4. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ.
4.3 Một số vấn đề hội nhập đối với ngành ngân hàng Việt nam.
Quá trình hội nhập của ngành ngân hàng có thể hiểu là quá trình cải cách từng bước hệ thống ngân hàng xuất phát từ yêu cầu thực tế của quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế quốc gia, vì có như vậy, hệ thống ngân hàng mới có thể đảm nhiệm và phát huy được vai trò trung gian tài chính của mình trong bối cảnh nền kinh tế mới với nhiều biến động phức tạp của thị trường quốc tế nói chung và thị trường nội địa nói riêng.
Với việc tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và đang tiến tới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là việc ký kết Hiệp định Thương mại Việt nam - Hoa kỳ ngày 13/7/2000 (vừa được Thượng viện Hoa kỳ thông qua vào ngày 3/10/2001), lộ trình hội nhập của nền kinh tế Việt nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng không còn dài.
Đánh giá được những sức ép và triển vọng của việc hội nhập thị trường quốc tế, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng một cách đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ: Lãi suất, tỷ giá, tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, đặc biệt là đổi mới cơ chế điều hành
lãi suất, đưa nghiệp vụ thị trường mở vào hoạt động, kết hợp việc điều hành giữa công cụ trực tiếp với công cụ gián tiếp. Cụ thể là trong năm 2000, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang cơ chế điều hành lãi suất cơ bản đối với cho vay bằng VND và gắn lãi suất trong nước với lãi suất quốc tế đối với lãi suất cho vay bằng ngoại tệ. Cơ chế điều hành lãi suất mới đã tạo chủ động cho các tổ chức tín dụng trong việc xác định lãi suất cho vay và huy động phù hợp với cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước. Công cụ tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn trên cơ sở đánh giá được những biến động phức tạp có thể xảy ra của tỷ giá giữa VND và USD bởi các yếu tố nội tại của nền kinh tế nước ta cũng như những biến động của thị trường tiền tệ thế giới. Tháng 7/2001, NHNN đưa nghiệp vụ thị trường mở vào hoạt động, đây là một bước đổi mới căn bản trong việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt nam, chuyển từ điều hành bằng công cụ trực tiếp sang công cụ gián tiếp. Các công cụ chính sách tiền tệ khác như tái cơ cấp vốn, tái chiết khấu và dự trữ bắt buộc cũng được sử dụng hết sức linh hoạt góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ trong nước.
Trong những năm gần đây, các NHTM đã không ngừng củng cố và hoàn thiện để thích ứng với nền kinh tế thị trường, đều nỗ lực đổi mới công nghệ, cung cấp các dịch vụ ngân hàng mới và đào tạo đội ngũ nhân viên. Đặc biệt, nhận thức được rằng cung cấp dịch vụ ngân hàng sẽ là hoạt động kinh doanh then chốt của các NHTM trong bối cảnh hội nhập, các NHTM Việt nam ngày càng chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ ngân hàng. Trong đó một số hình thức dịch vụ ngân hàng tiên tiến có khả năng ứng dụng và phát triển mạnh trong thời gian tới là dịch vụ ngân hàng trọn gói cá nhân (còn gọi là ngân hàng bán lẻ), dịch vụ ngân hàng điện tử (E - Banking) bao gồm một số sản phẩm đặc trưng như: tín dụng kinh doanh nhỏ, tín dụng tiêu dùng, thẻ tín dụng, rút tiền tự động, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ ghi có/nợ báo trước (trả lương, thanh toán tiền điện thoại, tiền nước...), tư vấn đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ
khác. Tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng dịch vụ ngân hàng điện tử chủ yếu hướng vào đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, các tổng công ty lớn. Đây cũng là yếu điểm cơ bản của hệ thống NHTM Việt nam vốn dựa chủ yếu vào tín dụng doanh nghiệp (bán buôn). Kinh nghiệm của các nước trên thế giới là lợi nhuận từ dịch vụ bán lẻ thường lớn hơn và khó kiểm soát hơn (lãi suất, doanh số, lệ phí) so với bán buôn. Ngoài ra, loại dịch vụ bán lẻ gắn chặt với cuộc sống hằng ngày của dân cư, chính vì vậy dần tạo nên uy tín tốt về mặt kinh tế - xã hội của các NHTM. Điều này, ngoài tác động cạnh tranh lợi hại, các NHTM còn có thể định hướng được tiết kiệm và tiêu dùng của dân cư, nhất là tầng lớp giàu có và trung lưu (dùng thẻ điện tử hạn mức tín dụng cao, vay mua sắm nhà cửa, bất động sản, đi du học nước ngoài...) hình thành nên xã hội tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến tiết kiệm và đầu tư toàn xã hội.
Từ thực tế trên, có thể thấy rằng chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước Việt nam cũng như logic kinh doanh của NHTM đã có những thay đổi cơ bản đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới và nâng cao khả năng điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả theo các quy luật kinh tế thị trường. Phản ảnh chiến lược chủ động hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt nam, trong đó NHNN giữ vai trò quan trọng định hướng sự phát triển của cả hệ thống ngân hàng.
CHƯƠNG III