Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của tòa án:

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay - thực trạng và giải pháp (Trang 100 - 104)

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ

c.Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của tòa án:

Để có thể nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của toà án, trước hết cần phải nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ toà án, đặc biệt là ở các toà án địa phương (Cấp Tỉnh, Huyện)

Toà án nhân dân các cấp trong quá trình thụ lý và giải quyết các vụ án kinh tế trong những năm vừa qua về cơ bản là thực hiện đúng thẩm quyền luật định. Tuy nhiên,

cũng có không ít trường hợp toà án nhân dân thụ lý sai thẩm quyền và tiến hành hoà giải thành và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự thiếu căn cứ và không phù hợp pháp luật. Sau đây là một vài ví dụ:

Vụ án "Tranh chấp nghĩa vụ góp vốn trả nợ" giữa Nguyên đơn là Ông Trần Văn Ng - giám đốc Công ty thương mại Hoài Nam, Quy Nhơn và Bị đơn là các Ông Hồ Đăng T, Quách Đình N và Lê Hữu Ph.

Ngày 29/5/1995 Ông Trần Văn Ng ký hợp đồng liên doanh sản xuất thuỷ sản đông lạnh số 04 cùng các Ông Đăng T, Đình N, Hữu Ph là các cá nhân không phải là thành viên của công ty TNHH Hoài Nam.

Để thực hiện hợp đồng liên doanh, Ông Trần Văn Ng đã lập 3 khế ước vay của chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển Bình Định 130 triệu đồng để thành lập xưởng chế biến thuỷ, hải sản. Do làm ăn kém hiệu quả nên không có khả năng thanh toán, Ngân hàng yêu cầu Ông Ng thanh toán nợ, cả vốn và lãi. Sau nhiều lần yêu cầu các Ông T, N, Ph cùng tìm cách trả nợ cho ngân hàng nhưng không được các bên hợp tác thực hiện, ngày 29/11/1995 Ông Ng gửi đơn kiện đến Toà án kinh tế Toà án Nhân dân tỉnh Bình Định yêu cầu phía liên doanh là các Ông T, N, Ph cùng công ty có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng.

Toà kinh tế Toà án Nhân dân Tỉnh Bình Định đã thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Sau khi tiến hành hoà giải thành, toà án kinh tế đã ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 211 ngày 12/2/1995. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm quyết định trên. Αn giám đốc thẩm số 05/KT ngày 15/10/1996 của Toà án nhân dân tối cao xử chấp nhận kháng nghị, huỷ quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự tại toà án nhân dân Tỉnh Bình Định, giao hồ sơ về Toà án nhân dân Tỉnh Bình Định thụ lý giải quyết theo thủ tục các vụ án dân sự. Hợp đồng giữa các bên kể trên không phải là HĐKT mà là hợp đồng dân sự bởi vì các cá nhân T, N, Ph là các cá nhân không có đăng ký kinh doanh, cũng không phải là thành viên của công ty TNHH Hoài nam, việc thụ lý giải quyết vụ tranh chấp của Toà án Nhân dân Tỉnh Bình Định là sai thẩm quyền và trái pháp luật.

Vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa kho bạc nhà nước Tỉnh Thanh Hoá với công ty chè - cà phê Thanh Hoá: Ngày 29/12/1992, Công ty chè - cà phê Thanh Hoá ký hợp đồng vay của kho bạc Thanh Hoá 150 triệu đồng với lãi suất 0,6%/tháng trong 36 tháng, thời hạn trả nợ là 30/12/1995. Đến hạn trả nợ, Công ty chè - cà phê Thanh Hoá vẫn không trả được nợ, nên ngày 18/6/1996 giám đốc Kho bạc gửi đơn kiện đến Toà án kinh tế Tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Công ty chè - cà phê Thanh Hoá trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký giữa hai bên. Giám đốc Kho bạc uỷ quyền cho Ông Bùi Đình Chung tham gia tố tụng trước Toà án nhân dân Tỉnh Thanh Hoá, Toà án kinh tế TAND Tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành hoà giải thành và lập biên bản hoà giải thành. Nội dung biên bản hoà giải thành là Công ty chè - cà phê Thanh Hoá trả cho Kho bạc Thanh Hoá 150.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng, không kèm theo lãi. Người ký vào biên bản hoà giải thành phía kho bạc Nhà nước Thanh Hoá là Ông Nguyễn Tấn Vinh, là người không được giám đốc Kho bạc uỷ quyền. Ngày 2/8/1996, TAND Tỉnh Thanh Hoá ra quyết định số 2120/TA công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự.

Quyết định này sai cả về nội dung lẫn hình thức:

- Về nội dung: Quyết định này không đúng theo yêu cầu của giám đốc Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá, đòi Công ty chè - cà phê Thanh Hoá trả 150.000.000 đồng tiền gốc kèm theo lãi tính theo hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa hai bên. Quyết định này cũng không nêu rõ thời gian, phương thức trả nợ để hai bên thực hiện.

