Có thể nói, sự phát triển tư tưởng yêu nước là sợi chỉ đỏ của lịch sử tư tưởng Việt Nam. Điều đó được cắt nghĩa bởi nước Việt Nam tồn tại và phát triển trong điều kiện đấu tranh chống sự bành trướng và xâm lược của phong kiến phương Bắc cùng các đế quốc khác. Tư tưởng đó là cái phản ánh tồn tại đã được sản sinh ra và phát triển trong điều kiện phục vụ cho sự đấu tranh để sống còn đó. Điều đó cũng cho thấy tính đặc thù của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam không những thể hiện trong những hệ thống lý luận bên ngoài mà người Việt Nam tiếp thu được và Việt hóa mà còn thể hiện trong việc nhận thức về quy luật giữ nước và dựng nước.
Yêu nước là một truyền thống lớn của dân tộc. Nhưng yêu nước có thể là một ý chí, một tâm lý, một tình cảm xã hội, đồng thời cũng có thể là những lý luận. Với tư cách là một bộ phận của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tư tưởng yêu nước phải được xét trên bình diện lý luận, mà ở đây là lý luận về dân tộc độc lập và quốc gia có chủ quyền, về chiến lược và sách lược chiến thắng kẻ thù, về nhận thức và vận dụng quy luật của cuộc chiến tranh giữ nước, tức là những vấn đề lý luận lớn làm cơ sở cho chủ nghĩa yêu nước.
Nội dung của tư tưởng yêu nước Việt Nam có thể xét trên các phương diện: Những nhận thức về dân tộc và dân tộc độc lập, những quan niệm về Nhà nước của một quốc gia độc lập ngang hàng với phương Bắc, những nhận thức về nguồn gốc và động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước.
1. Những nhận thức về dân tộc và dân tộc độc lập
Như bất cứ một cộng đồng người nào phát triển trong lịch sử, cộng đồng người Việt đầu tiên cũng hình thành từ một thị tộc, tiếp đó thị tộc này liên kết với các thị tộc khác có quan hệ về huyết duyên và địa lý mà trở thành bộ lạc rồi liên minh bộ lạc, và phát triển lên thành bộ tộc rồi dân tộc. Cộng đồng người Việt được hình thành sớm trong lịch sử, có tên là Việt; phân biệt với nhiều tộc Việt ở miền Nam Trung Quốc, nó được gọi là Lạc Việt. Để bảo đảm tính ổn định của cộng đồng mình, nhiều nhà tư tưởng trong lịch sử nói tới sự cần thiết phải giữ những nét riêng của nó so với người Ngô (người Trung Quốc) và người Lào. Như bất cứ một khu vực nào trên thế giới trong lịch sử, các cộng đồng người sống trong đó đều phải đấu tranh với nhau để tồn tại. Trong cuộc đấu tranh mạnh được yếu thua đó có cộng đồng thì lớn lên và trở thành bá chủ; có cộng đồng thì vẫn duy trì được thực thể của mình; và cũng đã có không ít cộng đồng tan rã hoặc bị tiêu diệt. Trong bối cảnh đó, cộng đồng người Việt vẫn duy trì được. Và để duy trì được họ đã phải đấu tranh thường
xuyên với các cộng đồng khác đến xâm lấn, nhất là đấu tranh chống lại cộng đồng người Hán lớn hơn, mạnh hơn đến thôn tính. ý thức về dân tộc và dân tộc độc lập của người Việt hình thành nên trong hoàn cảnh như thế.
Nhận thức về dân tộc và dân tộc độc lập của người Việt là một quá trình. Nó bắt nguồn từ cuộc chiến đấu của họ để tự vệ và phát triển lên cùng với các cuộc chiến đấu đó. Vấn đề đặt ra thường xuyên cho người Việt là phải làm thế nào để chứng minh được cộng đồng người Việt khác với cộng đồng người Hán và ngang hàng với cộng đồng người Hán. Lúc đầu các nhà tư tưởng nêu lên rằng, Lạc Việt ở về phía sao Dực, sao Chẩn (các sao ở về phương Nam), khác với Hoa Hạ ở về phía sao Bắc Đẩu (sao của phương Bắc), nên hai tộc người đó phải độc lập với nhau. Tiếp đến họ chứng minh rằng tộc Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh; rồi từ lĩnh vực thiên văn, địa lý, họ nhận ra sự thực lịch sử là "Núi sông nước Nam thì vua nước Nam trị vì". Tư tưởng đó nêu lên thành định phận của sách trời (quan điểm của Lý Thường Kiệt) để chứng tỏ tính chất hiển nhiên không thể bác bỏ được của sự riêng biệt Việt, Hán.
