Nhóm chỉ tiêu an toàn

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ NGHIỆP VỤ CHO VAY SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ LÀM DỊCH VỤ ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG TMCP Á CHÂU (Trang 49 - 51)

Nợ quá hạn và nợ xấu là vấn đề mà bất kỳ ngân hàng thương mại nào cũng quan tâm, dù ngân hàng có hệ thống quản lý chặt chẽ như thế nào đi nữa thì cũng không thể nào triệt tiêu nợ quá hạn, nợ xấu được bởi vì nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đến từ mọi phía. Bên cạnh đó, nợ quá hạn và nợ xấu còn là những chỉ tiêu giúp chúng ta có thể đánh giá được hiệu quả nghiệp vụ cho vay của ngân hàng một cách chính xác.

Bảng 2.8: Tình hình nợ quá hạn - nợ xấu cho vay sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ đối với khách hàng cá nhân của ACB Huế (2007 - 2009)

Đơn vị tính: Triệu đồng

Chỉ tiêu Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009

Nợ quá hạn

Cho vay SXKD&LDV 307 688 357

Hoạt động cho vay 768 3.248 1.080

Tỷ trọng (%) 39,92 21,18 33,06

Nợ xấu

Cho vay SXKD&LDV 0 38 64

Hoạt động cho vay 64 427 707

Tỷ trọng (%) 0 8,87 9,05

Dư nợ

Cho vay SXKD&LDV 61.317 63.103 102.507

Hoạt động cho vay 138.410 153.240 236.900

Tỷ lệ Nợ quá hạn/Dư nợ(%)

Cho vay SXKD&LDV 0,50 1,09 0,35

Hoạt động cho vay 0,55 2,12 0,46

Tỷ lệ Nợ xấu/Nợ quá hạn (%)

Cho vay SXKD&LDV 0 5,50 17,93

Hoạt động cho vay 8,33 13,15 65,46

Qua bảng 2.8 và phụ lục 3, ta thấy tình hình NQH, nợ xấu cho vay SXKD&LDV đối với KHCN của ACB Huế qua 3 năm biến động như sau:

Nợ quá hạn năm 2008 tăng 124,35%, tương ứng với con số tuyệt đối là 381 triệu đồng. Sự tăng đột biến của NQH năm 2008 cũng dễ hiểu khi xét trong mối tương quan với tình hình nền kinh tế. Năm 2008, khủng hoảng kinh tế xảy ra trên diện rộng, tình hình hoạt động bất ổn của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đã dẫn đến nguồn thu nhập chính của nhiều khách hàng bị ảnh hưởng từ đây trực tiếp làm giảm khả năng trả nợ của họ.

Vào năm 2009, ta thấy giá trị tuyệt đối và tốc độ tăng NQH của hoạt động SXKD&LDV đối với KHCN thấp hơn năm 2008 nhưng lại chiếm tỷ trọng đến 33,06% trong tổng NQH của hoạt động cho vay. Tỷ trọng này phản ánh việc thu hồi nợ vay SXKD&LDV đối với KHCN của chi nhánh là chưa tốt. Mặc dù NQH của chi nhánh năm 2009 đã giảm 66,75% so với năm 2008, cho thấy ACB Huế đã rất tích cực trong công tác thu nợ nhưng NQH cho vay SXKD&LDV vẫn chưa nằm trong tầm kiểm soát của chi nhánh. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận vấn đề này trên một khía cạnh khác. Như đã trình bày ở các phần trên, các khoản vay SXKD&LDV năm 2009 ở chi nhánh chủ yếu vẫn là các khoản vay nhỏ của các cá nhân, hộ kinh doanh, nên khi xử lý được một món nợ thì cũng không làm giảm đáng kể tỷ trọng NQH cho vay sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ. Qua đó, chúng ta cần có cái nhìn khách quan hơn khi tỷ trọng NQH cho vay SXKD&LDV đối với KHCN năm 2009 là khá lớn. Tuy nhiên, ACB Huế cũng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cán bộ tín dụng phụ trách mảng cho vay này.

Tỷ lệ nợ quá hạn/dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ trong ba năm giao động từ 0,30% đến 1,10%. Đặc biệt, năm 2008, tỷ lệ NQH cho vay SXKD&LDV của ACB Huế vượt ngưỡng 1%, cụ thể là 1,09%, tỷ lệ này có thể được chấp nhận khi quy mô cho vay của chi nhánh được mở rộng và thực tế thì năm 2008 ACB Huế có doanh số cho vay SXKD&LDV cao nhất trong giai đoạn 2007 - 2009. Mặc dù hoạt động cho vay phục vụ kinh doanh vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nguồn trả nợ phụ thuộc vào kết quả sản xuất

kinh doanh, và đặc biệt là tình hình chung của nền kinh tế còn khó khăn nhưng do công tác thẩm định, xét duyệt vay vốn được thực hiện tốt, công tác thu nợ hiệu quả nên tỷ lệ NQH của hoạt động cho vay kinh doanh 3 năm qua luôn thấp hơn tỷ lệ chung của chi nhánh. Bên cạnh đó, ACB Huế còn tìm mọi cách để giảm áp lực NQH như thành lập bộ phận xử lý nợ, tái thẩm định các phương án vay vốn kinh doanh của khách hàng, kiên quyết phát mãi tài sản để thu hồi nợ quá hạn. Với những nổ lực kể trên thì tỷ lệ NQH năm 2009 của chi nhánh được kiềm chế ở mức 0,46% và tỷ lệ này ở hoạt động cho vay kinh doanh là 0,35% .

Tỷ lệ nợ xấu/nợ quá hạn của chi nhánh và của hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ tăng lên qua 3 năm đòi hỏi chi nhánh cần kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản vay mới cũng như các khoản nợ quá hạn. Đối với những khoản vay mới, chi nhánh cần chú trọng hơn đến quá trình thẩm định để tăng tính an toàn cho khoản vay. Còn đối với những khoản nợ quá hạn thì cần có biện pháp kịp thời, tác động từ mối quan hệ nhiều phía của khách hàng để thu hồi nợ.

Biểu đồ 2.3: Tình hình nợ quá hạn và nợ xấu cho vay sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ đối với khách hàng cá nhân tại ACB Huế giai đoạn 2007 – 2009

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ NGHIỆP VỤ CHO VAY SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ LÀM DỊCH VỤ ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG TMCP Á CHÂU (Trang 49 - 51)