- Về hình thức: Ông Bùi Đình Chung là người được giám đốc Kho bạc uỷ quyền tham gia tố tụng nhưng Ông Chung không ký vào biên bản hoà giải thành mà biên bản hoà giải thành lại do Ông Vinh ký. Ông Vinh là người không được Giám đốc Kho bạc uỷ quyền nên quyết định này vi phạm khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Như vậy, trong một số trường hợp các Cán bộ của Toà án các cấp, những người đứng ra bảo đảm pháp luật được thực hiện lại không nắm vững pháp luật hoặc vì lý do nào đó mà đã thực hiện trái pháp luật. Muốn nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của Toà án thì trước hết phải giảm một cách tối đa những trường hợp như vậy.

Giải quyết tranh chấp kinh tế bằng toà án hiện nay còn gặp nhiều trở ngại khác. Tổng kết hai năm hoạt động của toà kinh tế các cấp cho thấy số vụ việc mà toà án giải quyết giảm đi rất nhiều so với số vụ mà Trọng tài kinh tế giải quyết trước đây. Ví dụ trong năm 2001 Toà án giải quyết 684 vụ án kinh tế (trong đó tranh chấp HĐKT chiếm phần lớn). Con số này chỉ tương đương với 1/5 số vụ việc mà Trọng tài kinh tế giải quyết trước đây. Số vụ việc Toà án kinh tế cả nước thụ lý giải quyết hiện nay chưa bằng số vụ trong một Tỉnh, Thành phố trung bình mà Trọng tài kinh tế giải quyết trước đây.

Nguyên nhân chủ yếu của thực tế này là ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp chưa quen tác phong đưa các tranh chấp kinh tế ra toà án giải quyết, mà thường coi đây là vấn đề rất nặng nề, kiện nhau đến toà là việc bất đắc dĩ, hết tình hết nghĩa với nhau. Họ cho rằng toà án là cơ quan xét xử đối với những việc làm phạm pháp chứ không coi đó là nơi giải quyết các tranh chấp hoặc vi phạm về hợp đồng. Trong thực tế, các bên tranh chấp đã dựa vào các thế lực khác để giải quyết tranh chấp như nhờ Cơ quan Công an, Viện kiểm sát kể cả dùng những biện pháp như khởi tố, truy tố, bắt giam để thu hồi nợ.... có khi các chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp phải trả để các Cơ quan Công an, Viện kiểm sát giải quyết vụ việc cho mình còn tốn kém hơn cả các chi phí phải bỏ ra khi đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết (toà án, trọng tài) nhưng nó có ưu điểm là nhanh, hiệu quả, không bị phiền hà, không bị phê phán về những sai sót về phía mình, không cần công khai tranh chấp. Mặt khác, thủ tục giải quyết tranh chấp kinh tế của toà kinh tế hiện nay còn nhiều phiền phức, chậm chễ, không gắn với hiệu quả. Từ thủ tục nộp đơn, tạm ứng án phí, cung cấp các chứng lý, làm việc, đối chất, hoà giải, phiên toà sơ thẩm, phiên toà phúc thẩm và nhiều vụ việc khác và nhiều khi Giám đốc thẩm có khi kéo dài hàng năm, cuối cùng xét xử xong lại phải chuyển sang bộ phận thi hành án. Khi đã chuyển sang bộ phận này rồi, lúc nào thi hành còn tuỳ thuộc ở cơ quan thi hành án. Với thời gian như vậy, đối phương có khi cũng không còn tài sản để thu hồi mà thiệt hại phát sinh thì không biết tới mức nào.

Đối với các nhà kinh doanh, việc quan tâm đầu tiên khi giải quyết tranh chấp là hiệu quả, cụ thể là nhanh, gọn, sớm thu hồi vốn, tránh các thiệt hại phát sinh tiếp trong

thời gian giải quyết để có điều kiện tiến hành thương vụ khác, thậm chí kể cả có thiệt hại so với quyền lợi được hưởng một phần họ vẫn sẵn sàng. Hơn nữa, mặc dù tranh chấp quyết liệt với nhau song các bên vẫn muốn có một cơ quan uy tín giải quyết trên cơ sở có lý, có tình để khi giải quyết xong họ vừa rút được ra cho mình những bài học nhưng vẫn cảm thấy thoải mái, thậm chí tiếp tục làm ăn với nhau. Đây là tâm lý chung của hầu hết các doanh nghiệp có xảy ra tranh chấp kinh tế. Để cải thiện tình hình và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của mình, toà án cần phải xây dựng một đội ngũ cán bộ giải quyết tranh chấp có kiến thức về pháp luật kinh tế, công tâm đức độ, có thể đáp ứng tốt được những yêu cầu thực tại của xã hội. Theo chúng tôi cần phải đào tạo một đội ngũ thẩm phán, việc đào tạo này nên giao cho toà án tối cao vì:

♦ Toà án tối cao là cơ quan xét xử cao nhất và tập trung nhiều Thẩm phán có năng lực, trình độ, có quá trình công tác lâu năm đúc kết được nhiều kinh nghiệm.

♦ Nhiều hoạt động kinh tế mới phát sinh trong cơ chế thị trường như, tranh chấp về thương hiệu, các loại hình công ty, thị trường chứng khoán, hoạt động ly-xăng.. cần được bồi dưỡng kiến thức mà các toà án địa phương khó thực hiện được.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay - thực trạng và giải pháp (Trang 100 - 104)