Trên lĩnh vực nhận thức lý luận, sự bức bách của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm buộc các nhà tư tưởng phải có sự đi sâu hơn, khái quát cao hơn, toàn diện hơn về khối cộng đồng tộc Việt. Nguyễn Trãi là người đã thực hiện được sứ mệnh này. Trong các bức thư gửi quân Minh và nhất là trong tác phẩm Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi chứng minh rằng, cộng đồng tộc Việt có đủ các yếu tố: Văn hiến, lãnh thổ, phong tục, lịch sử, nhân tài, nên nó đã là một cộng đồng người có bề dày lịch sử ngang hàng với cộng đồng người của phương Bắc, không thể phụ thuộc vào phương Bắc. Nhận thức đó của Nguyễn Trãi đã nêu lên được các yếu tố cần thiết làm nên một dân tộc, đã đặt cơ sở lý luận cho sự độc lập của một dân tộc.
Lý luận trên của Nguyễn Trãi đạt tới đỉnh cao của quan niệm về dân tộc và dân tộc độc lập dưới thời kỳ phong kiến ở Việt Nam. Nó đã tạo nên sức mạnh cho cộng đồng tộc Việt trong cuộc đấu tranh chống quân Minh xâm lược ở đầu thế kỷ XV và cả các giai đoạn lịch sử sau này. Nhưng khi Pháp xâm lược Việt Nam, lý luận trên tỏ ra bất lực. Phải hơn nửa thế kỷ sau, vào những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh mới tìm ra được lý luận cứu nước mới và Người đã làm cho khái niệm dân tộc và dân tộc độc lập có sắc thái mới ngang tầm thời đại mới.
2. Những quan niệm về nhà nước của một quốc gia độc lập và ngang hàng với phương Bắc phương Bắc
ở Việt Nam trước và sau khi giành được độc lập dân tộc từ tay phong kiến phương Bắc, phạm trù dân tộc nằm trong hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến, gắn với tính chất và địa vị, với chế độ xã hội của giai cấp phong kiến. Chế độ xã hội như là hình thức để cố kết các yếu tố cấu thành dân tộc và là điều kiện để thực thi quyền dân tộc.
Trước khi người Hán đến, tộc Việt đã có Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc của mình. Người Hán đến, Nhà nước Âu Lạc bị tiêu diệt, lãnh thổ của tộc Việt biến thành một bộ phận của tộc Hán. Người Việt đấu tranh chống lại sự thống trị của người Hán cũng có nghĩa là đấu tranh giành quyền tổ chức ra nhà nước riêng của mình, chế độ riêng của mình. Quyền xây dựng nhà nước riêng, chế độ riêng là mục tiêu hàng đầu của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Xây dựng nhà nước trong lúc bấy giờ không thể không tính tới các yếu tố: quốc hiệu, quốc đô, đế hiệu, niên hiệu,... Làm sao để các danh hiệu đó vừa thể hiện được sự độc lập
của dân tộc, vừa cho thấy sự bền vững, sự phát triển và sự ngang hàng với phương Bắc. Các triều đại độc lập của Việt Nam đều chú ý đáp ứng những yêu cầu trên. Chính vì vậy mà sau khi quét sạch lũ thống trị phương Bắc, Lý Bí đã từ bỏ luôn các tên gọi mà họ đã áp đặt cho nước ta, như: "Giao Chỉ", "Giao Châu", "Nam Giao", "Lĩnh Nam", v.v. những tên gắn liền với sự phụ thuộc vào phương Bắc, và đặt tên nước là Vạn Xuân. Tiếp đến nhà Đinh gọi là Đại Cồ Việt, nhà Lý gọi là Đại Việt... Tên hiệu của người đứng đầu trong nước cũng được chuyển từ Vương sang Đế để chứng tỏ sự độc lập và ngang hàng với hoàng đế phương Bắc, như từ Trưng Vương đến Lý Nam Đế, từ Triệu Việt Vương đến Mai Hắc Đế, Đinh Tiên Hoàng... Kinh đô cũng được chuyển từ Cổ Loa đến Hoa Lư, rồi từ Hoa Lư đến Thăng Long để có được nơi "Trung tâm bờ cõi đất nước... vị trí ở giữa bốn phương, muôn vật phong phú tốt tươi... chỗ tụ họp của bốn phương" (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn), nơi xứng đáng là kinh đô của một nước phát triển. Như vậy là đầu thời kỳ độc lập, Việt Nam - một quốc gia dân tộc phong kiến về mặt chính thể từ quốc hiệu, đế hiệu, đến niên hiệu, kinh đô, v.v. đều được nhận thức đầy đủ và ở đó mỗi tên gọi là một tư thế của sự độc lập, tự chủ, tự cường.
