần, thành thử nói chung tư tưởng của những người không có tư liệu sản xuất tinh thần cũng đồng thời bị giai cấp thống trị đó chi phối"1. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của tư tưởng giai cấp thống trị đối với xã hội tùy thuộc vào trình độ phát triển ý thức cách mạng của giai cấp bị trị.

Không những giai cấp bị trị chịu ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp thống trị, mà trái lại giai cấp thống trị cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp bị trị. Đặc biệt ở thời kỳ đấu tranh cách mạng phát triển mạnh, thường thấy một số người trong giai cấp thống trị, nhất là những trí thức tiến bộ từ bỏ giai cấp xuất thân của mình chuyển sang hàng ngũ giai cấp cách mạng, chịu ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp đó. Một số người còn trở thành nhà tư tưởng của giai cấp cách mạng.

ý thức cá nhân trong xã hội có phân chia giai cấp, về bản chất, là biểu hiện mức độ này hay mức độ khác ý thức giai cấp, do địa vị và những điều kiện sinh hoạt vật chất chung của giai cấp quyết định. Nhưng mỗi cá nhân lại có những hoàn cảnh sinh sống riêng như hoàn cảnh giáo dục, trường đời mà họ trải qua, ảnh hưởng tư tưởng chính trị và tư tưởng khác do họ tiếp thu được khi sống trong môi trường thân cận (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp), v.v.. Tất cả những cái đó làm cho ý thức của mỗi người vừa biểu hiện ý thức giai cấp vừa mang những đặc điểm cá nhân, tạo thành những cá tính và nhân cách riêng của cá nhân, làm cho thế giới tinh thần của cá nhân này khác với thế giới tinh thần của những cá nhân khác cùng giai cấp.

Tuy nhiên, quá nhấn mạnh những điều kiện sinh hoạt của cá nhân, thổi phồng mặt cá nhân trong ý thức của con người sẽ dẫn tới hiểu sai bản chất của ý thức cá nhân. Vì vậy, khi đánh giá các hiện tượng ý thức trong xã hội có giai cấp phải nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa ý thức giai cấp và ý thức cá nhân.

Trong xã hội có giai cấp, ý thức xã hội không chỉ mang dấu ấn của những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp, mà còn phản ánh những điều kiện sinh hoạt chung của dân tộc; những điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, điều kiện tự nhiên hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc. Vì vậy, trong ý thức xã hội, ngoài tâm lý và hệ tư tưởng xã hội của giai cấp, còn bao gồm tâm lý dân tộc, tình cảm, ước muốn, tập quán, thói quen, tính cách, v.v. của dân tộc, phản ánh những điều kiện sinh hoạt chung của dân tộc, thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống tinh thần của dân tộc, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác tạo thành truyền thống dân tộc.

Tâm lý dân tộc tuy phản ánh những điều kiện sinh hoạt chung của dân tộc và mang tính chất toàn dân tộc, nhưng có mối liên hệ hữu cơ với ý thức giai cấp. Giai cấp cách mạng tiến bộ phát huy những giá trị tinh thần của dân tộc, ngược lại những tư tưởng giai cấp phản động mâu thuẫn sâu sắc với các giá trị đó.

Giai cấp công nhân được vũ trang bằng hệ tư tưởng Mác - Lênin luôn luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ và phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Một phần của tài liệu Giáo trình Triết học Mác - Lênin (Trang 160 - 161)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w