3. Những nhận thức về nguồn gốc về sự động lực của cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước giữ nước
Lý luận về dân tộc độc lập và quốc gia có chủ quyền là một vũ khí quan trọng trong tay lực lượng kháng chiến, song bản thân nó không đủ để làm nên chiến thắng. Kẻ thù có một đội quân đông đảo và hùng mạnh hơn mình gấp nhiều lần, muốn thắng được nó cần phải có những hiểu biết khác. Trong đó có những vấn đề bức bách cần phải giải đáp như: Làm thế nào để động viên được sức mạnh của toàn dân? Làm thế nào để thấy được thực chất mối quan hệ giữa địch và ta? Để chuyển yếu thành mạnh, lấy ít địch nhiều phải làm gì? Để thấy được những bước phát triển tất yếu của cuộc chiến phải làm thế nào?... Nghĩa là những vấn đề về một khoa học và một nghệ thuật của cuộc chiến tranh giữ nước phải được hình thành và phát triển.
Các nhà chỉ đạo cuộc chiến tranh giữ nước trong lịch sử dân tộc đều thấy sự cần thiết phải có một lý luận được khái quát lên từ thực tế chiến đấu. Họ tìm nguyên nhân của những thành công và thất bại. Họ đúc kết kinh nghiệm thành lý luận, họ đem hiểu biết của một người truyền bá cho nhiều người. Và sau khi thắng lợi hoàn toàn, họ đều tiến hành việc tổng kết để nhìn nhận sự việc đã qua cho rõ và để có thêm cơ sở đối phó về sau. Không phải ngẫu nhiên mà ở họ có những ý kiến trùng hợp. Hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau, kẻ thù khác nhau, tương quan lực lượng cũng khác nhau nhưng họ lại đi đến những nhận định như nhau. Không phải là người sau bắt chước tiếng nói của người trước, mà trước hay sau đều là tiếng nói của thực tiễn, của chân lý. Những tiếng nói giống nhau ấy phải chăng là những quy luật được rút ra từ những cuộc chiến đấu trường kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Phải coi trọng sức mạnh của cộng đồng là điều đầu tiên rút ra được của các nhà tư tưởng. Cộng đồng người Việt là một thực thể xã hội hình thành trong lịch sử và được củng cố bởi những thành viên của nó ý thức được rằng họ cùng một giống nòi, cùng một lãnh thổ, cùng một sinh hoạt và cùng một vận mệnh. Cộng đồng đó sẽ yếu ớt nếu những thành viên đó không có gì để gắn bó với nhau, và ngược lại nó sẽ trở thành một sức mạnh nếu nó được cố kết với nhau, và có điều kiện để cố kết với nhau. Các nhà chỉ đạo cuộc chiến tranh lúc bấy giờ hiểu được điều đó. Họ thấy con người ta có quyền lợi thì mới có trách nhiệm, có phần của mình trong tập thể thì mới gắn bó với tập thể, có quan hệ tốt thì mới đồng
lòng. Họ nhấn mạnh yếu tố đó để phát huy sức mạnh của cộng đồng. Trần Quốc Tuấn yêu cầu: "Trên dưới một lòng, lòng dân không chia", vì "Vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, nước nhà góp sức giặc tự bị bắt", "có thu phục được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được". Nguyễn Trãi nói: "Thết quân rượu hoà nước, dưới trên đều một dạ cha con". Tư tưởng này đến thời cận đại, được các nhà tư tưởng nêu lên là, có "hợp sức", "hợp quần" thì mới có sức mạnh. Và đến thời kỳ hiện đại, Hồ Chí Minh nêu lên thành nguyên lý: "Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết - Thành công, thành công đại thành công".
Đề cao sức mạnh của cộng đồng, các nhà tư tưởng đã làm một việc phù hợp với yêu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa nhân dân ta và bọn xâm lược là mâu thuẫn chủ yếu lúc bấy giờ. Phía ta có giải quyết được mâu thuẫn nội bộ, có đoàn kết một lòng, có trở thành một sức mạnh hùng hậu thì mới có điều kiện chuyển hóa được các mặt đối lập của mâu thuẫn địch ta, mới có thể biến kẻ địch từ mạnh sang yếu và ta từ yếu sang mạnh, mới tiêu diệt được kẻ thù. Đó là ý thức tập thể trong điều kiện lúc bấy giờ.
Phải coi trọng vai trò của nhân dân là một tư tưởng lớn trong ý thức dân tộc ở các nhà tư tưởng. Xoay quanh vấn đề dân này, đã từng có những quan niệm tiêu cực. Khổng Tử cho dân là người để sai khiến. Mạnh Tử cho dân là người bị người trị và phải nuôi người. Dĩ nhiên ngay trong hàng ngũ kháng chiến của dân tộc cũng có người miệt thị dân, như Trần Khánh Dư là một tướng lĩnh đời Trần nói: "Tướng là chim ưng, quân dân là con vịt, đem con vịt mà nuôi chim ưng thì có gì là lạ". Thượng Hoàng Trần Minh Tông thì dứt khoát không thừa nhận vị trí đáng có của dân nên đã nói: "Bọn gia nô dù có chút công cũng không được dự vào quan tước của triều đình".
Nhưng trong lịch sử tư tưởng của dân tộc phải tính tới các quan điểm tích cực đối với dân. Lý Công Uẩn nói: "Trên vâng mệnh trời dưới theo ý dân, thấy thuận tiện thì thay đổi". Lý Phật Mã nói: "Nếu trăm họ mà no đủ, thì ta làm sao không đủ được". Nói lên được những điều đó là do trong sự nghiệp chung, họ xúc động về việc làm cao cả của dân thấy được vai trò to lớn của dân. Trần Khâm (Trần Nhân Tông) nói: "Ngày thường thì có thị vệ hai bên, đến khi Nhà nước hoạn nạn thì chỉ có bọn ấy (tức gia nô) đi theo thôi". Nguyễn Trãi nói: "Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân". Lý Thường Kiệt nói: "Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân". Nguyễn Trãi nói: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Đến Hồ Chí Minh, thời đại ngày nay, thì quan niệm về dân đã được phát triển đến một trình độ cao hơn và mang một chất mới. Lời nói tuy khác nhau, nhưng họ đều là những người yêu nước nhiệt thành, đều thấy cần phải nêu lên trách nhiệm đối với dân, phải bồi dưỡng sức dân.
Tư tưởng đó đã là cơ sở cho đường lối, tư tưởng nhân nghĩa, cho đối sách nhân hậu, cho những biện pháp nhằm hạn chế mâu thuẫn giai cấp trong xã hội và tiến tới một sự thịnh vượng nào đó.
Thấy được vai trò của dân và nêu lên được một số yêu cầu dân chủ của dân đối với các nhà tư tưởng trên không phải là chuyện ngẫu nhiên. Lập trường phong kiến và đặc điểm cuộc sống đã hạn chế nhãn quan của họ. Nhưng là những nhà yêu nước lớn, đứng ở đỉnh cao của phong trào yêu nước lúc bấy giờ, họ thấy được yêu cầu phải cố kết cộng đồng, phát huy sức mạnh của dân tộc nên đã vượt qua được những hạn chế giai cấp vốn có của mình.
Những điều trình bày trên cho thấy có một tư tưởng yêu nước Việt Nam khác biệt với tư tưởng yêu nước của các dân tộc khác. Nó được đúc kết bằng xương máu và bằng trí tuệ trong trường kỳ lịch sử của các cuộc đấu tranh cứu nước, dựng nước và giữ nước.